Xuất phát là trẻ mồ côi nên cả đời dành tình thương cho trẻ mồ côi

"Đối với tôi, hạnh phúc trong cuộc sống là để yêu thương, thắp lửa cho những ước mơ và góp phần thay đổi cuộc đời những số phận kém may mắn". Đó là lời chia sẻ của bà Tạ Thị Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Hội khuyến học phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy (Hà Nội), nguyên Giám đốc Làng trẻ em SOS.

Bà Tạ Thị Ngọc Thanh

Sự đồng cảm của thân phận trẻ mồ côi


Sinh ra trong một gia đình tri thức gốc Hà Nội, bà Tạ Thị Ngọc Thanh kém may mắn hơn bạn bè vì mất mẹ khi mới lên 2 tuổi. “Tuổi đó còn quá bé để hiểu thấu nỗi đau, nhưng đến năm 12 tuổi, tôi mồ côi cha và thực sự mới thấm nỗi mất mát người thân và cơ cực của trẻ mồ côi”, bà Thanh nhớ lại.


“Tôi được chuyển về nhà người họ hàng. Buổi sáng, tôi vẫn được cắp sách đến trường như những người bạn đồng trang lứa. Nhưng khi về đến nhà, tôi phải đảm đương mọi việc trong gia đình, từ quét dọn cho đến nấu cơm, giặt đồ. Chính những tháng ngày cơ cực đã khiến tôi thêm nuôi ý chí, động lực, quyết tâm trở thành người phụ nữ mạnh mẽ, bản lĩnh”, bà Thanh kể.


Năm 1987, Tổ chức SOS quốc tế và UBND TP Hà Nội thành lập Làng trẻ em SOS. Đây là mái nhà chung của các em nhỏ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Là người được học tập bài bản về chuyên ngành tâm lý giáo dục, lại nghiên cứu về cải cách mầm non, bà Thanh được bà Trần Thị Tâm Đan - khi ấy là Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị về làm Giám đốc Làng trẻ SOS.


“Một trong những lý do tôi được đề cử làm giám đốc Làng SOS lúc bấy giờ vì tôi cũng là trẻ mồ côi và thấu hiểu những nỗi khổ đã trải qua của các em. Bởi theo quy ước của tổ chức SOS Quốc tế, Giám đốc Làng trẻ SOS phải là đàn ông, như vậy mới đảm nhiệm được vai trò của người cha tinh thần, cân bằng mọi hoạt động của làng trẻ. Tôi là người thứ 2 trên giới là nữ giám đốc làng trẻ em SOS. Đây chính là cơ duyên để tôi được giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn như mình, để các cháu được ăn học, vươn lên làm người có ích cho xã hội” bà Thanh chia sẻ.


Trong suốt 10 năm, bà Thanh gây dựng cơ sở vật chất ban đầu, tuyển lựa các mẹ trong làng trẻ, để dạy dỗ những đứa trẻ bất hạnh, mang đến cho chúng tình yêu thương. “Với những đứa trẻ nhỏ, tôi tự tắm cho chúng rồi qua sinh hoạt hàng ngày để phán đoán điểm mạnh, điểm yếu của mỗi đứa trẻ, từ đó có phương pháp giáo dục cho phù hợp. Nhiều con giờ đã rất thành công. Khi cưới vợ, cưới chồng đều đến mời tôi ăn cưới và đó là hạnh phúc nhất của tôi khi thấy các con thành công trong cuộc sống”, bà Thanh chia sẻ.


Chia sẻ yêu thương


Sau khi nghỉ hưu, bà trở về địa phương tham gia các công tác đoàn thể của phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy. Gặp gỡ những cháu nhỏ hiếu học nhưng hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, nhiều cháu mất bố mẹ từ sớm, phải tự lăn lộn kiếm sống, bà Thanh lại trăn trở khi nhớ về hình ảnh tuổi thơ và lại xông xáo, nhiệt tình làm việc thiện.


Đến nay, bà Thanh nhận đỡ đầu 15 cháu nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn; với khoản trợ cấp 1,2 triệu đồng/năm/ cháu. Bà Thanh cũng thường gửi quà tặng hoặc hỗ trợ tiền mặt cho những em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo hoặc học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với tình yêu thương đặc biệt dành cho trẻ em nghèo, mới đây bà đã có một quyết định rất ý nghĩa và đáng trân trọng: Đăng ký hiến tặng giác mạc cho các cháu bị mù lòa sau khi bà qua đời.


Để có kinh phí làm từ thiện, bà Thanh tự tìm kiếm các nguồn tài trợ nhưng nguồn chính lại được bà trích từ lương hưu ít ỏi hàng tháng của mình. “Mỗi năm tôi đều dành hơn 20 triệu để làm từ thiện khuyến học nhưng sắp tới. Các loại phụ cấp được hỗ trợ từ công việc tổ trưởng dân phố, bí thư Chi bộ; chế độ hội họp… tôi đều gom tất cả lại để thành tấm thành món để mua thêm cho bọn trẻ sách vở, giấy bút, xe đạp...”, bà Thanh tâm sự.


Đối với bà, làm việc không phải chỉ để lấy thành tích mà vì lợi ích chung của tập thể, để cho tâm hồn mình được thanh thản, nhẹ nhõm. Tình yêu thương của bà với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn giúp lan tỏa việc thiện trong xã hội và được tặng nhiều bằng khen. Ghi nhận những đóng góp của bà Tạ Thị Ngọc Thanh, thành phố Hà Nội đã tặng danh hiệu Công dân ưu tú của Thủ đô năm 2016.


Bài và ảnh: Xuân Cường/Báo Tin Tức
Trao tặng Chủ tịch Làng trẻ em SOS quốc tế Huân chương Lao động
Trao tặng Chủ tịch Làng trẻ em SOS quốc tế Huân chương Lao động

Sáng 22/12, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tiếp và trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng ông Helmut Kutin, Chủ tịch danh dự và ông Siddhartha Kaul, Chủ tịch đương nhiệm Làng trẻ em SOS quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN