11:08 10/11/2012

Hà Nội với nỗi lo hỏa hoạn

Sau hàng loạt các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại dãy nhà gỗ C8 phường Chương Dương, tòa tháp đôi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)... Hà Nội mới “giật mình” nhận ra rằng chưa khi nào nguy cơ về cháy nổ trên địa bàn Thủ đô lại nguy hiểm như hiện nay.

Sau hàng loạt các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại dãy nhà gỗ C8 phường Chương Dương, tòa tháp đôi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)... Hà Nội mới “giật mình” nhận ra rằng chưa khi nào nguy cơ về cháy nổ trên địa bàn Thủ đô lại nguy hiểm như hiện nay.


Mối lo đó càng trở nên ám ảnh trước những bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) của Hà Nội như thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất, kỹ năng PCCC; tình trạng cơi nới, lấn chiếm trái phép diễn ra phổ biến từ mặt đất đến các “chuồng cọp” trên cao…


Bất cập thiết bị PCCC


Đến giờ, nhiều người dân Hà Nội vẫn không thể quên được vụ cháy khủng khiếp tại tòa tháp đôi Electricity of Vietnam Tower của EVN ở phố Cửa Bắc. Vào 16 giờ 15 phút ngày 15/12/2011, một đám cháy lớn bốc lên từ tầng hầm của tòa nhà được coi là biểu tượng của ngành năng lượng, tương lai là một trong 10 tòa nhà đẹp nhất Hà Nội. Lửa nhanh chóng lan theo hệ thống kỹ thuật cháy lên tận tầng thượng. Hỏa hoạn khiến hàng chục công nhân đang thi công tại đây rơi vào hoảng loạn. Trong màn khói lửa dày đặc là cảnh người khóc, gọi điện cho người thân, bạn bè, chạy như điên dại qua các tầng để tìm cách thoát thân, thậm chí nhiều người còn đòi nhảy xuống tự tử để không bị chết cháy...


Lực lượng PCCC cứu nạn tại hiện trường vụ cháy căn nhà gỗ ở dãy nhà tập thể trên đường Hồng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội ).


Chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đó, ai cũng hoảng loạn. Tất cả đều hy vọng vào lực lượng cứu hộ, cứu nạn (CHCN) đang khẩn trương thực thi nhiệm vụ. Nhưng đáp lại là cảnh hàng trăm cán bộ, chiến sĩ từ Cảnh sát PCCC, bộ đội đặc công có mặt tại hiện trường loay hoay hàng giờ phía ngoài tòa nhà 33 tầng được lắp kính cường lực. Không lực lượng nào có dụng cụ để phá loại kính hiện đại này, còn phương tiện thì đơn sơ với xe thang (chỉ có thể tiếp cận được tới tầng 15), vài chiếc bình dưỡng khí, vài chiếc mặt lạ, và vài chiếc búa chim…


Phải đến 5 giờ đồng hồ sau đó, những người bị mắc kẹt mới thoát được ra bên ngoài tòa nhà. Song, không phải tất cả đều được lực lượng chức năng giải cứu mà phần nửa số công nhân ấy bất chấp nguy hiểm tự lần mò trong khói đen đặc để thoát thân. Sinh mạng của những người này đều nhờ vào một chiếc gol lắp kính của công nhân.


Ở một vụ cháy khác: Vào khoảng 6 giờ 15 phút sáng 3/11/2011 tại ngõ 22 phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội làm sập căn nhà hai tầng cùng một tum khiến đôi vợ chồng trẻ bị thương nặng còn hai đứa con tử vong để lại nhiều ám ảnh. Không ít người cho rằng, lực lượng tìm kiếm quá chậm trễ khi mất gần 6 giờ mới đưa hai cháu nhỏ ra khỏi đống đổ nát.


Còn vụ cháy tại tầng 12 tòa chung cư 34 tầng ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính vào trưa 25/3/2012 cũng có nhiều điều đáng lo. Đó chính là cảnh chiếc xe thang cứu hộ hiện đại nặng hơn 50 tấn, có thể cứu hộ ở độ cao 56 m - tương đương độ cao tòa nhà 16 tầng - lại không tiếp cận được hiện trường. Nguyên nhân là do tòa nhà có hệ thống tầng hầm dưới mặt sân chung. Nhưng hệ thống tầng hầm chung này chỉ chịu được tải trọng… khoảng 25 tấn. Nếu xe tiếp cận hiện trường thì tầng hầm chung cư sẽ bị sập.


