06:08 20/06/2012

Hai giải pháp đột phá để thay đổi về chất

Trong 9 nhóm giải pháp mà Chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020 đề ra, theo PGS. TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, có 2 nhóm giải pháp đột phá để cải thiện chất lượng đào tạo nghề trong 10 năm tới.

Trong 9 nhóm giải pháp mà Chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020 đề ra, theo PGS. TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (ảnh), có 2 nhóm giải pháp đột phá để cải thiện chất lượng đào tạo nghề trong 10 năm tới. Đó là nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác dạy nghề; đặc biệt là xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề đáp ứng với yêu cầu.

 

Có nhiều ý kiến phản ánh thực tế, học sinh tốt nghiệp trường nghề ra khi vào làm trong các doanh nghiệp, các doanh nghiệp đều phải đào tạo lại. Ông có bình luận gì?


Tôi không đồng tình lắm với nhận định này. Bởi lẽ, trong thời gian qua, chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt các cơ sở dạy nghề phải gắn với các doanh nghiệp trong việc phát triển khung chương trình, tổ chức đào tạo, tham gia vào đánh giá, kiểm tra chất lượng học sinh học nghề. Với sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình đào tạo nghề, chất lượng dạy nghề đã có được những tín hiệu tốt. Nhưng học sinh học nghề xong, khi vào làm trong các doanh nghiệp, nhất là các xí nghiệp, nhà máy có công nghệ mới vẫn phải qua quá trình đào tạo để thích ứng với việc sử dụng các công nghệ mới đó, chính là đào tạo để thích ứng chứ không phải đào tạo lại toàn bộ chương trình. Nên nói “Có nhiều doanh nghiệp phải tiến hành đào tạo thích ứng với công nghệ sản xuất” thì phù hợp hơn. Đây là một điều tất yếu.


 

Đào tạo nghề hệ cao đẳng tại Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức. Ảnh: Hữu Việt - TTXVN

 

Tuy nhiên, xu hướng tới đây là chúng tôi tiếp tục khuyến khích và chỉ đạo quyết liệt các cơ sở dạy nghề phải đào tạo trình độ tương thích với nhu cầu doanh nghiệp, của thị trường lao động. Nhất là, đào tạo đáp ứng với trình độ sản xuất của các doanh nghiệp hiện nay.


Trong bối cảnh doanh nghiệp muốn nâng cao năng suất lao động thì thường xuyên đổi mới công nghệ sản xuất. Vì thế, người lao động cần cập nhật công nghệ mới để đáp ứng được với đòi hỏi của doanh nghiệp và của thị trường lao động.

 

Thủ tướng vừa phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020. Theo ông, đâu là giải pháp đột phá để thay đổi thực sự về chất cho hoạt động dạy nghề trong 10 năm tới?


Ngày 29/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020. Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40% và năm 2020 là đạt được 55%.  Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phục vụ việc hội nhập khu vực và hội nhập quốc tế thì Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó có 9 nhóm giải pháp.


Trong 9 nhóm giải pháp, có 2 nhóm giải pháp được xem là đột phá. Đó là nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác dạy nghề; đặc biệt là xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề đáp ứng với yêu cầu. Trong đó, giải pháp về đội ngũ giáo viên vừa ảnh hưởng trực tiếp, vừa ảnh hưởng gián tiếp đến chất lượng đào tạo. Bởi, giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng quyết định chất lượng đào tạo nghề. Vì thế, hiện nay, chúng tôi đang triển khai xây dựng đề án Đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020, thực hiện Chiến lược dạy nghề. Trong đó, tập trung chủ yếu thực hiện toàn diện và sâu sắc các giải pháp và có giải pháp đột phá về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.


Xin cảm ơn ông!

 

Mạnh Minh