Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ

Tấm lòng của một cựu chiến binh

Dù ở thời chiến hay thời bình thì phẩm chất tốt đẹp của người lính cụ Hồ vẫn luôn bừng sáng trong tim mỗi người cựu chiến binh.

A Piếc (giữa) đang kể lại những chuyến băng rừng lội suối tìm kiếm hài cốt liệt sĩ để đưa các anh về với người thân và gia đình. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Thời chiến, họ không tiếc tuổi xuân, cầm súng ra chiến trường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hàng triệu người con đã ngã xuống trên các chiến trường, máu xương của họ đã thấm vào từng tấc đất của Tổ quốc Việt Nam. Những người may mắn trở về với gia đình, quê hương, được sống trong hòa bình vẫn không nguôi nhớ thương những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, dù tuổi đã cao, sức đã yếu vẫn miệt mài lội suối băng rừng đưa hài cốt đồng đội về với quê hương, gia đình.

Trưởng thôn A Piếc, một người con của dân tộc Xê Đăng sinh năm 1959, sống tại thôn Bun Ngai, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum nhiều năm qua vẫn luôn đau đáu nỗi niềm thương cảm những đồng đội còn nằm trong rừng lạnh. Nhắc đến chuyện đi tìm hài cốt đồng đội, ông A Piếc rơm rớm nước mắt ngậm ngùi, thương, xót xa cho nhiều anh em đồng đội còn nằm lại chiến trường, trong nhiều năm liền ông đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành tìm kiếm hài cốt đồng đội hy sinh tại những địa điểm mà ông từng tham gia chiến đấu, đưa họ về với gia đình.

Nhập ngũ năm 1971, ông A Piếc tham gia nhiều trận đánh, trong đó có các trận giải phóng Plei Ken, giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh của tỉnh Kon Tum… Sau nhiều cống hiến, sức khỏe ông giảm sút, thành bệnh binh 64% với các bệnh: viên phế quản mạn, viêm đa khớp giảm 50% khả năng vận động, thị lực chỉ còn 4/10. Tình nghĩa với đồng đội còn đong đầy trong trái tim người lính, sau giải phóng, ông cùng một số người còn sống sót băng rừng, lội suối đi tìm hài cốt liệt sỹ. Lúc đầu, anh em trong đơn vị tự kết nối tìm kiếm, sau đó, được Đội K53 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum biểu dương, cùng phối hợp. Qua quá trình phối hợp với Đội K53 tìm kiếm, từ năm 1986 đến nay, ông A Piếc đã tìm ra được 233 vị trí mộ liệt sỹ hy sinh tại các chiến trường ở phạm vi huyện Ngọc Hồi, huyện Sa Thầy và các điểm đóng quân của Việt Nam tại các nước bạn Lào, Capuchia.

Anh A Tân, cán bộ Lao động thương binh xã hội xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Tuổi đã cao nhưng A Piếc luôn tâm niệm phải cố gắng để đưa nhiều hơn nữa đồng đội về với gia đình. Ông không ngừng đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ở khắp nơi. Với bà con lối xóm, ông sống hòa nhã, hiền lành, được bà con yêu mến, bầu giữ chức trưởng thôn từ 15 năm nay. Hiện tại, ngoài chính sách chế độ bệnh binh, ông A Piếc phát triển kinh tế gia đình với 1 ha cao su, 1 ha cà phê...

Ông A Piếc cho biết, thương đồng chí đồng đội còn nằm lại chiến trường nên ông sẽ cùng mọi người tìm kiếm đến khi nào không còn đủ sức. Ông ao ước được một lần đến viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho trọn tình nghĩa của một người lính Cụ Hồ. Sắp tới A Piếc là một đại diện của huyện Ngọc Hồi dự hội nghị tuyên dương các tập thể, cá nhân làm tốt công tác người có công năm 2017 của tỉnh Kon Tum.

Hồng Điệp (TTXVN)
Người thương binh dân tộc Khmer làm kinh tế giỏi
Người thương binh dân tộc Khmer làm kinh tế giỏi

Đến ấp Sóc Mới, xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng hỏi thăm ông Sơn Lộc thì ai cũng biết và khâm phục người cựu chiến binh, thương binh chịu khó, giỏi làm kinh tế, một gương điển hình cho bà con Khmer trong thôn, bản noi theo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN