05:22 14/05/2015

Hai chuyến thăm - một mục đích

Mặc dù từ chối tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít của Nga, song Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại lần lượt tới thăm Nga chỉ sau đó 1 và 2 ngày.

Mặc dù từ chối tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng phát xít của Nga, song Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại lần lượt tới thăm Nga chỉ sau đó 1 và 2 ngày. Đây chính là những dấu hiệu rõ ràng về mong muốn hòa giải quan hệ với Nga của hai cường quốc phương Tây chủ chốt là Đức và Mỹ.

Bất chấp tất cả những bất đồng chính trị đang tồn tại, Nga và Đức vẫn có quan hệ gắn bó với nhau. Ảnh: AFP-TTXVN


Đúng như truyền thông phương Tây nhìn nhận, hai chuyến thăm này đã phá vỡ cái gọi là “điều cấm kỵ” trong giới lãnh đạo cấp cao phương Tây, những người đã tìm cách tránh đến thăm Nga kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine từ 2 năm qua.

Chuyến thăm Nga của bà Merkel không dài, sau khi tưởng niệm những người lính Xô viết hy sinh trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai, trong cuộc hội đàm sau đó với Tổng thống Nga Vladimir Putin, bà đã kêu gọi Nga hợp tác giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Chuyến thăm này được coi là “cử chỉ hàn gắn mối quan hệ” với Nga và được đánh giá là hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Chuyến thăm cho thấy, bất chấp tất cả những bất đồng chính trị đang tồn tại, Nga và Đức vẫn có quan hệ gắn bó với nhau theo một cách nào đó và rõ ràng, Thủ tướng Đức hoàn toàn không muốn phá vỡ những mối quan hệ tiếp xúc với người đồng cấp Nga nói riêng và quan hệ hợp tác với Nga nói chung. Và người ta cũng thấy Nga và Đức có quá nhiều lý do để không thể đánh mất mối quan hệ tương hỗ cùng có lợi này. 

Rõ ràng, bà Merkel có nhiều lý do để tới Moskva, chứ không chỉ bởi cảm thấy “gánh nặng lịch sử của Đức” mà bà lý giải cho mục đích chuyến thăm Nga lần này của mình. Tôn vinh hàng triệu người đã hy sinh trong cuộc chiến chống phát xít là vô cùng quan trọng. Nhưng cứu vãn nền hòa bình cho Ukraine nói riêng và cùng Nga giải quyết các điểm nóng trên toàn thế giới nói chung, góp phần đem lại một cuộc sống hòa bình phồn thịnh cho cả nhân loại mới là mục đích tối thượng, là “cái giá” đáng để các bên cùng xem xét “xuống thang”.

Tiếp bước bà Merkel, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến thăm Nga chỉ một ngày sau đó và có cuộc hội kiến kéo dài hơn 4 giờ với Tổng thống Nga tại Sochi, một thời lượng dài chưa từng có trong tiền lệ. Ngoài ra ông Kerry cũng đã có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Có thể thấy rõ Nga và Mỹ có quá nhiều điều để nói trong chuyến thăm Nga lần này của người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ, sau 2 năm gián đoạn quan hệ, từ thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Đó là một chương trình nghị sự dài với các vấn đề trong quan hệ song phương, đó là các vấn đề quốc tế và khu vực cấp bách. Và mặc dầu đến với cuộc gặp này, mục đích của mỗi bên có thể mỗi khác nhau, song giới phân tích nhận định chuyến thăm là một tín hiệu tích cực, cho thấy cả Nga và Mỹ đang sẵn sàng cải thiện quan hệ. Truyền thông Nga cũng nhận định chuyến thăm của hai nhà lãnh đạo phương Tây có lợi cho cả Nga cũng như Đức và Mỹ.

Sẽ là quá sớm để có thể lạc quan về một tương lai cùng thấu hiểu, cùng hợp tác giữa các cường quốc trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế cấp bách, mà trước hết là giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng Ukraine. Song cũng không thể phủ nhận các chuyến thăm này đang thắp lên những tia hy vọng về việc sớm tìm được giải pháp hữu hiệu cho các vấn đề nan giải của thế giới hôm nay.

Quế Anh(P/v TTXVN tại Nga)