08:09 08/08/2012

Hà Nội bùng phát dịch đau mắt đỏ

Một tuần trở lại đây, do dịch đau mắt đỏ bùng phát ở Hà Nội, số lượng bệnh nhân tới khám, điều trị do đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt Trung ương tăng đột biến với khoảng 100 bệnh nhân mỗi ngày.

Một tuần trở lại đây, do dịch đau mắt đỏ bùng phát ở Hà Nội, số lượng bệnh nhân tới khám, điều trị do đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt Trung ương tăng đột biến với khoảng 100 bệnh nhân mỗi ngày.

 

Dễ bị mù nếu lạm dụng thuốc có corticoid


“Tại Hà Nội, dịch đau mắt đỏ đang vào mùa khi có mưa kéo dài, thời tiết ẩm thấp”, BS Phạm Ngọc Đông, Trưởng khoa Kết - Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương, khuyến cáo.


Từ đầu tháng 8/2012 đến nay, khoa Khám bệnh - Bệnh viện Mắt Trung ương (Bộ Y tế) tiếp nhận khám, điều trị ngoại trú cho 150 – 200 ca/ngày. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

 

Thông thường, dịch đau mắt đỏ xuất hiện vào mùa xuân và khoảng cuối hè, nhưng năm nay dịch đau mắt đỏ xuất hiện muộn hơn do thời tiết ít có mưa, nắng nóng kéo dài nên dịch bệnh ít có môi trường lây truyền. Vậy nên, khi miền Bắc bắt đầu vào mùa mưa như hiện nay thì số lượng ca đau mắt đỏ bắt đầu tăng, nhất là ở nhóm trẻ nhỏ đi học mẫu giáo.


Trường hợp bệnh nhi Phạm Y Trang, 21 tháng tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội là một trong số nhiều bệnh nhân “nhí” đến khám, điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Chị Nguyễn Thị Hương, mẹ bé Y Trang lo lắng cho biết: “Tháng trước, tôi vừa đưa con gái lớn (5 tuổi) tới Bệnh viện Mắt Trung ương để điều trị đau mắt đỏ do cháu bị lây các bạn từ nhà trẻ. Và giờ lại phải đưa cô con gái thứ hai đi khám sau gần 2 tuần gia đình nhỏ thuốc tra mắt và cho cháu uống thuốc nhưng không khỏi. Tại đây bác sĩ chẩn đoán cháu Trang bị viêm giác mạc và việc điều trị sẽ khó hơn…”.


Theo BS Lê Thị Ngọc Lan, Khoa Kết - Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương: Cả người lớn và trẻ nhỏ đều có thể mắc bệnh đau mắt đỏ nhưng do trẻ em giữ vệ sinh không tốt, hay lê la chơi với bạn bè, nhất là trong môi trường nhà trẻ, mẫu giáo nên dễ mắc bệnh hơn. Nhưng các cháu nhỏ lại nhanh khỏi bệnh hơn do được chăm sóc cẩn thận, còn người lớn thì hay chủ quan, sao nhãng việc điều trị nên bệnh lâu khỏi hơn.


Tuy nhiên, BS Lan lưu ý, dù là trẻ nhỏ hay người lớn mắc bệnh đau mắt đỏ thì cũng phải điều trị theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Thực tế, tại Bệnh viện Mắt Trung ương, có không ít bệnh nhân tự điều trị tại nhà bằng cách lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc có corticoid dẫn đến biến chứng đáng tiếc, thậm chí ảnh hưởng đến thị lực của mắt.


“Điều trị viêm giác mạc tốn kém gấp 10 lần so với điều trị đau mắt đỏ thông thường. Đặc biệt, nếu lạm dụng thuốc có corticoid thì có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí mù mắt. Vậy nên, chỉ dùng thuốc có corticoid khi có bác sĩ kê đơn và cần dừng thuốc ngay khi đã đạt được hiệu quả điều trị mong muốn. Ngoài ra, người bệnh cũng không nên tự điều trị bằng cách xông nước nóng, lá trầu… vì những cách này không những không khỏi bệnh mà còn có nguy cơ gây bỏng giác mạc”, BS Lan khuyến cáo.

 

Giữ gìn vệ sinh để tránh tái nhiễm


Theo BS Phạm Ngọc Đông, bệnh đau mắt đỏ có thể gây nhiều biến chứng như viêm biểu mô giác mạc, giảm thị lực sau điều trị nếu tình trạng viêm nhiễm kéo dài. Đặc biệt, việc điều trị kháng sinh chỉ có tác dụng dự phòng các bội nhiễm chứ không có tác dụng chấm dứt bệnh đau mắt đỏ. Do đó, điều quan trọng nhất là người bệnh cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, nhiều trường hợp không điều trị cũng khỏi bệnh nếu biết cách vệ sinh tốt.


Bệnh đau mắt đỏ có thể lây do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, qua những vật dụng hàng ngày như: Khăn rửa mặt, đồ chơi, bát ăn, cốc uống… Bệnh nhân hoặc người nhà sau khi nhỏ mắt cho người bệnh cũng cần phải rửa tay sạch sẽ vì có thể lây qua nước mắt của người bệnh (bệnh đau mắt đỏ không lây qua đường hô hấp). Cần đề phòng bệnh có thể lây lan trong giai đoạn ủ bệnh, lúc này dù người bệnh đã nhiễm virút gây bệnh đau mắt đỏ nhưng tới vài ngày sau mới phát bệnh. Vì thế, người bệnh và thân nhân họ đều không biết, không thể đề phòng được nên dễ làm gia tăng số ca mắc bệnh


“Việc điều trị cũng phải mất từ 1-3 tuần mới khỏi hẳn nên người bệnh không nên quá sốt ruột. Điều cần lưu ý là có nhiều trường hợp bị tái nhiễm đau mắt đỏ do lây bệnh từ người khác sau khi vừa khỏi bệnh được 1- 2 tuần. Do đó, việc giữ gìn vệ sinh cho bản thân và cộng đồng khi Hà Nội đang có dịch đau mắt đỏ là điều rất quan trọng”, BS Phạm Ngọc Đông nhấn mạnh.


Để phòng bệnh đau mắt đỏ, người dân cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, chú ý đeo kính khi đi đường bụi, nhỏ nước muối sinh lý để vệ sinh mắt hàng ngày. Khi gia đình có người bị đau mắt đỏ thì phải áp dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm như: Dùng khăn và chậu rửa mặt riêng, đeo kính và đeo khẩu trang, hạn chế đến những nơi đông người khi không cần thiết (trẻ em nên cho nghỉ học để tránh lây nhiễm cho những em khác). Trước khi dùng các vật dụng chung phải rửa tay xà phòng. Cần khám tại các chuyên khoa mắt ngay khi phát hiện bất thường.


Phương Liên