07:19 12/07/2017

Gustav Klim - Họa sĩ của của tình yêu và phái đẹp

Gustav Klim là cây cọ xuất chúng của trường phái Tượng trưng, là tác giả của nhiều bức tranh mang tính biểu tượng, thể hiện vẻ đẹp, sự quyến rũ và táo bạo về hình thể người thiếu nữ.

Tạp chí Times đã bình chọn ông là một trong mười họa sỹ vĩ đại nhất thế kỷ 20.

Hội họa và cuộc đời

Danh họa Gustav Klimt.

Gustav Klimt sinh ngày 14-07-1862 trong một gia đình thợ kim hoàn ở Baumgarten, gần thủ đô Vienna của nước Áo. Vốn có năng khiếu từ nhỏ, năm 14 tuổi, Klimt vào học tại Trường Nghệ thuật thuộc Bảo tàng Nghệ thuật và Công nghiệp hoàng gia Áo (nay là Đại học Nghệ thuật Ứng dụng).

Klimt khởi đầu sự nghiệp bằng việc vẽ trên tường và trần nhà các công trình lớn ở Vienne theo phong cách cổ điển. Năm 1888 ông nhận được huân chương của hoàng đế Franz Josef I của Áo nhằm vinh danh những đóng góp của ông cho bức tranh tường ở Burgtheater, Vienna. Sau đó, ông trở thành thành viên danh dự của đại học Munich và Đại học Vienna.

Năm 1892, một cú “sốc” đã xảy ra với gia đình Klimt khi lần lượt cha và em trai của ông qua đời. Sự kiện này đã ảnh hưởng rất nhiều tới nét bút của ông. Gustav Klimt đã chuyển sang phát triển phong cách nghệ thuật mới mang đậm màu sắc cá nhân, tôn thờ chủ nghĩa phồn thực. Ông chuyển từ vẽ tranh tường, tranh phong cảnh sang vẽ về đề tài phụ nữ và tình yêu, điển hình là những tuyệt tác như Hi Lạp và Ai Cập (1891), Nuda Veritas (1899)...

Đây cũng là chủ đề quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông, làm nên một Gustav Klimt bất tử trong lịch sử hội họa hiện đại và có lẽ khiến ông trở thành một trong những danh họa được yêu thích nhất.

Là họa sỹ kín đáo nhất trong các danh họa, Gustav Klim không có nhật ký hay chân dung tự họa. Ông từng tuyên bố: “Ở tôi chẳng có gì đặc biệt cả. Tôi là một họa sỹ vẽ vời từ ngày này qua ngày khác, từ sáng đến tối… Bất cứ ai muốn biết gì về tôi… phải quan sát thật kỹ tranh tôi”.

Với những nét vẽ chân thật, thoát khỏi sự ước lệ và lý tưởng hóa của những họa sĩ thuộc thế hệ trước, tranh của Klim thể hiện được sự giằng xé giữa cái sống và cái chết, giữa tột cùng hạnh phúc và đỉnh điểm của sự sợ hãi. Chính sự bứt phá này đã khiến tranh ông đương thời bị lên án, bị phá nát, nhưng ngày nay hậu thế sẵn sàng trả hàng chục, hàng trăm triệu đô la để được sở hữu.

Các tác phẩm vẽ về phụ nữ của ông toát lên vẻ thanh lịch, yêu kiều và quyến rũ. Sự sáng tạo trong tranh của ông gần gũi với cả phương Đông lẫn phương Tây. Klimt cũng hòa nhập được giữa cách diễn tả khối và trang trí khái quát thành sự tương phản của cái thật và cái ảo.

Nổi tiếng nhất là các bức “The kiss”, “Tree of Life”, “Danae”, trong đó bức chân dung “Adèle Bloch-Bauer I” là một trong những kiệt tác cống hiến bằng cả trái tim của Gustav Klimt, được hoàn thành năm 1907.

Tác phẩm kể về tình yêu nồng cháy bị cấm đoán của một thiếu nữ người Áo xinh đẹp. Klimt đã mất 3 năm để hoàn thành tác phẩm này và được doanh nhân Ronald S. Lauder mua lại với giá 135 triệu USD vào năm 2006.

