10:08 06/10/2012

Hàn Quốc chật vật chống nạn tự tử

Những nỗ lực nhằm kiềm chế nạn tự tử ở mức báo động tại Hàn Quốc đang bị cản trở bởi niềm tin đã ăn sâu rằng, việc tìm kiếm sự trợ giúp cho những vấn đề về tâm thần sẽ dẫn tới những cản trở trong công việc và xã hội.

Những nỗ lực nhằm kiềm chế nạn tự tử ở mức báo động tại Hàn Quốc đang bị cản trở bởi niềm tin đã ăn sâu rằng, việc tìm kiếm sự trợ giúp cho những vấn đề về tâm thần sẽ dẫn tới những cản trở trong công việc và xã hội.


 

Tỉ lệ tự tử ở người cao tuổi Hàn Quốc cao kỷ lục.

 

Do những áp lực quá lớn từ công việc và học hành, tự tử đã trở thành một vấn nạn kinh niên tại Hàn Quốc, nơi tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ đã nâng cao tiêu chuẩn sống nhưng cũng dẫn tới nhiều biến động xã hội. Số liệu thống kê do Bộ Y tế Hàn Quốc công bố đầu tháng 9/2012 cho thấy, tỉ lệ tự tử trong năm 2009 ở nước này là 33,8 người/100.000 dân, là tỉ lệ cao nhất trong các nước thành viên Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) và tăng rất nhanh so với tỉ lệ vào năm 2000 là 13,6 người/100.000 dân. Hàn Quốc bỏ xa quốc gia đứng liền sau là Hunggary với tỉ lệ 23,3 người/100.000 dân, tiếp theo là Nhật Bản, một đất nước châu Á khác cũng đã nổi tiếng về nạn tự tử, với 22,2 người tự tử/100.000 dân.


Con số thống kê nói trên có nghĩa, mỗi ngày xảy ra gần 50 vụ tự tử tại Hàn Quốc. Nhà tâm lý học Lee Dong-Woo, Người phát ngôn Hiệp hội Tâm lý học - Thần kinh Hàn Quốc cho rằng: “Áp lực phải thành công tại nhà trường và trong công việc đã bị đẩy lên tới một mức độ không thể chịu đựng nổi. Đây cũng chính là một mặt trái của thành tựu kinh tế Hàn Quốc”.


Chính phủ đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn đề, trong đó có các giải pháp phòng ngừa trước mắt như lắp đặt camera giám sát trên những cây cầu bắc qua sông Hàn và theo dõi chặt chẽ những trang web có nội dung cổ vũ cho tự tử. Trong khi đó, một đạo luật được công bố hồi tháng 3/2012, nhằm thúc đẩy “văn hóa tôn trọng cuộc sống”, đã đề ra các giải pháp dài hạn, trong đó có tiến hành một cuộc điều tra toàn quốc, thiết lập đường dây khẩn cấp 24/24 giờ do chính phủ quản lý và một mạng lưới các trung tâm ngăn ngừa tự tử trên toàn quốc.


Tuy nhiên, cả giới chức y tế và các chuyên gia nước này đều thừa nhận rằng, việc được tiếp cận ngày càng nhiều với dịch vụ tư vấn tâm lý chỉ có ảnh hưởng giới hạn trong một nền văn hóa có truyền thống nhấn mạnh tính khắc kỷ và độc lập như Hàn Quốc.


Cứ 100 người Hàn Quốc bị chẩn đoán bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần thì chỉ có 15% tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia, so với tỉ lệ 35-40% tại Mỹ, Ôxtrâylia và Niu Dilân. Bảo hiểm y tế quốc gia chi trả cho cả tư vấn tâm thần, nhưng mọi người vẫn thường rất sợ bị đóng dấu “Code F”, chỉ người bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong hồ sơ y tế của họ.


“Nhiều người Hàn Quốc sợ những lời xì xào sau lưng. Họ cũng sợ có thể gặp rắc rối trong chính sách bảo hiểm và đòi quyền lợi bảo hiểm”, ông Kim Sung-Il, thuộc Hiệp hội Ngăn chặn tự tử, giải thích tại sao người dân nước này lại e ngại tới thăm khám tại các bệnh viện sức khỏe tâm thần. Theo số liệu của chính phủ, tự tử là nguyên nhân đơn lẻ lớn nhất gây tử vong trong thanh niên Hàn Quốc, với 13 người/100.000 dân ở độ tuổi 15-24 tự tử trong năm 2010.


Đáng lo ngại hơn, ở một xã hội có dân số đang lão hóa với tốc độ nhanh nhất thế giới, làn sóng tự tử cũng đã bùng nổ trong những người cao tuổi. Tỉ lệ tự tử ở những người Hàn Quốc tuổi 65 trở lên vào năm 2009 là 72 người/100.000 dân, tăng mạnh so với tỉ lệ vốn đã ở mức báo động là 42,2 hồi năm 2001.


Hàn Quốc không phải là nước đầu tư mạnh cho mạng lưới an sinh xã hội cho người già, trong khi nghĩa vụ chăm sóc truyền thống lại đang giảm xuống ở con cháu họ. Việc giảm quy mô các gia đình đồng nghĩa nhiều người về hưu đang bị con cháu “bỏ rơi”, họ phải tự bảo vệ mình, với chút ít hỗ trợ từ con cái hoặc không có gì. “Kết cấu xã hội truyền thống đã bị lung lay quá nhanh. Khi đất nước mất dần đi hệ thống giá trị truyền thống phương Đông, tỉ lệ tự tử và ly hôn cũng tăng nhanh”, giáo sư tâm lý học Hwang Sang-Min nhận xét.


Ông Lee Dong-Woo, đại diện Hiệp hội Tâm lý học thần kinh Hàn Quốc, cho rằng, cần phải tăng cường mạng lưới an sinh xã hội cho người già và thay đổi tâm lý đang lan tỏa trong mọi lứa tuổi - coi tâm thần là một sự thiểu năng chứ không phải một loại bệnh. “Chúng tôi cần làm cho họ tin rằng vẫn còn những cơ hội thứ hai trên đường đời”, ông Lee nói.


Thu Hằng