06:10 03/06/2011

Hà Nội ra quân xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy

Để phòng tránh những nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão 2011, sáng 2/6, lực lượng liên ngành Hà Nội đã ra quân kiểm tra, giải tỏa, xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa.

Để phòng tránh những nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão 2011, sáng 2/6, lực lượng liên ngành Hà Nội đã ra quân kiểm tra, giải tỏa, xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa.

Đụng đâu sai đó

Sáng 2/6, đội xử lý liên ngành gồm thanh tra giao thông, công an đã kiểm tra 2 địa điểm về bến bãi dọc tuyến sông Hồng gồm: Bến tàu du lịch sông Hồng và bến Bạc trung chuyển vật liệu xây dựng. Tại bến du lịch sông Hồng, thuộc trách nhiệm quản lý của Xí nghiệp đầu tư và phát triển du lịch sông Hồng, đoàn đã kiểm tra 4 tàu du lịch về các trang thiết bị an toàn, phòng cháy chữa cháy... Trong đó, tàu du lịch Hồng Hà đã bị phát hiện không có danh sách thuyền viên. Đoàn đã xử phạt tàu Hồng Hà 400.000 đồng, đồng thời nhắc nhở doanh nghiệp phải sớm đăng ký, đăng kiểm tàu hoa tiêu vừa mới mua về; bổ sung đăng kiểm về mái che, mái bạt trên tàu.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hồ sơ, giấy tờ tàu du lịch sông Hồng.


Tại bến Bạc, thuộc HTX Liên Thắng, đoàn kiểm tra cũng lập biên bản xử phạt 1,85 triệu đồng vi phạm về bến thủy nội địa quá hạn cho phép và phương tiện máy xúc ở đây không có đăng ký đăng kiểm. Ông Đoàn Đức Quang, đội trưởng đội thanh tra đường thủy cho biết, bến thủy nội địa này có 10 doanh nghiệp đăng ký vận tải làm dịch vụ trung chuyển cát. Đoàn kiểm tra yêu cầu HTX phải sớm làm đăng ký giấy phép mở bến thủy nội địa trung chuyển vật liệu xây dựng, nếu để quá hạn lâu sẽ xử phạt bến không phép. Đồng thời nhắc nhở doanh nghiệp chấp hành quy định về an toàn bến bãi trong mùa mưa bão như không được phép chất cát quá cao, đổ cát lùi vào trong để tạo hành lang đường thủy.

Kiên quyết xử lý

Những năm gần đây, tình hình mưa lũ tại Hà Nội có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là năm nay lại có lũ tiểu mãn sớm nên việc chấn chỉnh vi phạm TTATGT đường thủy càng phải tiến hành ráo riết.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 69 hồ và 13 sông. Trên các sông, hồ đang tồn tại khoảng hơn 200 các điểm kinh doanh vật liệu xây dựng, khai thác cát; khoảng 48 các bến đò ngang dọc sông (bến thủy nội địa). Tại các hồ tồn tại 14 bến thủy nội địa và các bến thủy này đều không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn. Đáng lưu ý là các bến này lại có 300 phương tiện thủy hoạt động (gồm thuyền phao, thuyền đạp vịt, du thuyền, nhà nổi...). Trong năm 2010, thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, xử lý 115 vụ vi phạm; phạt tiền 150 triệu đồng; giải tỏa 36 điểm buôn bán vật liệu xây dựng (đá, cát sỏi) không phép, sai phép.

Mặc dù đã thường xuyên tăng cường kiểm tra nhưng do ý thức của các tổ chức, cá nhân về ATGT đường thủy còn hạn chế, có nhiều bến đò khách ngang sông, không đảm bảo an toàn của phương tiện và hành khách như thiếu phao cứu sinh, cứu đắm, bình cứu hỏa, không có giấy phép mở bến, phương tiện cũ, người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp. Dù đã nhắc nhở và xử phạt nhưng sau mỗi đợt ra quân cao điểm, vì lợi nhuận trong kinh doanh mà tại một số nơi vẫn tái phạm.

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đợt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm TTATGT đường thủy nội địa lần này, bên cạnh việc chấn chỉnh các sai phạm, lực lượng chức năng cũng sẽ “vẽ” bức tranh tổng thể về giao thông đường thủy Hà Nội để từ đó có những kiến nghị, đề xuất để có quy hoạch tổng thể về phát triển giao thông đường thủy trong thời gian tới. Đồng thời, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ phải xử lý kiên quyết các vi phạm của các phương tiện chở khách trên sông không đảm bảo an toàn về phương tiện và hành khách như: Phao cứu sinh, cứu đắm, bình cứu hỏa... Cương quyết đình chỉ hoạt động những phương tiện người điều khiển không có bằng và chứng chỉ chuyên môn phù hợp; các phương tiện chở xăng dầu, chở hàng nguy hiểm không đảm bảo đúng qui định; các phương tiện, tàu hút cát không có giấy phép theo qui định... Riêng đối với việc kinh doanh phương tiện trên hồ, cần sớm xây dựng quy định quản lý chung, nhất là khu vực hồ Tây; khuyến cáo các đơn vị kinh doanh dịch vụ trên tuyến đường thủy nội địa, hồ chấp hành đúng luật.

Bài và ảnh: Xuân Cường