Bậc thầy về sử dụng kim hoàn

Khách tham quan bên những tác phẩm của hoạ sĩ Áo quá cố Gustav Klimt tại triển lãm ở Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Là con trai của một thợ kim hoàn, chuyên chạm khắc những đồ trang sức bằng vàng, vì vậy, từ bé ông đã đam mê vẻ đẹp của thứ kim loại cao quý này. Họa sĩ thiên tài nước Áo đã sử dụng kinh nghiệm của nghề chạm khắc trang sức để sử dụng chúng vào tranh của mình. Mặc dù ông vẽ tranh bằng màu, song ông có khả năng độc đáo trong việc tạo nên hiệu ứng màu sắc bằng các kim loại quý, đá và đồ trang sức.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, ý tưởng gắn trang sức trên tranh của Gustav Klimt bắt nguồn từ cảm hứng khi xem những bức tranh khảm mosaic thời kì Byzantine cùng niềm đam mê vẻ đẹp quý tộc, sang trọng của vàng bạc. Đây cũng là giai đoạn hoàng kim nhất của ông khi tạo ra rất nhiều những tuyệt tác để đời, trong đó bức “The kiss” (Nụ hôn).

Tác phẩm này được coi là sáng tác đỉnh cao trong sự nghiệp của Klimt, là một trong những biểu tượng cho hội họa thế kỷ 20. Màu vàng óng ả đậu trên các chi tiết trang trí, thảm hoa rực rỡ và vòng tay siết chặt làm cho ngay cả những người không hiểu biết hội họa cũng phải rung động. Nó khiến người ta nhận ra rằng, nghệ thuật không chỉ tác động đến thị giác, mà còn bắt liên lạc với những rung cảm sâu xa tận tâm khảm của mỗi người.

Cho đến nay, chưa có bức tranh nào diễn tả tình yêu lại thành công rực rỡ như thế - hạnh phúc lan tỏa khắp không gian tranh, đường nét quyện vào nhau, màu sắc trang trí tràn ngập và tình cảm nồng nàn. Tác phẩm nổi tiếng này đã trở thành một trong những biểu tượng của nước Áo.

Còn trong bức “Adèle Bloch-Bauer I” (thường gọi là Adèle giàu sang), Klimt đã dùng hầu như khắp tranh toàn vàng, làm nổi bật chân dung một phụ nữ sang trọng, đôi mắt to mơ màng, đôi môi hé mở quyến rũ.

Xung quanh bức chân dung, Klimt đã chia cắt thành những mảng hình to, nhỏ hài hòa, tạo nên tổng thể sang trọng. Cái siêu phàm của ông là sắp xếp khéo léo những miếng vàng giống nhau tạo cảm giác có hơi nóng, hơi lạnh khác nhau mà vẫn hài hòa.

Bức tranh này đã làm xôn xao giới mỹ thuật hồi tháng 6-2006 khi nó bán được với giá cao nhất từ trước đến nay - 135 triệu USD, vượt qua bức tranh cao giá nhất ngự trị từ năm 2004 là “Chàng trai với chiếc tẩu thuốc” (104 triệu USD) của danh họa Picasso.

Klaus Pokorny, phát ngôn viên của Bảo tàng Leopold ở Vienna, nhận định: “Không ai có thể tổng hợp các cảm xúc như tình yêu, đam mê hay khao khát nhưng đồng thời cũng gây tuyệt vọng và lo lắng như Klimt”.

Nhà phê bình nghệ thuật Richard Cork thì cho rằng: “Cách Klimt đến được với số đông công chúng thật lạ thường. Ông là một trong số ít nghệ sĩ được tổ chức triển lãm hồi cố ở khắp nơi”.

Còn theo nhà phê bình Cork, “Klimt nổi tiếng bởi ông là một nghệ sỹ cấp tiến trong thời của mình, thử nghiệm nhiều điều mới mẻ và những chủ đề của ông có sức hấp dẫn lớn”.

Trong buổi lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh của danh họa Klimt, Bí thư thứ nhất về văn hóa, Đại sứ quán Áo tại Việt Nam Konstanze Mantsch đã nhận xét: “Klimt và các đồng nghiệp đã làm được một cuộc cách mạng trong nghệ thuật. Họ ra khỏi đường mòn của nghệ thuật cổ điển và thực sự thành công khi đưa nghệ thuật vào với cuộc sống, mặc dù con đường này thời gian đầu không mấy dễ dàng”.

Vào ngày 6-2-1918, người họa sĩ vĩ đại của nước Áo, danh họa Gustav Klimt đã qua đời ở tuổi 56 vì một cơn đột quỵ Ông ra đi để lại rất nhiều bức tranh chưa được hoàn tất.

Hồng Anh (TTXVN)