11:22 24/11/2011

Hải quan điện tử - hướng đi đúng trong cải cách và hiện đại hóa hải quan

Thực hiện kế hoạch cải cách, hiện đại hóa ngành hải quan, năm 2005 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 149/2005/QĐ-TTg cho phép thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) tại Cục HQ TP Hồ Chí Minh và Cục HQ TP Hải Phòng.

Thực hiện kế hoạch cải cách, hiện đại hóa ngành hải quan, năm 2005 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 149/2005/QĐ-TTg cho phép thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) tại Cục HQ TP Hồ Chí Minh và Cục HQ TP Hải Phòng. Trên cơ sở kết quả đạt được của giai đoạn thí điểm, ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 103/QĐ-TTg cho phép áp dụng thí điểm TTHQĐT tại 10 cục HQ tỉnh, thành phố đến hết năm 2011… Qua 2 năm thực hiện cho thấy HQĐT là hướng đi đúng trong tiến trình thực hiện cải cách và hiện đại hóa hải quan.


Bước đột phá trong hoạt động hải quan


Dẫu còn nhiều tồn tại và bất cập, nhưng những kết quả bước đầu trong việc thực hiện TTHQĐT cho thấy đây chính là lối ra cho giải pháp cải cách thủ tục hải quan… Từ những thành công bước đầu, trên cơ sở hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) được hoàn thiện từng bước, ngành hải quan sẽ tiến tới thực hiện đại trà trên toàn quốc phương thức TTHQĐT.

46.919 doanh nghiệp tham gia thủ tục hải quan điện tử

Báo cáo tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm TTHQĐT của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã nêu rõ: Tính đến ngày 15/10/2011 đã có 46.919 doanh nghiệp (DN) thuộc 3 loại hình chính: Kinh doanh, gia công, sản xuất xuất khẩu tham gia TTHQĐT, gấp 116,42 lần so với thời điểm 2009… Về phía HQ đã có 19 cục Hải quan với 90 chi cục thực hiện TTHQĐT, gấp 6 lần so với 2009…

Hoạt động nghiệp vụ của Đội thu thập, phân tích và xử lý thông tin Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh. Ảnh:Phạm Hậu - TTXVN


Trong đó, 5 cục Hải quan có số lượng DN tham gia lớn như: Cục HQ TP Hồ Chí Minh có 30.256 DN; Hải Phòng có 9.706 DN; Hà Nội có 2.449 DN; Lạng Sơn có 1.089 DN; Bình Dương có 771 DN… Tổng số tờ khai HQĐT đạt 2.510.153 tờ, gấp 135,89 lần so với 2009. Kim ngạch XNK qua TTHQĐT đạt 198.932,94 triệu USD, gấp 101,65 lần so với 2009. Tổng số thu thuế đạt 187.867,18 tỷ VND…

Đặc biệt, hiệu quả của TTHQĐT được chứng minh qua sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh, XNK của các DN từ kết quả phân luồng: Luồng xanh chiếm tỷ lệ áp đảo là 72,7%; luồng vàng là 12,83% và luồng đỏ là 14,47 (xanh - vàng - đỏ là qui định thể hiện mức độ minh bạch của DN. DN nào đạt màu xanh thì gần như được miễn kiểm).

Bên cạnh những kết quả trên, lãnh đạo ngành Hải quan cũng khẳng định, việc triển khai mở rộng TTHQĐT đang mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng DN, góp phần giảm thời gian thông quan, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong hoạt động XNK. Việc thực hiện QĐ 103 còn góp phần thống nhất về nhận thức, hành động của đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành HQ về công tác cải cách, hiện đại hóa nói riêng, cũng như cải cách thủ tục hành chính nói chung, góp phần thực hiện thành công Đề án 30 của Chính phủ trong lĩnh vực HQ. Việc thực hiện TTHQĐT với sự tham gia của nhiều Cục HQ và DN, với nhiều loại hình thí điểm đã hình thành một đội ngũ CBCC trong ngành HQ cũng như DN làm quen với một phương thức làm việc mới, đồng thời là bước tập dượt quan trọng tạo tiền đề trong giai đoạn tiếp theo. Ngành HQ cũng từ đây hình thành được một hệ thống CNTT bước đầu đáp ứng yêu cầu quản lý nghiệp vụ…

