03:07 16/03/2015

Hải quân Singapore, Malaysia tập trận chung

Singapore và Malaysia đã kết thúc cuộc tập trận trên biển kéo dài 12 ngày mang tên Malapura, với sự tham gia của khoảng 600 quân nhân thuộc Hải quân hai nước.

Ngày 15/3, truyền thông Singapore đưa tin nước này và Malaysia đã kết thúc cuộc tập trận trên biển thường niên kéo dài 12 ngày mang tên Malapura, với sự tham gia của khoảng 600 quân nhân thuộc Hải quân Singapore và Hải quân Hoàng gia Malaysia.

Lãnh đạo Hạm đội Hải quân Singapore và Malaysia bắt tay trong lễ kết thúc tập trận Malapura. Ảnh: Asiaone


Hải quân hai nước đã tiến hành tập luyện tại Căn cứ Hải quân Changi và diễn tập tác chiến hải quân và an ninh trên biển ở Eo biển Malacca. Bộ Quốc phòng Singapore cho biết một khinh hạm, một tàu hộ vệ tên lửa, một tàu tuần tra và một trực thăng hải quân của nước này đã tham gia tập trận.

Malaysia và Singapore đã tiến hành tập trận trên biển thường niên từ năm 1984. Năm nay, Malaysia là nước đăng cai cuộc tập trận này. Bộ Quốc phòng Singapore khẳng định các hoạt động tương tác định kỳ này sẽ củng cố sự hiểu biết lẫn nhau cũng như quan hệ nghề nghiệp giữa hải quân hai nước, đồng thời nêu bật mối quan hệ quốc phòng lâu đời và bền vững giữa hai bên.


Cùng ngày, phát biểu tại Hội nghị thế giới về giảm trừ rủi ro thảm họa Liên hợp quốc (LHQ) diễn ra tại Sendai (Nhật Bản), Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam cho biết nước này và Văn phòng giảm trừ rủi ro thảm họa LHQ sẽ tiến hành một cuộc tập huấn về hoạt động này vào cuối năm nay tại Singapore.

Theo ông Shanmugam, quá trình tập huấn này nhằm mục đích giúp đỡ các nước đang phát triển, đặc biệt là những đảo quốc đang phát triển (SIDS), vốn dễ tổn thương trước các cơn bão. Ngoại trưởng Singapore nói: "Chúng tôi hy vọng cuộc tập huấn sẽ bổ trợ năng lực chuẩn bị, giảm nhẹ và phản ứng trước thảm họa trong tương lai của các nước này”.

Ông Shanmugam cũng gửi lời chia buồn đến những nạn nhân sau trận bão lớn vừa xảy ra ở Vanuatu và nhấn mạnh sự kiện này cho thấy không một quốc gia đơn lẻ nào có thể đối phó với thảm họa, qua đó nêu bật đến khía cạnh an ninh tập thể. Ngày càng nhiều quốc gia cần phải có nguồn lực chung để chia sẻ kiến thức nhằm tăng cường năng lực giảm trừ rủi ro thảm họa của các nước cần nhất.


TN