Hà Nội điều chỉnh cục bộ thành phố thông minh theo hướng xanh, đồng bộ

Chiều 20/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trao Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài khu vực dự án đầu tư xây dựng "Thành phố thông minh" giai đoạn 1 và giai đoạn 2, tại huyện Đông Anh cho Công ty Đầu tư phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội. Dự án do liên danh Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo, Nhật Bản triển khai.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đã trao Quyết định phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho lãnh đạo Tập đoàn Sumitomo.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội, mục tiêu của điều chỉnh quy hoạch là nhằm cụ thể hóa đồ án Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị GN, N8 tỷ lệ 1/5.000.

Tại lần điều chỉnh cục bộ lần này thuộc địa giới của xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Kim Nỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội). Tổng diện tích đất trong phạm vi nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch khoảng 140,23 ha. Quy mô dân số sau điều chỉnh khoảng 21.110 người; được phân thành 2 khu vực.

Theo đó, tại khu A, điều chỉnh hình dáng hồ Phương Trạch (khu vực phía Nam hồ), quy mô diện tích mặt nước đảm bảo 54ha, tổ chức lại hệ thống cây xanh, đường dạo quanh hồ và các lô nhà ở thấp tầng để khai thác hiệu quả cảnh quan đô thị. Điều chỉnh để hình thành một đơn vị ở hoàn chỉnh với các chức năng: đất trường học, nhà trẻ, đất công cộng đơn vị ở, cây xanh đơn vị ở, đất nhà ở (cao tầng, thấp tầng), đất ở hỗn hợp cao tầng, đường giao thông. Bố trí các ô đất ở hỗn hợp cao tầng tại phía giáp đê Tả Hồng.

Tại khu B, điều chỉnh chức năng các ô đất ở chung cư thành các ô đất ở hỗn hợp, nâng tầng cao công trình từ 25 tầng lên thành 45 tầng, bố cục lại quy hoạch mặt bằng, hình dáng ô đất, bổ sung trục cây xanh và đất bãi đỗ xe phục vụ chung cho khu vực để phù hợp với mô hình đô thị thông minh và khu vực TOD với lợi thế được tiếp giáp với ga của tuyến đường sắt đô thị số 2.

Cũng theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội, việc điều chỉnh quy hoạch cũng nhằm xây dựng khu đô thị xanh, thông minh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để đáp ứng các tiêu chí theo mô hình đô thị các nước phát triển; sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin thông minh để vận hành, quản lý khu đô thị xanh, tiết kiệm năng lượng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong đô thị.

Theo Tập đoàn BRG, Thành phố thông minh nằm ngay chân cầu Nhật Tân, trên trục phát triển Nhật Tân - Nội Bài của thành phố Hà Nội. Dự án có tổng diện tích 272 ha với số vốn đầu tư lên đến 4.2 tỷ USD, với điểm nhấn là tháp tài chính Phương Trạch 108 tầng - dự kiến trở thành trung tâm tài chính lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á, đánh dấu bước chuyển mình cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tin, ảnh: Mạnh Khánh (TTXVN)
Thúc đẩy triển khai các thành phố thông minh ASEAN
Thúc đẩy triển khai các thành phố thông minh ASEAN

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 12/7, Hội nghị thường niên lần thứ sáu Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN) đã khai mạc tại Bali với sự tham dự của đại diện các quốc gia và địa phương trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN