Xóa đồi trọc để phát triển kinh tế

Từ đôi tay trắng nhưng với nghị lực và quyết tâm làm giàu, năm 1988, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Thái ở xã Yên Lâm, huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã mạnh dạn nhận trên 24,6 ha đất đồi trọc trên địa bàn miền núi của xã Yên Lâm để phát triển kinh tế.

Khi đó anh Thái cũng là người tiên phong phát triển kinh tế vườn đồi ngay tại quê nhà. Hiện nay mô hình hình tế vườn đồi của anh còn gần 23 ha, cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm. Từ thành công của anh Thái, người dân trong xã và nhiều huyện khác trong tỉnh Thanh Hóa đã học tập, làm theo.

Đến thăm mô hình kinh tế vườn đồi của gia đình anh Thái tại xã Yên Lâm, nhiều người không khỏi thán phục. Hiện gia đình anh có 19 ha bưởi diễn và keo lai; 3,7 ha ao cá. Để có được cơ ngơi nhà cửa, trang trại vườn đồi với giá trị tài sản hàng tỷ đồng như hiện nay, anh Thái và gia đình đã phải phấn đấu cật lực trong suốt 27 năm qua.

Anh Thái chăm sóc cây bưởi Luận Văn của gia đình.

Anh Thái cho biết từ một người lính xuất ngũ với hai bàn tay trắng, khi trở về quyê hương năm 1988, anh nhiệt tình tham gia sinh hoạt Đoàn và được bầu làm Phó Bí thư xã Đoàn. Khi đó anh suy nghĩ, đã là cán bộ Đoàn thì phải tiên phong trong phát triển kinh tế thì khi nói các đoàn viên, thanh niên khác mới làm theo. Anh Thái mạnh dạn hứa trước toàn thể đoàn viên, thanh niên trong xã sẽ trở thành triệu phú trước tuổi 40. Nhận thấy Yên Lâm có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế vườn đồi, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Thái đã nuôi trong mình quyết tâm làm giàu cho gia đình và quê hương. Nói là làm, từ năm 1988 Nguyễn Xuân Thái đã tiên phong nhận 10 ha đất đồi trọc của xã để phát triển kinh tế.

Buổi đầu lập nghiệp anh gặp vô vàn khó khăn, từ vốn, cây giống, kinh nghiệm trồng rừng... đều thiếu. Để giải quyết dần những khó khăn này, anh Thái nghĩ ra sáng kiến là vay lợn của người dân trong xã bán đi lấy tiền để trồng cây lâm nghiệp, sau đó anh sẽ trả bằng lúa, 1 kg lợn được trả bằng 6 kg lúa. Với số tiền vay được và gom góp của gia đình, bạn bè, anh thuê máy cày của Nông trường Thống Nhất (huyện Yên Định) để cày đất, cải tạo đồi trọc. Anh cũng xuống Sở Lâm Nghiệp để mua giống và học cách gieo trồng cây bạch đàn từ hạt. Cẩn trọng là vậy nhưng những lứa bạch đàn giống đầu tiên anh trồng đều bị chết do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật trồng.

Thất bại không nản, anh lại tiếp tục đến Sở Lâm Nghiệp học hỏi kinh nghiệm, mua tài liệu để nghiêm cứu cách gieo ươm hạt giống cây bạch đàn, đồng thời trực tiếp đi học hỏi cách ươm giống loại cây bạch đàn này. Nhờ chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, anh Thái đã thành công và tự sản xuất được giống bạch đàn để trồng. Với giống tốt, lại trồng đúng kỹ thuật, cây bạch đàn trong vườn đồi của anh lớn nhanh như thổi; anh Thái trở thành người đầu tiên trong xã thực hiện thành công nhân giống bạch đàn từ hạt và trồng rừng thành công. Từ thành công này, nhiều thanh niên và bà con trong xã mạnh dạn làm theo anh Thái nhận đất trống đồi trọc của xã để phát triển rừng, xóa đói giảm nghèo.

