05:16 16/05/2015

Hà Nội kiểm tra 19 dự án dùng cần cẩu tháp

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn trên các công trường thi công kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là đối với dự án đường sắt đô thị.

Sau sự cố sập cần cẩu tại công trường thi công đường sắt đô thị tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thi công, phòng chống cháy nổ, bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên các công trường thi công kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là đối với dự án đường sắt đô thị đang thi công, kịp thời phát hiện những nguy cơ gây mất an toàn để cảnh báo vả xử lý nghiêm các vi phạm.

Chiều 15/5, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì đã tiến hành kiểm tra đột xuất 2 công trình xây dựng nhà ở cao tầng đang sử dụng cẩu tháp nằm ngay sát trục đường Lê Văn Lương thuộc địa bàn quận Thanh Xuân. Tại công trình nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại (HACC1 Complex Buiding) ở 26 Lê Văn Lương do Công ty Xây dựng số 1 Hà Nội làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty cổ phần xây dựng số 1, Chi nhánh xây lắp và vật liệu xây dựng đang thi công phần móng ngầm, có sử dụng cẩu tháp thi công với phạm vi hoạt động ra cả ngoài công trường.

Cần cẩu thi công dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội đổ sụp, đè vào hai căn nhà tại đường Cầu Giấy hôm 12/5. Ảnh: Huy Hùng/TTXXVN


Tuy nhiên, chủ đầu tư không xuất trình được phương án lắp đặt, sử dụng cẩu trục nhưng đã đưa vào hoạt động từ nhiều tháng qua, thi công chưa có biện pháp đảm bảo an toàn khi quay đuôi cẩu ra ngoài hàng rào xây dựng, không có cảnh giới ở hai đầu công trình và vi phạm hoạt động cẩu tháp vào ban ngày. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như rơi vật liệu xây dựng, đổ cần cẩu với phạm vi ảnh hưởng có thể lên tới gần 100m.

Với những lỗi vi phạm này, đoàn kiểm tra đã xử phạt chủ đầu tư và đơn vị thi công từ 20 - 30 triệu đồng, đặc biệt là yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải tạm dừng ngay việc sử dụng cần trục tháp, hoàn thiện tất cả hồ sơ, liên hệ với Sở Xây dựng để xem xét, khi nào được cơ quan chức năng này chấp thuận tổng mặt bằng mới được tiếp tục thi công.

Tương tự, tại tổ hợp khu nhà ở, dịch vụ thương mại Golden Palace ở ô đất C3, đường Lê Văn Lương (do Tổng công ty Đầu tư hạ tầng và Phát triển đô thị - UDIC làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Cường), cẩu tháp của công trình này cũng đang hoạt động vươn ra ngoài hàng rào của dự án. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra từ chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát đều không có mặt.

Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Trần Việt Trung, chủ đầu tư, đơn vị quản lý đã vi phạm quy định khi không giám sát công trường. Sở Xây dựng đã giao Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu cung cấp phương án thi công đảm bảo an toàn. “Trường hợp chủ đầu tư cố tình không phối hợp, không xuất trình được giấy tờ pháp lý hợp lệ, Sở Xây dựng sẽ báo cáo UBND thành phố Hà Nội tạm đình chỉ thi công dự án này”, lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó phòng Quản lý kỹ thuật và Giám định chất lượng Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 19 cẩu tháp hoạt động tại 19 dự án xây dựng, trong đó 3 cẩu tháp tại 3 dự án đã hoàn thiện và đã báo cáo Sở Xây dựng. Thời gian tới, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiếp tục kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tại các công trường có sử dụng cẩu, tháp thi công, trong đó tập trung vào các nội dung như: vị trí lắp đặt, kết cấu và giải pháp sử dụng cần cẩu. Sở cũng phối hợp với các quận, huyện tổng kiểm tra tất cả các dự án xây dựng trên địa bàn. Nếu dự án nào không có phương án sử dụng cần cẩu, không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thi công, đoàn kiểm tra sẽ đình chỉ hoạt động.

Cũng theo ông Huy, với những công trình có sử dụng cẩu tháp có bán kính hoạt động ngoài phạm vi công trình, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của người dân bên ngoài, sở đã có văn bản chỉ đạo tới tất cả các chủ đầu tư, chỉ cho phép hoạt động từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, đồng thời phải đảm bảo đầy đủ hệ thống cảnh báo, người cảnh giới, hướng dẫn an toàn. Song nhiều đơn vị đã không chấp hành nghiêm túc những quy định này dẫn đến nhiều sự cố đáng tiếc xảy ra trong thời gian gần đây, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và tài sản của người dân.


Minh Nghĩa (TTXVN)