08:05 06/08/2011

Hà Nội sẽ điều chỉnh các dự án đô thị theo quy hoạch mới

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, dư luận đặc biệt quan tâm đến số phận các dự án nằm trong vành đai xanh nói riêng và trên địa bàn Hà Nội nói chung sẽ được “phán quyết” như thế nào?

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, dư luận đặc biệt quan tâm đến số phận các dự án nằm trong vành đai xanh nói riêng và trên địa bàn Hà Nội nói chung sẽ được “phán quyết” như thế nào?

KTS Vũ Tuấn Định (ảnh), Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Quy hoạch chung (QHC) của Thủ đô đã được phê duyệt, người dân đang quan tâm sau khi có quy hoạch chung này, Hà Nội sẽ triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

Sau khi QHC được Thủ tướng phê duyệt, theo Luật QH và Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng cũng như thành phố Hà Nội sẽ phải triển khai rất nhiều loại quy hoạch. Cụ thể là QH của các khu đô thị vệ tinh, các thị trấn huyện lỵ, tiếp sau là QH phân khu và QH chi tiết.

Hiện nay, Hà Nội đang tập trung vào nghiên cứu QH phân khu của khu vực trung tâm, tính từ vành đai 4 trở vào. Theo QH này, khu vực trung tâm có khoảng gần 30 phân khu. Giai đoạn I, thành phố đã phê duyệt nhiệm vụ QH của 17 phân khu, giao cho Viện QH Xây dựng Hà Nội là đơn vị tư vấn triển khai. Đơn vị này dự kiến, tháng 9/2011 sẽ trình thành phố quy hoạch của 17 phân khu này. Còn 13 phân khu sẽ tiếp tục làm trong năm 2012.
Mục tiêu của việc lập QH phân khu là xác định chức năng, vai trò, tính chất của từng khu vực phân khu. Đặc biệt là vấn đề khớp nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo sự đồng bộ khi triển khai các đồ án QH, đảm bảo các phân khu phát triển bền vững. Đây là điều kiện để quản lý đô thị sau QHC.

Người dân tham quan khu triển lãm trưng bày quy hoạch. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN


Ông có thể cho biết cụ thể hơn các quy hoạch phân khu cụ thể như thế nào và có ý nghĩa gì trong việc thực hiện QHC của Thủ đô?


Năm 2010, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã xây dựng một đề án quản lý phân khu để quản lý kiến trúc cảnh quan cũng như chiều cao công trình. Đề án này đã báo cáo thành phố và thành phố đã chấp thuận. Trên cơ sở đề án mà UBND thành phố Hà Nội chấp thuận, đã xin ý kiến Văn phòng Chính phủ về giải pháp quản lý không gian, chiều cao và được đồng tình, Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ xây dựng QH chi tiết để quản lý xây dựng trong các quận nội thành.

Theo QH phân khu, định hướng các chỉ tiêu trong khu vực như chiều cao công trình, kiến trúc không gian, hệ thống giao thông, tính chất đất, công viên, cây xanh... đều được quy định rõ.

Sau QH phân khu, thành phố tiếp tục tiến hành QH chi tiết 1/500 đối với các khu vực trong phân khu. Khi nắm được QH phân khu, QH chi tiết, người dân và doanh nghiệp sẽ biết được vị trí lô đất của mình được xây dựng với mật độ bao nhiêu %, chiều cao tầng... để tính toán cho công trình.

´Đa số người dân Thủ đô và cả nước khi xem QHC Hà Nội đều hài lòng với định hướng. Tuy nhiên, cũng còn một số ý kiến lo ngại liệu Hà Nội có thực hiện được đúng như QHC đã định hướng, nhất là các dự án nằm trong vành đai xanh, thưa ông?

Cho đến nay, QHC đã được phê duyệt, thì đây là cơ sở pháp lý cao nhất để TP Hà Nội thực hiện QH sau này. Trên cơ sở đó, trách nhiệm QH các đồ án, dự án này trên địa bàn Hà Nội phải tuân thủ QHC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiện nay Sở Quy hoạch Kiến trúc đang xây dựng quy chế quản lý hành lang xanh. Trong QHC đã xác định cụ thể tính chất, giải pháp cho từng khu vực, trong đó có cả khu vực hành lang xanh, vành đai xanh. Cho nên trên cơ sở này, chính quyền địa phương các cấp sẽ căn cứ để quản lý khu vực theo chức năng, định hướng đã được quy định.

Đối với khu vực vành đai xanh mà có các dự án trước kia các địa phương Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện mà tính pháp lý của dự án đã có, đã đền bù GPMB, thậm chí có dự án đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng thì trong QHC cũng có định hướng quản lý, tính chất khu vực, dự án, mật độ xây dựng, chiều cao công trình.

Đối với các dự án đã đủ tính pháp lý thì cho phép triển khai nhưng phải đúng với định hướng chung QH Thủ đô. Từ QHC này, thành phố sẽ có quy chế quản lý riêng từng khu vực, để xây dựng quản lý và cho phép các dự án triển khai.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Hương (thực hiện)