Hà Nội: Hài hòa giữa bảo tồn di sản với phát triển du lịch

Hà Nội có hệ thống 5.922 di tích và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Đây là lợi thế lớn để phát triển du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước đến với Thủ đô.

Bảo tồn di sản và phát triển du lịch có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, bởi di sản là một trong những nền tảng để phát triển du lịch, còn du lịch là nguồn lực, động lực để bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Giải quyết hài hòa quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch sẽ tạo sự bền vững trong phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, vừa mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế vừa bảo tồn, phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống.

Chú thích ảnh
Đoan Môn là cửa chính phía Nam vào Hoàng thành Thăng Long được xây dựng vào thời nhà Lê trung hưng được tu sửa vào thời nhà Nguyễn. Ảnh: TTXVN

Quan hệ tương hỗ

Nhắc tới di sản Hà Nội là nhắc đến Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội, chùa Một Cột, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò, chùa Trấn Quốc… Với kiến trúc độc đáo, bề dày lịch sử hàng trăm thậm chí cả nghìn năm, mang đậm dấu ấn văn hóa Thăng Long, các di sản này là điểm đến không thể thiếu đối với du khách khi tham quan Thủ đô. Bên cạnh đó, các làng nghề gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, Lễ hội Gióng đền Sóc và đền Phù Đổng, múa rối nước, hát ca trù... đều là sản phẩm du lịch hấp dẫn của Hà Nội.

Trên góc độ di sản, các di tích, làng nghề truyền thống, lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian đều hàm chứa những giá trị vô giá về mặt kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, được lưu giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ. Việc bảo tồn những giá trị quý là trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như cộng đồng, không chỉ thể hiện sự trân trọng vốn quý cha ông để lại mà còn giáo dục truyền thống dân tộc, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước cho mọi tầng lớp nhân dân. Song hành với bảo tồn, công tác phát huy giá trị di sản đặc biệt được coi trọng để quảng bá hình ảnh, lan tỏa các giá trị đến đông đảo người dân và du khách, trong đó du lịch là kênh truyền tải hiệu quả. Vì vậy, việc bảo tồn di sản và phát triển du lịch luôn song hành cùng nhau, tương hỗ nhau trong phát triển.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, Trung tâm tập trung tu bổ, tôn tạo các hạng mục tại khu nội tự và phục dựng tòa Phương Đình, gò Kim Châu tại khu hồ Văn. Để đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô, Trung tâm tích cực quảng bá hình ảnh, tổ chức hoạt động văn hóa, hoạt động trải nghiệm. Mỗi năm di tích thu hút hơn 2 triệu lượt khách du lịch (thời điểm trước dịch) và nguồn thu này quay trở lại phục vụ công tác bảo tồn di sản cũng như công tác quản lý khác.

Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở xã Đường Lâm” đã tập trung tu bổ đình Cam Thịnh, đền và lăng Vua Ngô Quyền, các điểm giếng, nhà cổ bị xuống cấp, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di tích. Hiện các điểm di tích và nhà cổ vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, vừa là điểm thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm. Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, phần lớn các ngôi nhà cổ được tu bổ đang tổ chức hoạt động du lịch phục vụ du khách, góp phần tạo thu nhập kinh tế gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Theo Tiến sĩ Trần Đức Nguyên, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, thực tế cho thấy, việc phát triển du lịch trên địa bàn Thủ đô tập trung vào các điểm di sản văn hóa tiêu biểu như, di tích, làng nghề, văn hóa ẩm thực... Việc khai thác hệ thống di tích góp phần phát triển du lịch được Hà Nội thực hiện hiệu quả từ nhiều năm qua. Nguồn thu từ hoạt động này góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô.

Hướng tới sự bền vững

Chú thích ảnh
Phía trong một xưởng gốm ở làng cổ Bát Tràng. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Xác định di sản là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch, Hà Nội tập trung khai thác nguồn tài nguyên này trên cơ sở hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Bởi nếu chỉ khai thác, coi nhẹ bảo tồn việc xuống cấp, mai một di sản sẽ diễn ra nhanh chóng, dẫn đến di sản không đủ sức hấp dẫn du khách. Hài hòa hai yếu tố này sẽ tạo sự phát triển một cách bền vững cho du lịch và công tác bảo tồn di sản.

Khẳng định di sản văn hóa và du lịch có tính nguyên hợp, gắn bó hữu cơ, tác động qua lại lẫn nhau, nhiều chuyên gia cho rằng nguồn thu từ du lịch phải được tái đầu tư trở lại cho bảo tồn di sản văn hóa một cách tương xứng với mục tiêu duy trì và gia tăng nguồn vốn cho phát triển du lịch.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đề xuất, thành phố Hà Nội cần tăng cường đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời nghiên cứu, thể nghiệm mô hình hợp tác công - tư trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Một mặt, thành phố ưu tiên phát triển mô hình du lịch cộng đồng để bảo tồn di sản văn hóa tại cộng đồng.

Để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy thế mạnh của di sản, hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô có chất lượng cao, ngành Du lịch Hà Nội phối hợp cùng cơ quan liên quan tập trung công tác quy hoạch, đầu tư, bảo tồn, trùng tu di tích gắn với phát huy các giá trị di sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch Thủ đô. Trong đó, tập trung vào các công trình trọng điểm như: Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu vực thành Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long, làng gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc...

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang biết, Sở đẩy mạnh khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa của Hà Nội để tập trung phát triển sản phẩm du lịch với tính đặc thù và có tính cạnh tranh cao. Đó là tập trung đầu tư, khai thác hiệu quả, phát huy thế mạnh không gian kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cố, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; tổ chức tốt các lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian. Sở Du lịch khuyến khích đơn vị lữ hành phối hợp với điểm đến di tích xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch ứng dụng công nghệ trên nền tảng các sản phẩm du lịch truyền thống.

Bảo tồn di sản và phát triển du lịch là hai yếu tố thường gắn chặt cùng nhau, nhất là đối với các di sản có bề dày văn hóa lịch sử, kiến trúc độc đáo, không gian đẹp. Mối quan hệ này đang được khai thác hiệu quả, mang lại lợi ích kép, tạo sự phát triển bền vững cho cả lĩnh vực di sản và du lịch Thủ đô.

Đinh Thuận (TTXVN)
Nhiều hoạt động dịp 20 năm Di sản Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng
Nhiều hoạt động dịp 20 năm Di sản Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng

UBND tỉnh Quảng Bình đã thông tin chính thức về những hoạt động sẽ diễn ra trong dịp kỷ niệm 20 năm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (5-7-2003 - 5-7-2023).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN