02:11 16/02/2011

Hạn chế giá hàng hóa "đu" theo tỷ giá

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 9,3%, hầu hết các loại hàng hóa nhập khẩu trên thị trường đã tăng theo 4-6%. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp, siêu thị quyết định sẽ không để giá hàng hóa “té nước theo mưa”.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 9,3%, hầu hết các loại hàng hóa nhập khẩu trên thị trường đã tăng theo 4-6%. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp, siêu thị quyết định sẽ không để giá hàng hóa “té nước theo mưa”.

Đồng loạt lên giá

Theo khảo sát của phóng viên báo Tin Tức, ở một số trung tâm bán sỉ, bán lẻ máy vi tính sầm uất nhất tại TP Hồ Chí Minh như đường Tôn Thất Tùng, Bùi Thị Xuân…, nhiều chủ cửa hàng cho biết, sẽ điều chỉnh giá theo chiều hướng tăng thêm 5-10% so với trước đây.


Giá nhiều dòng laptop đang nhích lên như: Dell Inspiron 15R từ 18,4 triệu đồng tăng lên hơn 19 triệu đồng/cái, dòng HP EliteBook 2530p tăng thêm 500.000 đồng/cái, lên mức 13,5 triệu đồng/cái… “Anh mua nhanh đi, thời gian tới, giá sẽ vẫn còn tăng nữa. Vì giá tính thuế sẽ có thể còn cao hơn nữa”, nhân viên một cửa hàng cho biết.

Giá các mặt hàng điện tử nhập khẩu chịu tác động lớn từ việc điều chỉnh tỷ giá. Ảnh: Trần Việt – TTXVN


Tại khu vực chuyên buôn bán xe gắn máy trên đường Lý Tự Trọng (TP Hồ Chí Minh), do tâm lý lo lắng giá sẽ tăng trong thời gian tới nên nhiều người tiêu dùng đã đổ đi tham khảo giá để mua xe máy. Giá nhiều loại xe gắn máy, đặc biệt các loại nhập khẩu có sức hút lớn trên thị trường đã tăng thêm khoảng 5%.

Anh Lê Tấn Đức, cửa hàng bán xe gắn máy 234 Lý Tự Trọng cho biết: “Hầu hết xe của cửa hàng là xe nhập khẩu. Giá xe hầu hết đã tăng khoảng 5%, mức tăng như vậy vẫn còn ít so với mức tăng của tỷ giá, do chịu sức ép cạnh tranh nên chưa thể tăng nhiều”.

Tại Hà Nội, nhiều mặt hàng nhập khẩu cũng tăng giá theo. Ông Tạ Minh Đông, Giám đốc An Phú Auto, tại K3 Phạm Hùng, Hà Nội cho biết: “Hiện tại, chúng tôi mới chỉ tăng giá xe 4-5%, vì đây là những dòng xe đã được nhập về trước khi tăng tỷ giá. Các doanh nghiệp khác cũng vậy, nhưng đến khi bán hết các loại xe cũ này thì giá mới chắc chắn sẽ tăng tương ứng với mức tăng của tỷ giá”.

Theo ông Đông, tỷ giá tăng khiến mức giá tính thuế tăng theo, ví dụ một chiếc ô tô Camry nhập khẩu tăng khoảng 5.000 USD/chiếc (tương đương 100 triệu đồng). Với mức giá này thì doanh nghiệp không phải chịu mà tất cả đổ lên vai người tiêu dùng.

Cùng quan điểm trên, một doanh nghiệp nhập khẩu máy tính trên phố Láng Hạ (Hà Nội) cho biết, mặt bằng giá cả sẽ lên từ từ vì các doanh nghiệp (DN) vẫn đang bán nốt các hàng hóa nhập về từ trước khi tỷ giá tăng. Hiện giá linh kiện máy tính và máy tính đã tăng thêm 4-6%. Vì giá tăng nên doanh số bán ra giảm tới 20% so với thời điểm trước khi tỷ giá tăng.

Ghìm giá hàng hóa

Mặc dù vậy, vẫn có nhiều DN, siêu thị chủ động ghìm giá hàng hóa. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các dòng mỹ phẩm, thời trang cao cấp… giá vẫn giữ nguyên như trước Tết, thậm chí nhiều nơi còn khuyến mãi giữ chân khách hàng. Theo lý giải của chị Võ Tuyết Hòa (nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực này), thời điểm từ tháng 11 đến tháng 1 hàng năm là mùa giảm giá lớn nhất của mỹ phẩm, thời trang…

Giá các mặt hàng nhập khẩu chịu tác động lớn của việc điều chỉnh tỷ giá. Ảnh: Lê Phú


Đây là thời điểm có sức mua yếu nhất trong năm nên nhiều DN đã chấp nhận bán giá thấp nhất để tăng sức mua. Chuyện tăng giá trong thời điểm này khó xảy ra và chỉ có thể tăng giá vào khoảng thời gian từ tháng 6, tháng 7/2011 do lúc này DN nhập thêm hàng mới về.

