11:12 05/11/2011

Hà Nội tập trung các giải pháp chống ùn tắc giao thông: Đồng thuận, đồng lòng, đồng bộ!

Ùn tắc giao thông (UTGT) tại Hà Nội ngày càng trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi ra đường. Song, chống ùn tắc trong bối cảnh phương tiện gia tăng khó kiểm soát, giao thông rối như tơ vò cũng đang khiến các cơ quan hữu quan đau đầu.

Ùn tắc giao thông (UTGT) tại Hà Nội ngày càng trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi ra đường. Song, chống ùn tắc trong bối cảnh phương tiện gia tăng khó kiểm soát, giao thông rối như tơ vò cũng đang khiến các cơ quan hữu quan đau đầu. Bộ GTVT, Ủy ban ATGT quốc gia và thành phố vừa có cuộc họp bàn đề xuất các giải pháp thực hiện khẩn, nhằm kịp thời giải cứu ùn tắc cho thủ đô. Nhiều giải pháp đưa ra, nhưng muốn gỡ rối, có lẽ cần sự đồng thuận của xã hội, sự đồng lòng của người dân và việc thực hiện đồng bộ các giải pháp!

Không thể "Nước đến chân mới nhảy"

Theo Công an thành phố Hà Nội, Thủ đô hiện đã có hơn 380.000 xe ô tô; 3,7 triệu xe máy, khoảng 1 triệu xe đạp, hơn 50.000 phương tiện vãng lai, và vẫn không ngừng gia tăng từng ngày. Phương tiện gia tăng chóng mặt, trong khi hạ tầng chạy theo không kịp đã khiến giao thông khắp các tuyến phố có thể rơi vào cảnh ùn tắc bất cứ lúc nào, bất kể tuyến đường nào.

Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân diễn ra thường xuyên. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Trước thực trạng này, Hà Nội đã liên tục thử nghiệm nhiều giải pháp chống ùn tắc, nhưng các giải pháp đều có vẻ bất lực trước bối cảnh giao thông rối rắm như hiện nay. Từ năm 2003 đến nay, Hà Nội đã tiến hành phân làn đường cho phương tiện tuyến phố Kim Mã; năm 2006 trên tuyến phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt; năm 2009 tuyến phố Giải Phóng, nhưng hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân được Sở GTVT Hà Nội đưa ra là do lưu lượng phương tiện trên các tuyến đường lớn, phức tạp và ý thức người tham gia giao thông hạn chế. Mới đây, Sở GTVT Hà Nội lại đề xuất phân làn giao thông theo phương tiện tại 12 tuyến phố có đủ điều kiện là đường xuyên tâm, vành đai, một chiều, đảm bảo về hạ tầng (vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, hạ ngầm...), có mặt cắt ngang tối thiểu 10 m trở lên, có khoảng cách giữa các nút giao thông tối thiểu trên 300 m... để từng bước nhân rộng kết quả. Sau hơn 1 tháng thử nghiệm, giải pháp này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, nhưng đến thời điểm này, tình trạng ùn tắc vẫn tái diễn, nhất là vào giờ tan tầm.

Tình trạng phương tiện gia tăng thiếu kiểm soát, hạ tầng nâng cấp, sửa chữa, làm mới không đáp ứng các tiêu chí giao thông tiếp diễn cho thấy giao thông Thủ đô nếu không sớm có các giải pháp đột phá, quyết liệt, thì nhiều tuyến đường sẽ bị tê liệt. Thực tế này làm "nóng" nghị trường Quốc hội trong những ngày gần đây. Nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận về nguyên nhân, hệ lụy do tai nạn, UTGT tại Hà Nội gây ra đã ở tình trạng khẩn cấp.

Lực lượng công an điều hành phân luồng giao thông tại ngã tư Điện Biên Phủ - Trần Phú. Ảnh: Hữu Việt-TTXVN


Dẫn chứng về hiệu quả của các giải pháp mang lại hiệu quả chống ùn tắc và tai nạn giao thông, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình cho rằng, các giải pháp như: Bắt buộc đội mũ bảo hiểm, cấm xe 3 bánh... trước đây được thực hiện tốt, mang lại hiệu quả ngay là do chủ trương "nói đi đôi với làm", làm kiên trì, xử phạt nghiêm túc, dù ban đầu "vấp" phải không ít phản ứng. Còn các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân, giải phóng vỉa hè, phân luồng... hiện nay thực hiện nửa vời, đầu voi đuôi chuột, nên hiệu quả chưa như mong đợi, khiến người tham gia giao thông coi thường luật.

Để giải quyết triệt để vấn nạn này, ý kiến của nhiều chuyên gia giao thông là không thể đợi "nước đến chân mới nhảy". Với các giải pháp đưa ra, Hà Nội phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ, chứ không thể làm theo phong trào, triển khai những tháng an toàn, năm an toàn, đợt cao điểm với tổng hợp các lực lượng tham gia rồi sau đó mọi việc lại nguyên như cũ. Thậm chí, các đại biểu Quốc hội đề xuất triển khai những biện pháp hành chính mạnh, cho phép Hà Nội được thực hiện cơ chế đặc thù để giải quyết UTGT.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp

Về hiện trạng giao thông, theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hạ tầng giao thông hiện rất thiếu và yếu, phương tiện giao thông tăng 15%/năm, còn hệ thống vận tải hành khách công cộng chỉ đáp ứng 10% nhu cầu đi lại... Trên tổng chiều dài hơn 1.700 km đường của thành phố chỉ có 16 hầm, 5 cầu vượt đi bộ; Hà Nội hiện có 82 tuyến xe buýt với trên 1.250 phương tiện, hoạt động từ 5 - 22 giờ 30 hàng ngày, nhưng chỉ có 2 trạm trung chuyển, 5 km đường dành riêng cho xe buýt, xe buýt Hà Nội mới khai thác được 80% công suất, song không thể tăng số lượng xe vì hạ tầng không thể đáp ứng...

