12:01 24/12/2012

Hà Nội mở rộng mô hình điểm về nha học đường

Theo Ban chỉ đạo y tế học đường thành phố Hà Nội, hiện nay, tại thành phố, tỷ lệ học sinh mắc các bệnh về răng, miệng vẫn chiếm 25%, trong đó có 22% số em bị sâu răng.

Theo Ban chỉ đạo y tế học đường thành phố Hà Nội, hiện nay, tại thành phố, tỷ lệ học sinh mắc các bệnh về răng, miệng vẫn chiếm 25%, trong đó có 22% số em bị sâu răng. Mặc dù triển khai từ nhiều năm nay nhưng hiện vẫn còn 35% số trường chưa duy trì tốt công tác này, nhiều trường triển khai vẫn mang tính hình thức, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh răng miệng vẫn còn cao.


Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba Đào Thị Dung cho biết, trước đây, việc triển khai chương trình ở một số trường còn khó khăn do Ban Giám hiệu nhà trường chưa thực sự quan tâm. Hiện nay, do có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế và Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục với Trung tâm Y tế quận, huyện, Phòng Y tế nên việc triển khai chương trình xuống các trường thuận lợi hơn, đặc biệt nơi nào chính quyền quan tâm thì chương trình đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả. Điển hình như quận Thanh Xuân, do lãnh đạo chính quyền chỉ đạo sâu sát, đầu tư thêm kinh phí, ban chỉ đạo có đủ thành phần nên việc triển khai các chương trình y tế học đường, trong đó có chương trình nha học đường tốt hơn. Tuy nhiên, một số nơi triển khai chương trình nha học đường vẫn còn mang tính hình thức, mới đảm bảo được việc giáo dục chăm sóc sức khỏe răng miệng chứ chưa duy trì được việc súc miệng fluor phòng chống sâu răng.


Với những khó khăn trên, thành phố Hà Nội đang huy động và kêu gọi xã hội hóa công tác y tế học đường. Đặc biệt, với nguồn kinh phí eo hẹp thì hệ thống các trường ngoài công lập chủ yếu phụ thuộc vào sự tự giác, quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường. Ví dụ, Trường tiểu học và THCS dân lập Lê Quý Đôn đã đặt công tác y tế học đường là mối quan tâm hàng đầu. Mỗi năm nhà trường tổ chức khám sức khỏe cho học sinh ít nhất một lần và thông báo kết quả cho phụ huynh. Ngoài ra, nhà trường chú trọng đặc biệt đến vệ sinh, phòng dịch, bếp ăn được tổ chức theo quy trình chuẩn, 100% thực phẩm an toàn...

Trong năm học 2012- 2013, thành phố tiếp tục duy trì 20 mô hình điểm và mở rộng, xây mới thêm 4 mô hình điểm nha học đường tại các trường để nâng cao hiệu quả của chương trình. Tại các mô hình điểm tiến hành tập huấn cho giáo viên các trường về nha học đường, hướng dẫn cán bộ y tế học đường triển khai hoạt động nha học đường và bàn giao dụng cụ hoạt động nha học đường và khám, điều trị răng cho học sinh. Hoạt động của các mô hình điểm đã giúp nâng cao nhận thức của học sinh trong việc áp dụng biện pháp phòng chống bệnh, qua đó giảm tỷ lệ mắc các bệnh răng, miệng.


Bên cạnh đó, Chương trình nha học đường đã triển khai các hoạt động giáo dục cho học sinh các kiến thức về vệ sinh răng miệng thông qua các môn học ở khối mầm non và tiểu học, tuyên truyền qua loa, bảng tin, tờ rơi, áp phích; trang bị ghế răng điều trị một số bệnh răng miệng thông thường như nhổ răng sữa, hàn răng không sang chấn, điều trị viêm lợi cho 12 trường học; phối hợp với công ty P/S Việt Nam tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng chăm sóc răng miệng tại trường học cho 80 cán bộ Ban Giám hiệu trường tiểu học, tổ chức hoạt động ngoại khóa tìm hiểu kiến thức nha học đường và phát hàng ngàn suất quà kem đánh răng, bàn chải đánh răng cho học sinh.


Tuyết Mai