07:07 05/07/2014

Hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản

Tại phiên họp ở Doha, thủ đô Qatar vào cuối tháng 6 vừa qua, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Tại phiên họp ở Doha, thủ đô Qatar vào cuối tháng 6 vừa qua, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã có 19 di sản (cả vật thể và phi vật thể) được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

 


Các di sản sau khi được UNESCO công nhận đã thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Hay nói cách khác, với quần thể di sản thiên nhiên thế giới, du lịch Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút du khách. Tuy nhiên, phát triển du lịch cũng tạo ra không ít thách thức đối với công tác bảo tồn di sản.

 

 

Du khách tham quan Vịnh Hạ Long. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Phát triển du lịch tại các di sản thế giới Việt Nam hiện nay - theo đánh giá của UNESCO, là thiếu một tầm nhìn chiến lược ở cả cấp quốc gia lẫn địa phương. Một thách thức hiện hữu là tình trạng phát triển du lịch quá nóng đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho di sản nếu không có những giải pháp quản lý hữu hiệu đi kèm.


Cách đây chưa lâu, UNESCO đã cảnh báo việc tước danh hiệu của hai di sản thế giới tại Việt Nam là Cố đô Huế và Vịnh Hạ Long do hai di sản này bị xâm hại. Theo Cục Di sản Văn hóa, thực chất của vấn đề chỉ ở mức UNESCO khuyến nghị Việt Nam là cần tăng cường các biện pháp để chống sự xâm hại hai di sản nói trên, đồng thời giải quyết hài hòa giữa việc bảo tồn giá trị gốc với việc khai thác giá trị di sản thế giới để phát triển du lịch. Trong cảnh báo của UNESCO có đề cập các vấn đề liên quan đến bảo tồn tính toàn vẹn của hai di sản nêu trên.

Với Vịnh Hạ Long, phải đánh giá tác động của các dự án phát triển kinh tế, tình trạng đổ đất lấp biển, đánh bắt nuôi trồng thủy sản... ảnh hưởng như thế nào đối với không gian đặc thù của di sản.


Tuy nhiên, sau cảnh báo của UNESCO, Vịnh Hạ Long vẫn tiếp tục bị xâm hại. Mới đây nhất, lực lượng kiểm tra liên ngành TP Hạ Long đã bắt quả tang 2 tàu trọng tải lớn mang số hiệu HP 2338 và HP 3695 lén đổ bùn thải tại khu vực hòn Bái Đông thuộc vùng lõi Vịnh Hạ Long. Theo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, lượng bùn thải mà hai tàu đã xả xuống vịnh lên tới gần 300 m³. Không chỉ đứng trước nguy cơ bị biến thành nơi xả bùn thải, đất thải, mà theo khảo sát của các cơ quan khoa học về môi trường thì từ nhiều năm nay, Vịnh Hạ Long còn bị đầu độc bởi nguồn dầu thải và nước thải của các nhà hàng, khu du lịch ở thành phố Hạ Long.

Vùng nước mặt của Vịnh Hạ Long đang bị ô nhiễm dầu - mỡ khoáng hàm lượng khá cao. Riêng khu vực cảng Cái Lân có hàm lượng dầu trong nước biển gấp 18 lần tiêu chuẩn cho phép. Ít nhất 1/3 diện tích mặt vịnh thường xuyên có hàm lượng dầu từ 1 đến 1,73mg/l. Rõ ràng, việc di sản này đã bị khai thác quá mức, phát triển quá nóng nhiều dự án kinh tế gần vịnh, dẫn tới cảnh quan và môi trường của di sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng; đặt ra câu hỏi về trách nhiệm cũng như tầm nhìn của lãnh đạo địa phương đối với di sản văn hóa.


Bảo tồn di tích được hiểu cần bảo đảm hai yếu tố là giữ gìn và phát huy giá trị của di tích. Có nghĩa, ngoài việc gìn giữ, bảo quản tốt di tích, cần phải biết khai thác giá trị của di tích, thu được lợi nhuận từ di tích. Nếu không gìn giữ tốt thì không phát huy được giá trị di tích. Ngược lại nếu không phát triển dịch vụ ở di tích, thì sẽ không có nguồn kinh phí để phục vụ công tác tu bổ. Tuy nhiên, việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và khai thác giá trị của di sản là bài toán khó. Những vướng mắc về cơ chế, cụ thể là cho phép phát triển các dịch vụ phù hợp tại các di sản đang là vấn đề cần được giải đáp, nhất là trong bối cảnh nguồn kinh phí nhà nước phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo đang rất hạn hẹp.


Kết quả cuộc thăm dò dư luận của cơ quan quản lý văn hóa mới đây cho thấy, rất nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm “lấy di tích nuôi di tích” thông qua các hoạt động du lịch. Vấn đề đặt ra, việc bảo tồn giá trị di sản cần đồng hành với hoạt động phát triển du lịch, có sự tham gia của các thành phần kinh tế và cộng đồng xã hội, dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, của cơ quan quản lý văn hóa. Nếu chỉ bảo tồn mà không chú ý tới khai thác sẽ gây lãng phí tài nguyên, hạn chế việc phát huy giá trị của di sản. Ngược lại, nếu chỉ khai thác mà coi nhẹ công tác bảo tồn thì ắt dẫn tới nguy cơ hủy hoại môi trường và nguồn tài nguyên di sản sẽ bị cạn kiệt.


Yến Nhi