Tương tự thị trường giấy in, photocopy, văn phòng… giá cũng bình ổn, không nhiều xáo trộn. Anh Lâm Hiền Phước, Giám đốc Công ty TNHH TMDV & QC Phát Niên Giám cho biết, nhiều DN đã nhập số lượng lớn sản phẩm từ trước Tết chất đống trong kho. Thị trường đang có sức mua rất kém. "Nhiều đơn vị ế và đang lo làm sao giải phóng lượng hàng tồn kho để thu hồi vốn thì làm sao nghĩ đến chuyện tăng giá nữa”, anh Phước nói thêm.

Tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, chợ truyền thống… giá cả vẫn bình ổn, không có sự xáo trộn nhiều. Sau thời gian biến động phục vụ nhu cầu mua sắm Tết, giá nhiều mặt hàng đã bắt đầu trở về với giá thường nhật. Các siêu thị cho biết, lượng hàng dự trữ của DN vẫn dồi dào và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tính đến thời điểm này, các đơn vị vẫn chưa nhận được bất kỳ lời đề nghị tăng giá nào từ nhà phân phối. Nếu có xảy ra tăng giá, thì chỉ diễn ra với tiến độ chậm và sẽ không gây tâm lý "sốc" cho người tiêu dùng.

Nhận định về giá cả các mặt hàng ở các siêu thị tại Hà Nội sau khi tỷ giá tăng, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, hiện hàng hóa vẫn đang tiêu thụ chậm, chưa tăng giá. Giống trước đây, giá hàng hóa bao giờ cũng có độ trễ so với mức tăng của tỷ giá. Hơn nữa, các siêu thị vẫn còn nhiều hàng tồn nhập về từ trước Tết. Do vậy, để cạnh tranh họ đã không tăng giá. Vì thế, hàng hóa tại các siêu thị không biến động nhiều.

Ý KIẾN

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính):
Sẽ kiểm tra việc giá gas tăng Trước việc nhiều công ty kinh doanh gas thông báo, kể từ ngày 12/2, giá bán lẻ gas tăng thêm 1.417 đồng/kg so với giá hiện hành, tương đương tăng 17.000 đồng/bình 12 kg (ngay sau khi tỷ giá liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ được NHNN điều chỉnh tăng), chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra xem việc tăng giá có hợp lý không, tránh tình trạng “té nước theo mưa”.


Do tỷ giá điều chỉnh mới được vài ngày nên tôi chưa thể đánh giá những tác động giá cả hàng hóa sau khi điều chỉnh tỷ giá và chắc chắn sẽ tác động tới giá thành hàng nhập khẩu, gây sức ép tăng giá, đó là chưa kể tới hiệu ứng tăng giá dây chuyền.


 Những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa đang phải tính toán giá bán theo tỷ giá mới. Trước đây, một số mặt hàng chiến lược được ưu tiên mua đô la như: Xăng dầu, phân bón… nay tỷ giá tăng thì cũng phải tính toán lại. Còn nhiều loại hàng hóa không trong diện ưu tiên, mua hàng theo giá đô la thỏa thuận thì không tác động nhiều.

Bà Nguyễn Thu Phương -TGĐ Công ty CP xuất nhập khẩu Nam Dương:
DN phải “thắt lưng buộc bụng” Chúng tôi chuyên phân phối các mặt hàng thực phẩm cao cấp nhập khẩu từ Hàn Quốc. Với tỷ giá mới này, hàng hóa nhập khẩu của DN mặc nhiên sẽ tăng thêm khoảng 10% do nhiều khoản chi phí đầu vào tăng.


Tuy nhiên, vì đã đoán trước tình hình về chính sách tỷ giá, nên chúng tôi vẫn giữ nguyên giá bán các sản phẩm của mình trong cả năm 2011. Trong điều kiện như hiện nay, muốn tồn tại, các DN phải "thắt lưng buộc bụng", giảm những chi phí không cần thiết để cân đối. Nếu tăng giá sản phẩm nữa thì lo mất thị trường do người tiêu dùng không mua nữa.


Minh Phương - Hữu Vinh thực hiện