02:13 11/02/2011

Hải Dương: Khánh thành Đền thờ tổ họ Đoàn

Sáng ngày 10/2/2011 (mùng 8 tháng Giêng âm lịch), tại xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc (Hải Dương) đã diễn ra lễ giỗ tổ họ Đoàn và lễ khánh thành Đền thờ Tổ họ Đoàn và Đông Hải Địa Vương Đoàn Thượng.

Sáng ngày 10/2/2011 (mùng 8 tháng Giêng âm lịch), tại xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc (Hải Dương) đã diễn ra lễ giỗ tổ họ Đoàn và lễ khánh thành Đền thờ Tổ họ Đoàn và Đông Hải Địa Vương Đoàn Thượng.

Dâng hương trong lễ khánh thành Đền thờ Tổ: Nhà sử học Dương Trung Quốc (trái)- nguyên Phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành( thứ 2 từ trái sang) và TS Hoa hậu Đoàn Thị Kim Hồng cùng phu quân- ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố HCM.

Được khởi công từ tháng 4/2004, Đền thờ Tổ họ Đoàn và Đông Hải Địa Vương Đoàn Thượng tại xã Đoàn Thượng vừa hoàn thành vào tháng 2/2011, đúng dịp kỷ niệm ngày giỗ Cao tổ Đoàn Văn Khâm. Công trình được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 gồm các hạng mục như xây dựng Đền và sân Đền, khởi công từ tháng 4/2004 và khánh thành vào tháng 4/2005.

Giai đoạn 2 từ tháng 9/2009 đến ngày 10/2/2011, gồm 17 hạng mục công trình như: Cắm mốc giới, kè đá, xây dựng tường kỹ thuật, hai nhà Tả vu và Hữu vu, trông cây trong khuôn viên Đền, hai nhà bia, hồ bán nguyệt, cột cờ, cổng tam quan, 2 cổng hậu... Tổng kinh phí xây dựng Đền là 5,2 tỉ đồng, trong đó có nhiều doanh nghiệp họ Đoàn đã đóng góp kinh phí như "Bầu" Đức của Hoàng Anh Gia Lai 1,67 tỉ đồng, TS- Hoa hậu Đoàn Thị Kim Hồng 50 triệu đồng và rất nhiều công sức cho việc xây dựng và khánh thành Đền...

Theo Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Đoàn Duy Thành- Chủ tịch Hội đồng Đoàn tộc Việt Nam, Cao tổ Đoàn Văn Khâm sinh ra thời nhà Lý đang thịnh trị. Vốn là người ham học, ông tham dự khoa thi Nho học đầu tiên (khoa Minh Kinh Bác Học) tổ chức tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám dưới triều vua Lý Nhân Tông. Ông đỗ Đại khoa đầu tiên (tương đương Tiến sỹ hiện nay) và được bổ nhiệm là Thượng thư Bộ Công năm 1075. Cháu đời thứ 5 của Thượng thư Đoàn Văn Khâm là Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng, trong lúc thế sự nhiễu nhương giữa thời nhà Lý và nhà Trần, Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng đã chiếm giữ đất Hồng Châu gồm Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, một phần Quảng Ninh và Hà Nội ngày nay để an dân, được nhân dân tôn kính, khi ông mất rất nhiều địa phương đã lập đền thờ ông. Ông được phong là Thánh Hiển Linh.

Dòng họ Đoàn có rất nhiều tên tuổi được ghi danh như học sĩ nổi tiếng thời Trần- Đoàn Nhữ Hài, thi sĩ Đoàn Thị Điểm- tác giả "Chinh Phụ ngâm"... Hiện dòng họ Đoàn có mặt ở 27 tỉnh, thành phố trong cả nước.

P.V