Hà Nội: Nỗ lực tháo gỡ 'điểm nghẽn', sớm giao đất dịch vụ cho người dân

Sau gần 20 năm vướng mắc về chính sách giao đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp, đến nay, ngay sau khi được các Bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội tháo gỡ những "điểm nghẽn" về cơ chế chính sách, huyện Mê Linh (Hà Nội) đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất nhằm đẩy nhanh tiến độ, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Nỗ lực tháo gỡ "điểm nghẽn"

Chú thích ảnh
Sau rất nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, công tác giải quyết đất dịch vụ cho Nhân dân trên địa bàn huyện Mê Linh dần được giải quyết. Ảnh: melinh.hanoi.gov.vn

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, khi còn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (từ trước năm 2008), huyện Mê Linh đã thu hồi hơn 2.000 ha đất nông nghiệp của các hộ dân trên địa bàn 9/18 xã, thị trấn để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội với giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng từ 12 - 18 triệu đồng/sào (tương đương 360m2).

Trước việc người dân bị thu hồi đất nông nghiệp nhận tiền bồi thường giá trị thấp, ngày 25/4/2004, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 15/2004/NQ-HĐ và ngày 22/7/2004, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2502/2004/QĐ-UBND với chủ trương hỗ trợ cho người dân bằng việc giao đất dịch vụ. Chính sách này nhằm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, bảo đảm an ninh trật tự và tạo thuận lợi cho huyện khi triển khai thu hồi đất nông nghiệp thực hiện các dự án. Tuy nhiên, Quyết định số 2502/2004/QĐ-UBND chỉ quy định các hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi được hưởng đất dịch vụ từ năm 2004 trở về sau mà không tính thời điểm trước đó. Thực tế, phần lớn người dân ở huyện Mê Linh bị thu hồi đất từ đầu năm 2002. Cũng theo Quyết định này, người dân bị thu hồi đất để xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch và khu đô thị tập trung mới được trả đất dịch vụ. Đối chiếu theo quy định, nhiều hộ gia đình huyện Mê Linh bị thu hồi đất để thực hiện các dự án ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp không đủ điều kiện giao đất dịch vụ.

Đến ngày 4/2/2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 11/2008/QĐ-UBND quy định giao đất dịch vụ khi thu hồi đất nông nghiệp không phân biệt loại dự án. Song, thời điểm tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định này, huyện Mê Linh đã sáp nhập về thành phố Hà Nội nên không thực hiện được, vì chủ trương trả đất dịch vụ là của tỉnh Vĩnh Phúc, thành phố Hà Nội không có chủ trương này.

Theo thống kê, số hộ dự kiến được giao đất dịch vụ trên địa bàn Mê Linh là 6.420 hộ với tổng diện tích đất trả cho các hộ dân là 28,2ha. Đây là những hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao theo Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ. 

Vấn đề khiến dư luận bức xúc là sau gần 20 năm bị thu hồi đất, hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện Mê Linh vẫn chưa được nhận đất dịch vụ theo quy định. Người dân mỏi mòn mong ngóng, gửi đơn thư kiến nghị đến nhiều cấp, ngành nhưng vẫn bế tắc, trong khi cuộc sống khó khăn, không còn ruộng để canh tác, không có đất dịch vụ để kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, thực tế không phải tất cả các hộ dân trên địa bàn 9/18 xã, thị trấn chưa được nhận đất dịch vụ. Giai đoạn 2004 - 2008, huyện đã giao đất dịch vụ cho 460 hộ dân ở thị trấn Quang Minh và 255 hộ dân của xã Đại Thịnh với diện tích là 3,8ha. Hiện còn 5.705 hộ dân chưa được giao đất với diện tích 24,4ha.

Nguyên nhân chính dẫn đến tồn tại kéo dài này là do sự không thống nhất về cơ chế chính sách đất đai giữa tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nội; UBND thành phố chưa chấp nhận chủ trương giao đất dịch vụ nên huyện Mê Linh chưa bố trí kinh phí thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ. Mặt khác, việc rà soát nhân khẩu, kiểm tra lại hồ sơ pháp lý các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất có nhiều biến động… dẫn đến chậm triển khai quy trình giao đất dịch vụ cho các hộ dân.

Xác định công tác giao đất dịch vụ cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, để bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân, với tinh thần "khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó, vướng mắc ở cấp nào cấp đó phải giải quyết", UBND huyện Mê Linh đã chủ động làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội để tìm giải pháp cho "bài toán" đất dịch vụ; đồng thời làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết đất dịch vụ cho 5.705 hộ dân còn lại. 

Nhờ sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp, các ngành thành phố và Trung ương, ngày 6/1/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản đồng ý với đề xuất hỗ trợ giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi trên địa bàn huyện Mê Linh. Tiếp đó, ngày 9/3/2023, UBND thành phố Hà Nội có văn bản đồng ý về chủ trương giải quyết, tháo gỡ vướng mắc về giao đất dịch vụ cho các hộ dân ở huyện. Tháng 4/2023, UBND huyện Mê Linh đã có văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên môn hoàn thiện đề án tổng thể giải quyết đất dịch vụ cho nhân dân; khẩn trương hoàn thiện hạ tầng các khu đất dịch vụ.

Củng cố lòng tin của nhân dân

Ngay sau khi có văn bản đồng ý chủ trương giao đất dịch vụ của các cấp có thẩm quyền, toàn bộ hệ thống chính trị của huyện Mê Linh đã vào cuộc. Ngày 11/8/2023, Huyện ủy Mê Linh ban hành Đề án số 15-ĐA/HU về "Lãnh đạo, chỉ đạo giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân" và tổ chức các hội nghị quán triệt đề án tại các xã, thị trấn. Huyện ủy Mê Linh cũng chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo giao đất dịch vụ ở các cấp để tập trung chỉ đạo toàn diện về công tác này. Theo đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị, xã, thị trấn; thành lập Hội đồng xét duyệt và Tổ công tác triển khai ở cả 3 cấp để tuyên truyền, rà soát, thống kê các trường hợp được giao đất dịch vụ, phối hợp xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ và lên phương án giao đất dịch vụ; thực hiện quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân được giao đất, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, đúng quy định.

Lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết, huyện đang rà soát và chuẩn bị xây dựng 12 dự án hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ, chia làm 3 nhóm. Nhóm 1 (có 2 dự án tại thị trấn Quang Minh với diện tích 6,6 ha), huyện đã giao đất cho các hộ dân được 3,76 ha; quỹ đất 2,8 ha còn lại đang hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục giao cho các hộ dân. Nhóm 2 (cũng tại thị trấn Quang Minh) có 2 dự án đã phê duyệt quyết định đầu tư, đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng với quy 4,56ha. Nhóm 3 gồm 8 dự án (xã Tiền Phong 7 dự án, thị trấn Chi Đông 1 dự án) đã được HĐND huyện phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2019 là đất đấu giá kết hợp đất dịch vụ có tổng diện tích 33,78ha, đang thực hiện chuẩn bị đầu tư với quy mô cung cấp đất dịch vụ khoảng 18,04ha; phần còn lại dành cho đấu giá.

UBND huyện cũng giao các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát quy hoạch, dự kiến đề xuất thực hiện 17 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 940 tỷ đồng. Trong đó, tại xã Tiền Phong nhu cầu đất dịch vụ là hơn 6,8ha; thị trấn Quang Minh 6,8ha; thị trấn Chi Đông 3,7ha; xã Đại Thịnh 0,5ha; xã Mê Linh gần 2ha; xã Văn Khê 2,6ha; xã Tráng Việt khoảng 1,5ha; xã Thanh Lâm 940m2; xã Kim Hoa hơn 0,5ha.

Đề cập đến tiến độ cụ thể giao đất dịch vụ cho người dân trên thực địa, lãnh đạo huyện Mê Linh cho rằng, do thời gian vướng mắc quá lâu nên nhiều giấy tờ, nhân khẩu của các hộ dân đã biến động, huyện đang quyết liệt vào cuộc để rà soát lại quy trình, thủ tục cấp đất. UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trong năm 2024 phấn đấu hoàn thành rà soát, công khai số liệu; điều chỉnh, bổ sung các vị trí đất dịch vụ; tiến hành giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ. Năm 2025 và các năm tiếp theo, tiếp tục xây dựng hạ tầng các khu dịch vụ và tổ chức giao đất dịch vụ cho nhân dân.

Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, UBND huyện Mê Linh và các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát từng trường hợp cụ thể, đảm bảo tính chính xác của các thông tin, số liệu, thực hiện việc hỗ trợ giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi, đảm bảo hài hòa lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, công bằng với các hộ có đất nông nghiệp thu hồi tương tự của tỉnh Vĩnh Phúc, tránh phát sinh khiếu nại, khiếu kiện và không để xảy ra thất thoát ngân sách Nhà nước.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mê Linh là địa phương duy nhất của Hà Nội được Trung ương, thành phố đồng ý chủ trương giải quyết đất dịch vụ. Đây là thành quả đáng ghi nhận của Đảng bộ, chính quyền huyện Mê Linh trong việc lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng người dân trong việc giải quyết việc khó, việc lớn tồn tại lâu năm, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Là một trong những hộ được hưởng chính sách đất dịch vụ, ông Nguyễn Văn Thỉnh - Tổ dân phố số 3, thị trấn Chi Đông phấn khởi cho biết, thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Trung ương, thành phố Hà Nội và huyện Mê Linh, các khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải quyết đất dịch vụ cho người dân đã được tháo gỡ. Ông Thỉnh cũng như nhiều hộ dân rất phấn khởi, mong sớm được chia đất dịch vụ để gia đình làm ăn buôn bán, ổn định cuộc sống.

Linh Khánh (TTXVN)
Hà Nội: Đồng ý chủ trương tháo gỡ vướng mắc giao đất dịch vụ tại huyện Mê Linh
Hà Nội: Đồng ý chủ trương tháo gỡ vướng mắc giao đất dịch vụ tại huyện Mê Linh

Để đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất, UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý chủ trương giải quyết, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc về giao đất dịch vụ tại huyện Mê Linh theo Báo cáo số 280/BC-STNMT-QHKHSDĐ ngày 13/01/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN