05:08 08/05/2012

Hạ lãi suất cho vay: Ngân hàng đủng đỉnh, khách hàng sốt ruột

Ngày 4/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức phát đi thông điệp khống chế trần lãi suất cho vay chênh lệch không quá 3% so với lãi suất huy động. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều tỏ ra bình thản trước quy định này.

Ngày 4/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức phát đi thông điệp khống chế trần lãi suất cho vay chênh lệch không quá 3% so với lãi suất huy động. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều tỏ ra bình thản trước quy định này. Tuy nhiên, trái ngược với ngân hàng, những khách hàng đang chịu lãi suất cao đều đang sốt ruột khi việc hạ lãi suất cho vay dường như quá chậm.

 

Khó tăng dư nợ cho vay


Theo các ngân hàng thương mại, chủ trương khống chế trần lãi suất cho vay chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực và đối tượng cụ thể như xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, ngành công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ... Như vậy, không cần NHNN quy định, các đối tượng cho vay trên cũng đã được các ngân hàng áp dụng mức lãi suất từ 14 - 15%/năm, thông qua các gói tín dụng hỗ trợ các đối tượng ưu tiên.


 

Khách hàng làm thủ tục vay với lãi suất ưu đãi tại HDBank Chi nhánh quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế khó khăn, những đối tượng ưu tiên được vay với lãi suất theo quy định cũng không còn nhiều. Vì thế, các ngân hàng muốn tăng dư nợ cho vay cũng không dễ vì rất khó chọn được khách hàng. Ngược lại, những đối tượng đủ tiêu chuẩn cho vay lại không mặn mà với lãi suất mới. Trong khi đó, sức ép của cổ đông về tăng lợi nhuận lại rất lớn. Ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc ACB, cho biết: Trong bối cảnh sức mua của thị trường giảm mạnh, các doanh nghiệp chỉ vay vốn cầm chừng, chưa có ý định đầu tư mới cho việc sản xuất - kinh doanh. Còn những khách hàng bất chấp lãi suất cao, vay bằng mọi giá cũng rất ít. Đồng thời, bản thân ngân hàng cũng lo ngại nợ xấu nên hạn chế cấp tín dụng đối với các khách hàng này. Như vậy, yếu tố lãi suất giảm không quyết định được tăng trưởng tín dụng khi nền kinh tế còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đình trệ sản xuất. Do đó, không cần quy định trần lãi suất, ngân hàng vẫn khó có thể duy trì lãi suất cho vay ở mức cao. Ông Hải kỳ vọng, có thể đến tháng 9/2012, tình hình tín dụng sẽ được cải thiện hơn khi sức mua của thị trường tăng lên và mặt bằng lãi suất cho vay giảm dần.

 

Khách hàng cũ chịu thiệt


Các khách hàng không phải là đối tượng được hưởng lãi suất ưu tiên hiện vẫn đành phải ngậm ngùi chịu lãi suất cao dù lãi suất huy động đã giảm. Cùng với đó, khách hàng cũ là người chịu thiệt thòi nhất.


Chị Minh H., khách hàng của Ngân hàng HSBC, cho biết: Tôi đã vay ngân hàng này hơn 1 năm nay. Từ lãi suất 18,75%/năm, đến nay đã lên gần 22%/năm. Điều đáng nói, mặc dù lãi suất huy động đã hạ mạnh, thế nhưng ngân hàng không có động thái điều chỉnh. Phải đến khi gọi điện hỏi và nhắc nhở, ngân hàng mới hạ nhưng cũng chỉ hạ 1%. Tương tự, anh Lê Sỹ, ngụ tại quận 9, TP.HCM cho biết: Nếu tôi không làm việc với Giám đốc Ngân hàng Việt Á, có lẽ lãi suất vay của tôi vẫn giữ nguyên mức 22%/năm dù đã đến kỳ hạn điều chỉnh lãi suất theo như quy định của hợp đồng. Theo anh Sỹ, gia đình anh vay ngân hàng để mua nhà trả góp được gần 2 năm nay, lãi suất lên đến 22%/năm. Theo hợp đồng cho vay, lãi suất thả nổi định kỳ 3 tháng thay đổi 1 lần, tùy theo lãi suất huy động tăng hay giảm với phương thức tính: lãi suất huy động + 3% = lãi suất cho vay. Thế nhưng, đã hơn 3 tháng kể từ khi ngân hàng thay đổi lãi suất huy động, giảm từ 16% xuống còn 12%/năm, ngân hàng vẫn không điều chỉnh lãi suất cho vay. Trong khi đó, chỉ cần lãi suất huy động tăng, cứ đúng ngày, đúng tháng lãi suất cho vay cũng tăng theo. Điều này đã khiến gia đình anh rất bất bình. Phải đến khi anh có ý kiến, thì từ mức lãi suất 22%/năm, lãi suất vay mới giảm xuống còn 17%/năm.


Thực tế, không chỉ khách hàng cá nhân mà ngay cả các khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không nằm trong đối tượng ưu tiên cũng chịu cảnh thiệt thòi. Nếu không có sự thắc mắc của khách hàng, ít ngân hàng tự giác hạ lãi suất mà phần lớn “cố tình” neo lãi suất cũ để hưởng lợi.


TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.HCM khuyến cáo: Khách hàng cá nhân, doanh nghiệp trước khi vay vốn nên xem kỹ hợp đồng tín dụng để tránh thiệt thòi. Với các khoản vay dài hạn, khách hàng nên chọn những hợp đồng điều chỉnh lãi suất linh hoạt thì phù hợp hơn.


Hải Yên