09:12 09/09/2014

Hai nước có thể giúp Mỹ đánh bại IS

Mỹ và các đồng minh NATO tuyên bố thành lập một liên minh nòng cốt gồm 10 nước nhằm đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, theo giới phân tích cuộc chiến chống IS sẽ không thể thành công nếu thiếu hai nước là Iran và Saudi Arabia.

Ngày 5/9, Mỹ và các đồng minh NATO tuyên bố thành lập một liên minh nòng cốt gồm 10 nước nhằm đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, theo giới phân tích cuộc chiến chống IS sẽ không thể thành công nếu thiếu hai nước là Iran và Saudi Arabia.

Khi các đối thủ cùng chung chiến tuyến

Liên minh trên được thành lập tại Hội nghị thượng đỉnh của khối quân sự NATO vừa được tổ chức ở xứ Wales, Anh. Nhưng trước đó, để đối phó với nhóm khủng bố nguy hiểm nhất hiện nay, Mỹ đã triển khai nhiều biện pháp như không kích các khu vực do chiến binh IS kiểm soát, phối hợp với lực lượng người Kurd và hợp tác với những người Sunni ôn hòa.

Một liên minh quốc tế như vậy là rất cần thiết nhưng việc thiếu vắng các nhân tố then chốt trong khu vực như Iran và Saudi Arabia khiến cuộc chiến chống IS khó có thể thành công. Do vậy, việc cần làm hiện nay là tìm cách giảm nhẹ sự cạnh tranh giữa Iran và Saudi Arabia, đồng thời khai thác điểm tương đồng giữa hai đối thủ này.

Điểm chung lớn nhất đó là cả Tehran và Riyadh đều xem IS là một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Nhưng hai cường quốc khu vực này trên hết cũng đang bảo vệ lợi ích của chính mình và do vậy, với họ cuộc chiến tiêu diệt IS chỉ có thể tiến hành nếu các cường quốc có sự tương đồng về mặt lợi ích trong cuộc chơi tại Syria và Iraq.

Phiến quân thuộc IS. Ảnh: AFP-TTXVN


Đối với Iran, IS là một mối đe dọa tiềm tàng, sự xâm nhập và phát triển của IS vào Iraq đánh dấu bước ngoặt trong nhìn nhận của Iran với tổ chức Hồi giáo cực đoan này. Tại Syria, chính quyền của Tổng thống Al-Assad chỉ tấn công cầm chừng nhóm khủng bố này bởi nó tỏ ra có ích trong cuộc chiến chống lại các lực lượng đối lập như Mặt trận Al-Nusra và Quân đội Tự do Syria.

Việc IS tiến vào Iraq tạo nên mối đe dọa với chính phủ Iraq - đồng minh của Syria, song cũng đưa lực lượng này trở thành một nguy cơ trên tuyến biên giới với Iran.

Để đối phó, cả Chính quyền Syria và Iran đều khẩn trương triển khai các đợt tấn công nhắm vào IS. Trong khi Damascus ném bom thành trì của IS tại Syria là Raqqa, Tehran tập trung quân đội để giúp Iraq đối phó với IS trên bộ hòng ngăn chặn lực lượng này chạm tới Iran. Hỗ trợ cho cuộc chiến chống IS của Iran là lực lượng du kích đa quốc gia người Shiite (Lữ đoàn Abu al-Fadl al-Abbas), Phong trào Hồi giáo Hezbollah và đặc biệt là Lực lượng Vệ binh cách mạng tinh nhuệ của Tehran.

Để tập hợp được lực lượng nhằm đối phó với IS, trong bối cảnh căng thẳng giáo phái tại Iraq lên cao khi các bộ tộc người Sunni tại Mosul gia nhập IS chống lại chính phủ do phe đa số Shiite kiểm soát, Iran đã đã ủng hộ việc bầu ông Haider al-Abadi làm thủ tướng mới của Iraq.

Với việc ủng hộ tân Thủ tướng Abadi, Iran đã vô tình đứng về cùng phe với đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực là Saudi Arabia. Với Riyadh, nước này nhìn nhận việc thay thế ông Maliki là cách thức để giảm nhẹ xung đột dân sự và là một cơ hội để gia tăng sự đại diện của người Sunni trên chính trường Iraq, thông qua việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc mới.

Một điểm tương đồng nữa đó là Saudi Arabia cũng xem IS là một mối đe dọa nghiêm trọng bởi nhóm này quy tụ rất đông các chiến binh thánh chiến đến từ vùng Vịnh. Một khi lực lượng này trở về nước, đồng nghĩa với viễn cảnh mang theo sự bất ổn định cho khu vực.

Tìm kiếm thỏa hiệp trước mắt


Dù chia sẻ mối lo chung về IS với Iran nhưng Saudi Arabia vẫn quan ngại về việc tình hình sẽ ra sao nếu nhóm này bị tiêu diệt khi mà diễn biến tại Iraq và Syria vẫn giậm chân tại chỗ.

Tại Syria, chế độ của Tổng thống Assad đang mạnh hơn so với phe đối lập, trong khi đó Iraq vẫn chưa thành lập được một chính phủ đoàn kết dân tộc. Việc nhổ tận gốc IS mà không đi đôi với việc thay đổi chế độ tại Syria và việc chính quyền Baghdad vẫn do người Shiite chiếm đa số chi phối đồng nghĩa với viễn cảnh Iran củng cố được đồng minh ở hai nước này.

Do vậy, từ quan điểm của Saudi Arabia, kéo dài hiện trạng hiện nay tại Syria và Iraq sẽ càng củng cố cho ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Các tay súng IS. Ảnh: AFP/ TTXVN


Vì thế, nỗ lực quốc tế đối phó với IS có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào việc liệu Saudi Arabia và Iran có thể đạt được một thỏa hiệp ở mức độ nào đó về vai trò của họ ở Trung Đông. Saudi Arabia sẽ chỉ ủng hộ hành động đa quốc gia chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo nếu điều này đảm bảo một vai trò nào đó của Riyadh tại Syria và Iraq sau khi IS bị đánh bại.

Có thể thấy những kịch bản này đều cho thấy sự cần thiết của việc đối thoại giữa Iran và Saudi Arabia và dẫn tới việc thành lập các chính phủ đoàn kết hoặc chuyển tiếp tại Iraq và Syria, với những thành viên có thể được cả Iran và Saudi Arabia chấp nhận.

Chỉ khi sự lựa chọn chính trị này được đặt lên bàn thì một chiến lược tổng thể chống IS với sự phối hợp của các đối tác mới được triển khai hiệu quả.


Nguyễn Thái