Quyết liệt giải quyết tình trạng UTGT tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã đề xuất với Hà Nội triển khai Đề án thay đổi giờ làm của người dân, đồng bộ cùng với các giải pháp tổ chức lại giao thông khác hiện nay như: Sơ kết việc phân làn để có điều chỉnh, tổ chức thêm các cặp đường một chiều, cấm taxi hoạt động giờ cao điểm tại một số tuyến đường, xây dựng lộ trình cấm xe cá nhân trên một số tuyến đường... trên cơ sở tiếp thu, nghiên cứu các tiêu chí, ý kiến về thực trạng giao thông, cách giải quyết của nhiều chuyên gia giao thông hiện nay và cho rằng đề án sẽ thành công nếu số đông người dân đồng thuận.

Theo đó, các giải pháp dự kiến thực hiện sẽ được triển khai đồng bộ và tổng thể, bao gồm từ các văn bản quy phạm pháp luật, đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức lại giao thông cho hợp lý, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Mặc dù đề án này đến nay có nhiều ý kiến trái chiều, phản biện, nhưng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, đến thời điểm này cần phải tổ chức khai thác hạ tầng giao thông một cách tốt nhất.

Theo khảo sát của Sở GTVT Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 350.000 học sinh mầm non, khoảng 500.000 học sinh tiểu học và 320.000 học sinh trung học cơ sở, số lượng sinh viên đại học, cao đẳng trong nội thành có khoảng gần 478.000 sinh viên, cùng với khoảng 355.000 cán bộ, công chức... Do đó, việc điều chỉnh giờ làm việc, giờ học, giờ kinh doanh thương mại nếu đồng thuận sẽ có tính khả thi cao, góp phần kéo giảm UTGT, nhất là vào giờ cao điểm và nếu bố trí giờ giấc, sắp xếp khoa học, hợp lý, chắc chắn sẽ không ảnh hưởng lớn tới đời sống cán bộ công chức, xáo trộn sinh hoạt của các gia đình và đảm bảo giờ giấc sinh hoạt phù hợp với nhịp sinh học của học sinh, sinh viên.

Bộ GTVT hiện đã trình Chính phủ hai phương án thay đổi giờ học, giờ làm. Theo phương án 1: Cán bộ công chức cơ quan trung ương sáng làm việc từ 9 - 12 giờ, chiều từ 13 - 18 giờ; cán bộ công chức Hà Nội sáng làm việc từ 8 giờ 30 -12 giờ, chiều từ 13 - 17 giờ 30; học sinh mầm non, tiểu học, THCS sẽ học từ 8 giờ sáng - 17 giờ 30 chiều; học sinh THPT học sáng từ 7 - 11 giờ, chiều từ 12 giờ 30 - 16 giờ 30; sinh viên đại học khu vực quận Cầu Giấy và quận Thanh Xuân học sáng từ 6 - 11 giờ, chiều từ 12 - 17 giờ; sinh viên đại học khu vực các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng học muộn và nghỉ muộn hơn 1 tiếng đồng hồ, sáng học từ 7-12 giờ, chiều học từ 13-18 giờ; các trung tâm thương mại mở cửa từ 9 giờ 30 - 23 giờ. Phương án 2: Cán bộ công chức cơ quan trung ương, Hà Nội, học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trung tâm thương mại giữ nguyên như phương án 1; đối với sinh viên đại học các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, sáng từ 7 - 12 giờ, chiều từ 13 - 18 giờ; các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng sáng từ 8 - 13 giờ, chiều từ 14 - 19 giờ; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, khuyến khích bố trí giờ làm việc tránh giờ cao điểm.

Thành phố Hà Nội cũng đang gấp rút hoàn thiện phương án thay đổi giờ làm, giờ học để trình Chính phủ xem xét. Theo đó, Hà Nội đề xuất học sinh THPT, sinh viên sẽ vào học từ 7-12 giờ và từ 13-18 giờ; công chức, viên chức, học sinh mầm non, tiểu học sẽ bắt đầu học, làm việc từ 8 giờ, kết thúc lúc 17 giờ; các trung tâm thương mại, cơ quan dịch vụ, tài chính, ngân hàng… sẽ mở cửa sau 9 giờ và đóng cửa sau 19 giờ. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giờ sẽ chỉ thực hiện ở 10 quận nội thành và huyện Thanh Trì, Từ Liêm, nơi tập trung nhiều cơ quan, công sở, trường học và có mật độ phương tiện giao thông lớn; đồng thời chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội chủ trì phối hợp với Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, các sở, ngành liên quan sẵn sàng thực hiện việc điều chỉnh giờ khi được Chính phủ phê chuẩn.

Nguyễn Tiến