10:00 13/10/2011

Hãi hùng với hàng ăn vỉa hè

Hàng ăn uống ngoài vỉa hè luôn tiềm ẩn rất nhiều sự nguy hiểm về vấn đề an toàn vệ sinh, chính vì thế mọi người dân hãy cẩn thận trong khâu ăn uống để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng của mình.

Trưa ngày cuối tuần, mấy người bạn tôi rủ đi ăn bún chấm giả cầy chân giò lợn ở một con ngõ nhỏ trên phố Tràng Tiền vì nghe đồn chủ nhân quán vỉa hè chế biến món này ngon có tiếng (?!). Tôi đến nơi, dưới cái nắng thu ngột ngạt, quả là quán rất đông khách, đông tới mức mấy chục con người ngồi la liệt quanh quẩn vỉa hè trên những chiếc ghế nhựa thấp. Bún và bát giả cầy được dọn ra mẹt đặt xệp xuống đất, và thượng khách ăn uống xì xụp khiến cho những ai coi trọng vấn đề an toàn vệ sinh hãi hùng chẳng dám ngồi ăn! Tôi cùng mấy người bạn cũng cùng chung cảnh ngộ với đại đa số thực khách khi phải ngồi ngay tại cái rãnh thoát nước, vì lúc này những chỗ sạch sẽ hơn trên vỉa hè đã không còn. Tôi miễn cưỡng ngồi ăn mà thấy ghê ghê và luôn thầm hỏi liệu có bị đau bụng hay không đây?! Món này quả là ngon thật, nhưng khi tôi để ý sang chỗ chậu rửa bát đĩa thì cảm thấy buồn nôn vì tất cả các loại bát đĩa, đũa, môi, thìa được dồn vào một cái chậu to tướng và người rửa chỉ khoắng lên qua loa rồi vớt, úp ra rổ. Chỉ một chậu nước ấy mà họ rửa tới hàng mấy chục cái bát đĩa và trăm thứ bà rằn khác nên nước cứ đen ngòm mà họ đâu có thay nước mới. Thấy vậy tôi bỏ dở không ăn nữa, nhưng không dám nói với mấy bạn vì bẩn, để họ yên tâm ăn nốt suất bún! Chẳng hiểu, mỗi ngày có hàng trăm, thậm chí là nhiều hơn thế nữa số người vẫn ăn món bún giả cầy khoái khẩu ở con ngõ nhỏ này có để ý đến chậu nước và cung cách rửa bát... tiết kiệm nước kia không, chứ tôi thì tôi thấy nó quá mất vệ sinh, đó còn chưa nhìn thấy họ chế biến và nấu chân giò liệu có đảm bảo sạch sẽ (?!).

Thực trạng các quán ăn vỉa hè không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ lâu luôn là nỗi lo canh cánh của rất nhiều người. Hầu hết các hàng quán, gánh hàng rong vỉa hè đều rất cẩu thả trong việc chế biến đồ ăn cũng như tiết kiệm nước trong khâu rửa bát đũa. Tôi cũng từng chứng kiến không ít các gánh đậu phụ mắm tôm mà chủ nhân chỉ dùng một xô nước nhỏ để rửa cả trăm cái đĩa, bát, đũa. Vì bán hàng rong nơi vỉa hè nên việc họ tiết kiệm nước rửa là lẽ đương nhiên, nhưng chỉ có vài xô nước như thế phục vụ cho cả một buổi bán hàng thì quả là hãi hùng và bẩn quá mức. Tôi dám khẳng định là nếu ai đó mà quan sát thấy những hàng bún đậu mắm tôm rửa bát đĩa thì họ sẽ chẳng dám ăn lần thứ hai món này ở vỉa hè! Có lần, cách đây chừng 1 tháng, vào công viên Thống Nhất tôi còn tận mắt chứng kiến một bà bán bún riêu cua gánh rong vào nhà vệ sinh công cộng để rửa rau sống. Nếu lấy nước từ vòi chảy ra thì không nói làm gì, đằng này bà ta cho cả rổ rau vào cái bể dùng chứa nước dội nhà cầu để khoắng và vớt ra rổ. Khi bà ấy rửa xong, nhìn thấy mấy cọng rau chuối thái lát, vài lá tía tô, xà lách còn xót lại nổi lềnh bềnh trong bể chứa nước tôi thấy quá ghê, quá ngán ngẩm vì cung cách làm ăn thiếu lương tâm của bà bán bún kia, vì người ăn không hề hay biết mà vẫn thưởng thức một cách ngon lành.

Vẫn biết là trong số những hàng quán bán rong nơi vỉa hè không phải tất tật đều bẩn, đều không đảm bảo vệ sinh, song phải công nhận là số chủ nhân làm ăn có lương tâm, chú tâm đến sự sạch sẽ để đảm bảo an toàn vệ sinh cho khách là rất ít, mà đại đa số người ta chỉ chú tâm đến tiền, tới lợi nhuận mà thôi. Hàng ăn uống ngoài vỉa hè luôn tiềm ẩn rất nhiều sự nguy hiểm về vấn đề an toàn vệ sinh, chính vì thế mọi người dân hãy cẩn thận trong khâu ăn uống để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng của mình.

Lê Thu Hạnh