08:09 20/08/2012

Hàng chục triệu cử tri Mỹ không hứng thú đi bỏ phiếu

Các kết quả điều tra và thăm dò dư luận mới nhất cho biết trong năm tổng tuyển cử 2012 này, hàng chục triệu cử tri Mỹ có ý định sẽ không đến các trung tâm bỏ phiếu vì nhiều lý do, trong đó có cả tâm lý không tin tưởng vào các cá nhân và hệ thống chính trị.

Các kết quả điều tra và thăm dò dư luận mới nhất cho biết trong năm tổng tuyển cử 2012 này, hàng chục triệu cử tri Mỹ có ý định sẽ không đến các trung tâm bỏ phiếu vì nhiều lý do, trong đó có cả tâm lý không tin tưởng vào các cá nhân và hệ thống chính trị.

Điều bất lợi cho đảng Dân chủ là trong số này có nhiều người ủng hộ Tổng thống Barack Obama hơn đối thủ đảng Cộng hòa, cựu Thống đốc Mitt Romney.

Kết quả thăm dò công bố ngày 18/8 của USA TODAY/Suffolk University cho biết trong số 800 người trong độ tuổi bầu cử trên khắp cả nước được phỏng vấn ngẫu nhiên có xấp xỉ 40% nói rằng họ sẽ ở nhà trong ngày bỏ phiếu bầu chọn tổng thống 6/11 tới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: THX/ TTXVN


Lý do mà họ đưa ra gồm quá bận với việc kiếm tiền mưu sinh, không hứng thú với bất kỳ ứng cử viên nào hoặc đã chán ngấy với việc các ứng cử viên hứa nhiều nhưng bội hứa.

Dân số Mỹ ở thời điểm hiện tại khoảng 315 triệu người, trong đó có khoảng 212 triệu người đủ tiêu chuẩn đi bỏ phiếu.

Ông Curtis Gans, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về cử tri Mỹ, dự kiến trong năm bầu cử 2012 này sẽ có khoảng 54,2% cử tri đi bỏ phiếu, tương đương với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2000.

Như vậy sẽ có khoảng 90 triệu người không thực hiện quyền công dân trong ngày bầu cử.

Với 57,37% cử tri đi bỏ phiếu, cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 được coi là cuộc bầu cử có tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu cao chưa từng có kể từ cuộc bầu cử năm 1960, nhưng cũng có tới gần 80 triệu cử tri không đến các điểm bỏ phiếu.

Trong số các cử tri có ý định không đến các trung tâm bỏ phiếu năm 2012 có 43% nói rằng họ ủng hộ đương kim Tổng thống  Barack Obama và chỉ có 18% có thiện cảm với ông Mitt Romney, nhưng cũng có tới 53% cho rằng không có sự khác nhau căn bản giữa các đại diện của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.

Một thực tế buộc ông Obama phải tính tới là có gần 2/3 số cử tri không có ý định đi bỏ phiếu năm 2012 là những người đã từng đi bỏ phiếu ủng hộ ông lên làm tổng thống cách đây 4 năm.

Vận động, thuyết phục cử tri của mình đến các điểm bỏ phiếu với tỷ lệ đông hơn đối thủ là một trong những mục tiêu mà cả hai ứng cử viên đều đang nhắm tới.


TTXVN/ Tin Tức