Với kỹ thuật đã học và tích lũy được, anh Thái sản xuất giống bạch đàn cung cấp cho người dân trong tỉnh Thanh Hóa, nhiều vụ thu lời hàng chục triệu đồng từ tiền bán cây giống. Cũng nhờ nguồn này, anh trả được nợ và lấy ngắn nuôi dài. Đến năm 1996-1997, anh Thái thu hoạch lứa bạch đàn đầu tiên trên diện tích đất do xã giao, thu được hàng trăm triệu đồng. Sau đó, anh tiếp tục mở rộng sản xuất, nhận thêm 14 ha đất đồi của xã Yên Lâm và của Nông trường Thống Nhất (huyện Yên Định) để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Cùng với trồng rừng, anh Thái quyết định trồng thêm mía. Buổi đầu làm mía, khó khăn gặp phải cũng không ít do khoảng cách từ nhà máy đường Lam Sơn đến Yên Lâm khá xa nên không được nhà máy hỗ trợ. Tuy vậy, anh Thái vẫn mạnh dạn mua 130 tấn mía giống để trồng và đã thành công. Năm 1995, sang đến vụ thứ 2, Nhà máy đường Lam Sơn ký hợp đồng thu mua mía của anh Thái. Anh tiếp tục mở rộng diện tích trồng mía sang huyện Cẩm Thủy với hàng chục ha. Nhờ mạnh dạn và tiên phong trong phong trào trồng mía, anh Thái đã gặt hái được nhiều thành công. Nhiều vụ anh thu hoạch hơn 3.000 tấn mía nguyên liệu và ngọn mía giống để bán cho các nhà máy đường Lam Sơn, Việt Đài và nông dân vùng đồi các huyện Yên Định, Cẩm Thủy, Thạch Thành... thu lời hàng tỷ đồng.

Đến nay anh Thái đã chuyển đổi sang trồng bưởi diễn và keo lai trên diện tích 19 ha và 3,7 ha ao hồ để thả cá. Bình quân mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 7-10 lao động với thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng. Anh cũng đã giúp rất nhiều hộ làm giàu ngay tại quê hương mình.

Với những thành tích đã đạt được, năm 1999 anh Thái đã được đi báo cáo điển hình về mô hình phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, được Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa tặng bằng khen khi mới 22 tuổi. Anh cũng được bầu làm đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII nhiệm kỳ 1994-1999 khi mới 27 tuổi và là đại biểu HĐND tỉnh trẻ nhất khóa. Năm 2005 anh được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã và đến năm 2015 được bầu làm Bí thư, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm nhiệm kỳ 2015-2020. Ở cương vị mới anh Thái cùng lãnh đạo và nhân dân trong xã đã xây dựng thành công xã nông thôn mới vào năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 40 triệu đồng/người/năm, đây cũng là một trong những xã có thu nhập bình quân đầu người cao nhất của huyện Yên Định.

Nhận xét về Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Thái, ông Lưu Vũ Lâm - Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết: Anh Thái là cán bộ rất năng động, và luôn là người tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực trồng rừng, trồng cây công nghiệp và là tấm gương để cho các đoàn viên và người dân học tập noi theo. Cũng nhờ anh Thái mà xã đã xóa được đất trống, đồi trọc, tạo điều kiện phát triển kinh tế rừng cho bà con. Với vai trò là cán bộ xã, anh Thái đã lãnh đạo, quản lý điều hành hoạt động của xã rất chắc tay. Tuy là địa bàn có tới 8 dân tộc anh em và có nhiều tôn giáo nhưng anh Thái tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân và luôn được bà con tin tưởng, ủng hộ.

Bài và ảnh: Trịnh Duy Hưng (TTXVN)
Nữ Bí thư Chi bộ đi đầu phát triển kinh tế ở vùng núi Đăk Pne
Nữ Bí thư Chi bộ đi đầu phát triển kinh tế ở vùng núi Đăk Pne

Gia đình chị Nguyễn Thị Ước (34 tuổi), Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum là hộ gia đình đầu tiên của huyện đủ điều kiện trong kế hoạch nhân rộng mô hình trồng sâm đá tại địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN