05:09 29/05/2012

Hà Nội xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy mùa mưa bão

Mùa mưa bão năm 2012 được dự báo sẽ phức tạp và tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn trong giao thông đường thủy.

Mùa mưa bão năm 2012 được dự báo sẽ phức tạp và tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn trong giao thông đường thủy. Lực lượng liên ngành Hà Nội vừa tổ chức đợt kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa, đồng thời nhắc nhở các chủ đò, bến bãi ven sông hồ thực hiện đúng theo quy định hiện hành.

 

Vẫn liên tiếp vi phạm


Những ngày hè, trên Hồ Tây có rất nhiều đôi bạn trẻ và gia đình đi đạp vịt. Tuy nhiên, dễ nhận thấy là hầu hết khách không mặc áo phao. Khi đoàn kiểm tra liên ngành tổng kiểm tra các phương tiện đường thủy trên Hồ Tây, ông Phạm Năng Thắng, Giám đốc Công ty du thuyền Hồ Tây cho biết, công ty luôn nhắc nhở khách, nhưng hầu hết khách không mặc.


 

Kiểm tra thiết bị an toàn trên du thuyền Hồ Tây.

 

Ông Chu Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết: Việc du khách không mặc áo pháo khi đi trên các phương tiện thủy là vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thủy. Các đơn vị kinh doanh phải yêu cầu khách mặc khi vui chơi để đảm bảo an toàn. Nếu lực lượng liên ngành kiểm tra đột xuất mà vẫn thấy vi phạm sẽ xử lý kiên quyết đơn vị kinh doanh.


Tổng kiểm tra tại điểm kinh doanh một số du thuyền hoạt động tại Hồ Tây cho thấy, những du thuyền này vẫn lặp lỗi như năm trước là chưa có danh sách thuyền viên và không có giấy phép mở bến. Đoàn kiểm tra cũng nhắc nhở đơn vị kinh doanh phải kiểm tra lại thiết bị cứu hỏa vì quá cũ và nhiều thiết bị vừa quá hạn; đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực.


Ông Chu Văn Hiệp cho biết: Về vấn đề giấy phép mở bến, Sở GTVT ủng hộ việc doanh nghiệp ở đây xin cấp giấy phép, tuy nhiên đơn vị trình hồ sơ xin cấp giấy phép là quận Tây Hồ lại cho rằng đây là bến tạm. Chính vì thế từ năm 2010 trở lại đây, bến cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại đầu đường Thụy Khuê hoạt động trong tình trạng không phép.


Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội gần đây, lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết, theo quy hoạch, điểm kinh doanh này di dời về khu vực đầm 7 Hồ Tây, gần Công viên Hồ Tây, quận có yêu cầu các doanh nghiệp chuyển về khu vực đó. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dịch vụ ở đây vẫn bám trụ tại khu vực đầu Thụy Khuê gần đầu đường Thanh Niên để gần khu trung tâm, dễ thu hút khách.


Các doanh nghiệp dịch vụ tại đầu đường Thụy Khuê hiện vẫn trong tình trạng nộp phạt để tồn tại. Vì chưa có giấy phép mở bến nên kéo theo nhiều giấy phép khác như điểm đỗ xe, vệ sinh môi trường... đều chưa có, dẫn tới việc các doanh nghiệp tại đây đều có rất nhiều vi phạm.

 

Xử lý đi đôi với hướng dẫn


Việc kinh doanh bến bãi và đi lại ngang sông trên tuyến thủy qua sông Hồng nhiều năm qua khá phức tạp, do nhiều người dân và chủ bến muốn tranh thủ sự thuận tiện về đi lại và rất ít khi chấp hành đúng quy định. Việc dễ thấy nhất là nhiều chủ đò có trang bị phao nhưng hầu như trên các chuyến đò, khách hầu như không mặc áo phao. “Chính vì vậy, bên cạnh việc kiểm tra thiết bị an toàn, giấy phép các bến bãi thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cả chủ đò và người dân tham gia giao thông đường thủy chấp hành quy định là việc rất cần thiết trong mùa mưa bão”, đại diện Đội thanh tra đường thủy Hà Nội cho biết.


Dù kiểm tra định kỳ, nhưng vi phạm về an toàn đường thủy vẫn thường xuyên xảy ra do nhiều điểm kinh doanh bến bãi vì lợi nhuận đã nhiều lần tái phạm. Trong năm 2011, thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, xử lý 680 trường hợp; phạt tiền 407 triệu đồng và 4 tháng đầu năm đã xử lý 124 trường hợp với số tiền 127 triệu đồng. Theo ông Chu Văn Hiệp: Từ nay đến 30/6, các lực lượng chức năng của Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra tình hình chấp hành quy định về đăng kiểm phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa; tập trung xử lý các phương tiện chở khách trên sông không bảo đảm an toàn về phương tiện và hành khách như: phao cứu sinh, cứu đắm, bình cứu hỏa; cương quyết đình chỉ hoạt động các phương tiện và người điều khiển không có bằng và chứng chỉ chuyên môn phù hợp… Cùng với đó, sẽ xử lý, giải tỏa các tụ điểm neo đậu tàu thuyền trái phép, có nguy cơ gây mất an toàn, làm hư hại đến kết cấu hạ tầng giao thông và công trình phòng chống bão lũ; kiểm tra tình hình khai thác cát sỏi trên các sông. Sau kiểm tra, giải tỏa, từ ngày 1/7, liên ngành sẽ bàn giao cho chính quyền các địa phương quản lý, duy trì nhằm chống tái lấn chiếm.


Bài và ảnh: Xuân Cường