12:09 04/12/2012

Hàng tồn kho giảm

Hôm qua (3/12), tại buổi họp báo thường kỳ tháng 11/2012 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Lê Dương Quang cho biết: Đến nay, tỷ lệ hàng tồn kho bước đầu đã có xu hướng giảm.

Hôm qua (3/12), tại buổi họp báo thường kỳ tháng 11/2012 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Lê Dương Quang cho biết: Đến nay, tỷ lệ hàng tồn kho bước đầu đã có xu hướng giảm.

 

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 1/11, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,4% so với tháng trước và tăng 20,9% so với cùng kỳ. Tuy tồn kho cao hơn tháng trước và cao hơn cùng kỳ nhưng chỉ tập trung chủ yếu ở một số ngành hàng phục vụ tiêu dùng dân cư chuẩn bị đón Tết. So với tháng trước, sản xuất bia đã tăng 29,3%; sản xuất thuốc lá tăng 5,0%; may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) tăng 11,7%; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh tăng 8,5%...


“Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho của một số mặt hàng đã giảm mạnh: Sản xuất đường giảm 36,2% so với tháng trước và giảm 48,2% so với cùng kỳ; sản xuất thiết bị dẫn điện giảm tương ứng là 27,7% và 27,1%...”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.


Theo báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ, số lượng tồn kho một số sản phẩm chủ yếu tính đến thời điểm 1/11 như sau: Than các loại tồn kho gần 8,8 triệu tấn; tinh quặng sắt tồn kho gần 104 nghìn tấn; quặng sắt tồn kho gần 130 nghìn tấn; quặng apatit tồn kho 873,3 nghìn tấn...


Trả lời câu hỏi của phóng viên Tin Tức, Thứ trưởng Lê Dương Quang cho biết: Mức độ hàng hóa tồn đọng đang ngày càng giảm là nhờ hàng loạt biện pháp của Bộ Công Thương như: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại; giảm giá, khuyến mãi hàng hóa; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn... Hy vọng thời gian tới, tỷ lệ hàng tồn kho sẽ tiếp tục giảm. Thứ trưởng đã đưa ra ví dụ về ngành than: Nếu như cách đây 2 tháng, lượng than tồn kho các loại xấp xỉ 10 triệu tấn thì tính đến đầu tháng 11/2012, tồn kho mặt hàng này chỉ còn gần 8,8 triệu tấn. Có được kết quả này là nhờ chính sách giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 10% nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành than.


“Vấn đề hàng tồn kho sẽ phải tiếp tục xử lý trong thời gian tới chứ không thể giải quyết ngay trong một sớm, một chiều”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Giá bán lẻ điện thực tế thấp hơn so với kế hoạch


Tại buổi họp báo, đại diện Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011 theo kết quả kiểm tra thực tế tại Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị thành viên của Tổ công tác kiểm tra (gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam).


Theo đó, năm 2011, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 94,65 tỷ kWh; tỉ lệ tổn thất hệ thống điện là 9,23%, thấp hơn so với quy định của Bộ Công Thương và thấp hơn tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế năm 2010 (10,15%). Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2011 là 121,356 tỷ đồng tương ứng với giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011 là 1,282 đồng/kWh. Tổng chi phí khâu phát điện là 93.557 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện tính theo điện thương phẩm là 988 đồng/kWh.


So với giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2011 là 1.226 đồng/kWh, giá thành sản xuất kinh doanh điện cao hơn 56 đồng/kWh. Theo tính toán từ chênh lệch giá thành điện và giá bán điện trong năm 2011, EVN đã lỗ 5.297 tỷ đồng. Nếu tính thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện như tiền bán công suất phản kháng, lãi tiền gửi, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần phát điện, thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện, trong năm 2011 EVN lỗ 3.181 tỷ đồng. Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2011 của EVN thua lỗ là do diễn biến thủy văn không thuận lợi năm 2011 ảnh hưởng đến tình hình phát điện và cung ứng điện cho các tháng mùa khô 2011; do biến động tỷ giá hối đoái và giá nhiên liệu làm tăng chi phí; tình hình sản xuất kinh doanh trong nước gặp khó khăn làm nhu cầu sử dụng điện trong hệ thống thấp, dẫn đến giá bán lẻ điện thực tế thấp hơn so với kế hoạch.


Minh Phương - Thu Trang