07:07 08/07/2014

Hạ giá hàng hóa, đẩy sức mua

Theo các chuyên gia, giá nông sản thấp trong khi giá hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng lại cao là do có quá nhiều khâu trung gian tham gia vào khâu phân phối. Muốn tăng sức mua của người dân, kích cầu mua sắm, cần hạ giá thành thông qua việc cắt giảm các khâu trung gian;

Theo các chuyên gia, giá nông sản thấp trong khi giá hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng lại cao là do có quá nhiều khâu trung gian tham gia vào khâu phân phối. Muốn tăng sức mua của người dân, kích cầu mua sắm, cần hạ giá thành thông qua việc cắt giảm các khâu trung gian; đồng thời, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.


Cầu khó tăng mạnh


Nhận định về sức mua hàng hóa 6 tháng đầu năm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, sức mua không tăng nhiều, thể hiện qua con số tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước sau khi loại trừ yếu tố lạm phát thì không được lớn lắm. “Người tiêu dùng còn tằn tiện chi tiêu trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Điều này khiến các DN không có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường cũng như đầu tư phát triển”, TS Nguyễn Minh Phong cho biết.

 

Sức mua của thị trường còn yếu, sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.


Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh nhận định, mặc dù GDP trên địa bàn thành phố tăng nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,09%, riêng tháng 6/2014 chỉ tăng 0,16%. Điều này cho thấy, mặc dù kinh tế đã có những chuyển biến tích cực nhưng sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu và hồi phục chậm. Theo ông Hưng, trên thực tế, giá cả hàng hóa có tăng, nhưng chủ yếu là tập trung ở các mặt hàng nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm. Còn với các mặt hàng khác, giá cả không tăng.


Sức mua của người dân từ nay đến cuối năm được các chuyên gia dự báo sẽ không có biến động lớn. Theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, khả năng 6 tháng cuối năm sức mua chưa tăng lên được, nếu có lên thì chỉ nhích lên một chút. “Nếu chỉ số giá tiêu dùng cứ thấp mãi thì vận động hàng hóa trong xã hội sẽ bị tê liệt, gây đình trệ sản xuất lưu thông. Giá thấp quá thì lo nhiều hơn mừng”, ông Phú phân tích.


Để tăng sức mua, kích cầu, ông Vũ Vinh Phú đưa ra các giải pháp như giải quyết công ăn việc làm cho người dân bởi khi có việc làm thì người dân mới có thu nhập để mua sắm. Thứ hai là phải chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thứ ba là giải quyết đầu ra cho nông sản tại khu vực nông thôn, không để người nông dân bị ép giá, giải phóng hàng tồn kho. Thứ tư là Nhà nước phải tổ chức lại hệ thống phân phối, trước hết là với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nông sản…, chống hiện tượng đầu cơ thao túng giá.


Về vấn đề này, tại buổi họp báo của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Bộ đã phối hợp với một số địa phương tổ chức kết nối giữa DN phân phối và người sản xuất nhằm giúp nông dân tiêu thụ nông sản khi vào vụ thu hoạch rộ.


Theo TS Nguyễn Minh Phong, sự tham gia của lớp trung gian đang giảm bớt. Thực tế này gắn liền với sự phát triển mạnh hơn của hệ thống phân phối. Tuy nhiên, khâu trung gian vẫn cần phải được cắt giảm hơn nữa.


Giúp doanh nghiệp thoát khó


Sức mua của thị trường yếu đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của các DN, từ đó tác động ngược trở lại thị trường. Điều đó đặt ra yêu cầu cho mỗi DN phải tự đổi mới để vượt qua những khó khăn, cùng với những cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước. Khi DN sản xuất kinh doanh hiệu quả, với những hoạt động quảng bá, phát triển thị trường, sẽ có tác động tích cực đến sức mua của thị trường. Ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho biết, những năm trước đây, DN quay quắt vì thiếu vốn; nhưng trong thời gian gần đây, nguồn vốn đã được khơi thông nhưng không ít DN vẫn không dám vay vì rất nhiều lý do.


“Kinh tế càng khó khăn thì DN càng phải nỗ lực đưa ra thị trường những sản phẩm mới. Tuy nhiên, trên thực tế, các DN trong ngành lương thực, thực phẩm không dám mạo hiểm đầu tư vì lĩnh vực này rất rủi ro. Để tồn tại, hầu hết các DN phải tự cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung vào những sản phẩm cốt lõi nhất”, ông Mười nói.


Mặt khác, diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông từ đầu tháng 5 đến nay đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của các DN. Vì thế, nhiều DN cho biết, họ đã mua nguyên vật liệu để tích trữ, đồng thời tìm nguồn nguyên vật liệu trong nước để thay thế nguồn nguyên liệu nhập. Muốn đổi mới công nghệ nhằm nâng cao tính cạnh tranh, thâm nhập thị trường khó tính hơn thì các DN, đặc biệt là DN nhỏ lại không đủ chi phí.


“Do đó, ngay từ bây giờ, ngoài việc tận dụng những chính sách ưu đãi của Nhà nước, các DN phải quyết tâm tự tìm giải pháp xây dựng chiến lược riêng cho mình để phát triển bền vững và hiệu quả. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ cho DN”, ông Phạm Ngọc Hưng đề xuất.


Theo đánh giá của Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh, bên cạnh yếu tố vốn, DN còn yếu về năng lực quản trị và dây chuyền công nghệ. Vì vậy, sản phẩm làm ra chưa có tính cạnh tranh cao, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, cần có một đầu mối đứng ra xây dựng chuỗi liên kết, để các DN hỗ trợ nhau từng khâu trong sản xuất, thay vì mạnh ai nấy làm như hiện nay. Nếu các DN không tạo ra tiềm lực thực sự và khả năng cạnh tranh lành mạnh ngay từ bây giờ, đến năm 2015, khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, hàng rào thuế quan của nhiều mặt hàng được gỡ bỏ thì việc cạnh tranh với các DN nước ngoài sẽ khốc liệt hơn rất nhiều.

 

PV