Việc cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn trong vụ cháy tại ngõ 22 phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Lê Phú


Theo số liệu thống kê của UBND thành phố Hà Nội: Tình hình cháy, nổ trong hai năm qua trên địa bàn thành phố đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng có diễn biến phức tạp.


Tính từ tháng 8/2010 đến tháng 8/2012, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 453 vụ cháy, nổ, làm 19 người chết, 52 người bị thương, tài sản thiệt hại ước tính lên tới 87,2 tỷ đồng. .


Phần lớn nguyên nhân của các vụ cháy nổ là do chập điện và do gas. Tính về thành phần kinh tế thì tư nhân để xảy ra tới 144 vụ, chiếm 90,57%; khu vực nhà nước chỉ để xảy ra 12 vụ, chiếm 7,55%.

Những vụ cháy, nổ nói trên là tiếng chuông cảnh báo những bất cập trong công tác CHCN, PCCC của Hà Nội. Hà Nội hiện có hơn 400 tòa nhà cao từ 7 tầng trở lên, nhưng ở nhiều nơi, việc đối phó với hỏa hoạn còn chủ quan, lơ là, thậm chí là yếu kém và bất cập.


Mới đây, qua kiểm tra hơn 100 tòa nhà cao tầng trên địa bàn, các ngành chức năng đã phát hiện hầu hết các tòa nhà đều có vi phạm. Điển hình là vi phạm về lối thoát nạn, hệ thống báo cháy không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên, nên khi xảy ra cháy, hệ thống này như vô hiệu. Bên cạnh đó, lực lượng PCCC ứng trực tại chỗ quá mỏng.


Nhiều nơi chỉ có một vài người nên không đủ khả năng vận hành hệ thống PCCC, xử lý cháy khi hỏa hoạn xảy ra. Việc lắp đặt điều áp buồng thang thoát nạn trong nhiều tòa nhà không đạt chuẩn, không có khả năng ngăn khói xâm nhập khi hỏa hoạn xảy ra...


Nhiều nơi không quan tâm


"Những hình ảnh cháy lớn trên địa bàn Thủ đô gây chấn động cả nước, được nhiều người liên tưởng tới như hình ảnh tòa tháp đôi của Mỹ… Có thể phải tính đến việc trang bị máy bay trực thăng, khi xảy ra cháy nhà cao tầng có thể cứu hộ dễ dàng hơn"- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nhận xét ngay sau vụ cháy tại tòa tháp đôi EVN cho thấy lo ngại của người đứng đầu thành phố trước những thiếu thốn trong việc đối phó với hỏa hoạn.


Nhưng dường như việc trang bị máy bay trực thăng để chữa cháy cho các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội là của "tương lai", và phương tiện hiện đại này được đề cập đến từ những bất cập mới nảy sinh. Còn thực tế hiện nay, phương tiện phục vụ công tác PCCC, CHCN ở Hà Nội khá đơn sơ, thiếu đủ thứ và chưa đáp ứng được yêu cầu. Mới đây, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội Hoàng Quốc Định đã phải thốt lên rằng: “Dù đã được bổ sung thêm nhiều phương tiện chữa cháy như 4 xe thang, 5 xe trạm bơm, 4 xe téc, 9 xe chữa cháy... nâng tổng số xe chuyên dụng, xe chữa cháy của chúng tôi lên 131 xe. Song thực tế trong số đó, nhiều phương tiện, chuyên dùng "tuổi thọ" đã cao, thường xuyên hỏng hóc và gặp sự cố khi hoạt động. Do đó, làm ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ”.


Phó Giám đốc Sở Phòng cháy và Chữa cháy thành phố Hà Nội Hoàng Quốc Định:

Sẽ tập trung kiểm tra tại các nhà cao tầng, các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, kho xưởng sản xuất lớn, các cơ sở ngân hàng - tín dụng, các gara ô tô, xe máy. Đồng thời, đẩy mạnh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy...

UBND thành phố cũng đang triển khai xây dựng khoảng 500 trụ lấy nước cứu hỏa cho các đường phố chính thuộc khu vực các quận nội thành và huyện Từ Liêm giai đoạn 2011 - 2012 với tổng mức đầu tư khoảng 101,4 tỷ đồng. Đồng thời, xây dựng khoảng 5 bể chứa nước cứu hỏa, cải tạo 2 bể cấp nước hiện trạng thành bể chứa nước phục vụ cứu hỏa.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoan:

Ngay sau khi xảy ra vụ cháy tại nhà C8 phường Chương Dương, quận ủy, UBND quận đã tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả; bố trí nhà tạm cư cho 36 hộ dân tại A2 phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, tổ chức trợ cấp đột xuất với tổng số tiền 743,5 triệu đồng.


Chúng tôi cũng đã chỉ đạo UBND phường Chương Dương khảo sát, dọn dẹp mặt bằng, lập hàng rào và quản lý khu vực nhà cháy tại khu nhà gỗ C8 phường Chương Dương; đồng thời, có văn bản đề nghị UBND thành phố giao UBND quận làm chủ đầu tư thực hiện việc thu hồi đất bằng nguồn vốn ngân sách để sử dụng vào mục đích công cộng.

Báo cáo mới nhất của Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cũng cho thấy: Thành phố có gần 1.300 ngõ sâu trên 200 m, đường vào ngõ lại nhỏ, chật, hẹp khiến phương tiện chữa cháy không vào được. Hạ tầng cơ sở lại bộc lộ nhiều bất cập. Nổi lên là việc có những điểm chữa cháy cách xa đơn vị chữa cháy đến 70 km, nguồn nước phục vụ cứu hỏa vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nếu chiểu theo quy chuẩn, cứ 150 m đường cần có một trụ cấp nước chữa cháy, thì hiện nay, Hà Nội còn thiếu hơn 5.000 trụ nước cứu hỏa. Và thành phố dù đang có 941 trụ cấp nước song chỉ có 885 trụ có nước hoạt động bình thường, số còn lại đang trong tình trạng thiếu nước hoặc nước lúc có lúc không.


"Trang thiết bị như hiện nay làm giảm đi hiệu quả trong PCCC, nhất là tại những tòa nhà cao tầng ở Hà Nội. Thực tế là lực lượng CHCN chỉ giải quyết được các tình huống nhỏ, chủ yếu có liên quan đến hỏa hoạn. Dù có trong tay một số thiết bị hiện đại như xe thang, xe cứu hộ nhưng nhiều khi không thể huy động để làm nhiệm vụ do điều kiện hạ tầng, đường sá không đồng bộ" - một cán bộ Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội bộc bạch.


Một thực tế đáng lo ngại nữa là lực lượng CHCN cũng chưa được trang bị các phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác CHCN trên sông, trong điều kiện có hóa chất độc hại. Vì thế mà nhiều khi trong các vụ hỏa hoạn, lực lượng làm nhiệm vụ phải huy động, trưng dụng các phương tiện khoan cắt, phá dỡ của các doanh nghiệp xây dựng, vận tải, dù các loại phương tiện không đảm bảo yêu cầu. Đó còn chưa kể đến công tác CHCN tính đến trước thời điểm tháng 9/2012 vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm hoặc những bài học rút ra từ thực tiễn.


Nhìn nhận lại những khó khăn, bất cập trong PCCC, CHCN ở Hà Nội, mới đây Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi chỉ rõ: Cấp ủy Đảng lãnh đạo chính quyền ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm tới việc thực hiện công tác PCCC và các chức năng, nhiệm vụ được Luật PCVCC quy định; việc dành các khoản kinh phí đầu tư cho các hoạt động PCCC đã bị cắt giảm, thậm chí không có lãnh đạo một số đơn vị, cơ sở cho rằng, mua sắm các trang thiết bị PCCC không sinh lời, nên thường bị cắt giảm hoặc đầu tư sang lĩnh vực khác ngoài nhiệm vụ PCCC....



Anh Tùng