Những kinh nghiệm qua 2 năm thực hiện

Trước hết muốn thành công phải có quyết tâm cao của lãnh đạo từ cấp Bộ, Ngành, Cục HQ trong công tác chỉ đạo thực hiện. Thủ trưởng các đơn vị, đặc biệt là các cục, chi cục nơi thực hiện TTHQĐT phải trực tiếp vào cuộc, chỉ đạo liên tục, kịp thời; đồng thời phải tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự ủng hộ của các cơ quan liên quan và cộng đồng DN… Tiếp đó là việc xác định đúng đắn định hướng, mô hình triển khai phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, mới khơi dậy được tiềm năng to lớn của toàn ngành, mang lại kết quả mở rộng TTHQĐT trên diện rộng… Tiền đề quan trọng trong quá trình thực hiện QĐ 103 là các đơn vị từ Tổng cục tới các cục HQ tỉnh, thành phố và các chi cục đã xây dựng kế hoạch một cách khoa học, hợp lý, cụ thể, xác định rõ các công việc cần thực hiện, lộ trình thực hiện và các đầu mối chịu trách nhiệm... Các khó khăn, vướng mắc thường xuyên được phản ánh kịp thời để tháo gỡ.

Cuối cùng là công tác tuyên truyền, tập huấn, đào tạo đội ngũ CBCC trong ngành và cộng đồng DN được coi trọng đã tạo sự đồng thuận, đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực vào quá trình triển khai chủ trương lớn này…

Giai đoạn 2011 - 2015 thực hiện TTHQĐT trên diện rộng

Một trong những mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011 – 2015 là “Thực hiện thành công TTHQĐT theo hướng: Triển khai việc tiếp nhận, xử lý thông tin lược khai hàng hóa điện tử (e-Manifest); xử lý dữ liệu thông quan điện tử (e-Clearant); thực hiện thanh toán phí, lệ phí hải quan bằng phương thức điện tử (e-Payment); tiếp nhận trao đổi thông tin giấy phép và C/O điện tử (e-C/O và e-Permit) với các cơ quan có liên quan”…

Để thực hiện thành công TTHQĐT trên diện rộng, ngành Hải quan cũng đưa những định hướng cụ thể cho từng giai đoạn. Theo đó, năm 2012 – 2013 tiếp tục TTHQĐT trên tinh thần QĐ 103, gắn kết với việc triển khai các Đề án thí điểm e-Manifest, e-Payment để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả; từ năm 2014 – 2015, triển khai TTHQĐT trên cơ sở hệ thống mới theo kế hoạch và lộ trình của dự án cho tất cả các cục HQ tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó là việc chuyển đổi hệ thống thông quan điện tử hiện tại từng bước theo mô hình hệ thống xử lý dữ liệu điện tử tập trung tại Cục theo một lộ trình phù hợp, đảm bảo tính an toàn, không ảnh hưởng tới tiến độ triển khai thực hiện TTHQĐT…

Đi theo là các giải pháp thực hiện như: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư 222/2009/TT-BTC và các văn bản liên quan…; hoàn thiện các qui định về nghiệp vụ theo hướng bảo đảm sự thống nhất về quản lý giữa TTHQĐT và thủ tục HQ truyền thống…; hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT, rà soát và nâng cấp hệ thống mạng, trang thiết bị mạng đảm bảo về băng thông, tính ổn định và mức độ về an toàn, an ninh. Xây dựng cơ chế cho phép thuê nguồn lực bên ngoài trong việc triển khai, vận hành và bảo trì hệ thống CNTT; phát triển hệ thống đại lý làm TTHQĐT…