07:14 29/07/2014

Hà Nội khẩn trương rà soát, chấn chỉnh quản lý thiết bị y tế

Sở Y tế đã kiểm tra lô thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa Thường Tín (Hà Nội) và kết luận máy có xuất xứ từ Đức nhưng bên trong có quạt mát và mô tơ là của Trung Quốc.

Liên quan đến vụ việc thiết bị y tế không đảm bảo chất lượng vừa được phát hiện tại Bệnh viện đa khoa Thường Tín (Hà Nội), sáng 29/7, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã làm việc với Bệnh viện đa khoa Thường Tín, qua kiểm tra cho thấy máy có nguồn gốc xuất xứ từ Đức, nhưng trong bộ phận của máy có 3 quạt mát, 5 mô tơ (linh kiện phụ của máy) có nguồn gốc Trung Quốc.

Giải thích vấn đề này, ông Hiền cho rằng, đối với gói thầu số 4 mua sắm trang thiết bị hồi sức và xét nghiệm đầu tư cho Bệnh viện đa khoa Sơn Tây, Vân Đình và các bệnh viện đa khoa huyện do Sở Y tế làm chủ đầu tư, Sở đã thực hiện theo đúng trình tự quy định của pháp luật, từ công tác tổ chức đầu thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn, đơn vị tiến hành lập hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu đến tổ chức giao nhận thiết bị, lắp đặt giám sát vận hành... Tất cả các công đoạn đều thuê đơn vị tư vấn giám sát là Viện Trang thiết bị công trình Bộ Y tế, đơn vị đứng đầu của Bộ Y tế trong lĩnh vực này thực hiện.

Đây là dự án có sự hỗ trợ của nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, gói thầu số 4 được mở thầu vào năm 2009, đưa vào sử dụng từ năm 2010 và đến năm 2012 đã được thanh tra, kiểm toán và quyết toán dự án. Như vậy, Sở Y tế khẳng định quy trình thực hiện đầu tư mua sắm thiết bị, khai thác sử dụng trang thiết bị thực hiện đúng quy định của pháp luật và các quy định hiện hành.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, việc các trang thiết bị được đầu tư cho các bệnh viện trong gói thầu số 4, sau khi sử dụng 3 năm đã hỏng hóc như đã phát hiện ở Bệnh viện đa khoa Thường Tín và Bệnh viện Hoài Đức trước đây, nhiều khả năng liên quan đến người sử dụng, có thể là do sử dụng hóa chất không đảm bảo dẫn đến trục trặc máy.

Đối với việc quản lý, sử dụng thiết bị y tế tại các bệnh viện, ngày 9/1/2014, Sở Y tế đã có công văn về việc chấn chỉnh quản lý, sử dụng thiết bị y tế, nghiêm cấm các đơn vị y tế mượn thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh cho người dân. Đồng thời theo hợp đồng, khi thiết bị y tế đang sử dụng có trục trặc, bệnh viện phải liên hệ với đơn vị cung cấp để đơn vị cung cấp có trách nhiệm bảo hành, duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, các bệnh viện chưa phối hợp chặt chẽ trong công tác cung ứng, bảo trì thiết bị và không chấp hành đúng quy định, nên để xảy ra sự việc như ở Bệnh viện đa khoa Thường Tín.

Trước đó, ngày 27/5, đoàn công tác liên ngành gồm: Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường; Sở Y tế Hà Nội; Công an huyện Thường Tín đã tiến hành kiểm tra tại Bệnh viện đa khoa Thường Tín, phát hiện máy xét nghiệm sinh hóa tự động (nhãn hiệu Hitachi 717, series 6312-19) tại khoa Xét nghiệm của bệnh viện là máy mượn của một công ty bên ngoài. Bệnh viện giải thích là do các máy xét nghiệm sinh hóa được Sở Y tế Hà Nội cấp đang trong tình trạng bị hỏng không sử dụng được nên bệnh viện đã mượn máy của Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Cường An (địa chỉ 91/50 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội). Ngay sau đó, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu tịch thu và tiêu hủy thiết bị này vì không rõ nguồn gốc, đồng thời tiến hành xử phạt Bệnh viện đa khoa Thường Tín 30 triệu đồng. Ngoài ra, Sở Y tế cũng tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện.

Ngay sau khi đoàn kiểm tra Sở Y tế phát hiện việc thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa Thường Tín xuất xứ nhãn mác không đồng bộ, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Khoáng sản - đơn vị trúng thầu gói thầu số 4 đã có văn bản cam kết với Sở Y tế Hà Nội việc xuất hiện "tem mác" của một nước thứ 3 không ảnh hưởng đến chất lượng thiết bị. Một số linh phụ kiện dù được sản xuất tại nước thứ 3 nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng của nước sở tại là Đức.

Để chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại các bệnh viện, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tới đây đoàn kiểm tra Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra thiết bị y tế trong gói thầu số 4 cung cấp cho Bệnh viện Hoài Đức và tiếp tục tổng kiểm tra, rà soát lại quy trình sử dụng trang thiết bị được đầu tư tại các bệnh viện còn lại; đồng thời yêu cầu các bệnh viện phối hợp với đơn vị cung cấp thiết bị xử lý ngay khi thiết bị có trục trặc nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, người sử dụng, nhà cung cấp cũng như công tác quản lý Nhà nước tại các bệnh viện, tránh tình trạng xảy ra như ở Bệnh viện đa khoa Thường Tín.


Tuyết Mai