Nông dân trẻ làm trang trại, lãi gần tỷ đồng mỗi năm

Với thu nhập hơn 900 triệu đồng/năm từ mô hình trang trại, anh Phạm Anh Dũng đã trở thành một trong những nông dân trẻ tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Điện Biên.

Anh Phạm Anh Dũng đang chăm sóc thỏ.

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Điện lực Sóc Sơn (Hà Nội), anh Dũng (sinh năm 1983, ở đội 7, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên) làm đủ nghề để kiếm sống. Sau đó, anh xin vào làm việc trong một cơ quan nhà nước. Có thể nói, công việc tại cơ quan mà anh Dũng công tác là niềm mơ ước của rất nhiều người. Nhưng sau đó, anh đã quyết định bỏ việc để theo đuổi niềm đam mê làm nông nghiệp và ước mơ xây dựng một nông trại của mình.

Thời gian đầu, anh đi khắp các tỉnh, thành và tìm đến các cơ sở, trang trại chăn nuôi, trồng trọt điển hình để học hỏi kỹ thuật, cách thức nuôi trồng... Năm 2013, trở về quê hương, với đồng vốn ít ỏi đã tích lũy được, anh mạnh dạn vay thêm ngân hàng để xây dựng một trang trại trên mảnh đất có sẵn của gia đình.

Nhận thấy gấc và đinh lăng là cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng ở Điện Biên lại có hiệu suất kinh tế cao, anh đã quyết định chọn hai giống cây này là cây trồng chủ lực của trang trại. Sau một năm, cây gấc của trang trại anh Dũng đã bắt đầu cho thu hoạch nhưng quả gấc chín không đồng đều, khó bán ra thị trường.

Khó khăn chồng chất khó khăn, anh vẫn quyết chí thêm một lần nữa. Anh đi khắp nơi để tìm kiếm hình thức làm trang trại tối ưu nhất. Cuối năm 2015, anh bắt tay cải tạo lại trang trại, xây dựng theo mô hình vườn chuồng khép kín, mạnh dạn mở rộng thêm diện tích trồng cây đinh lăng với hơn 7.000m2, nuôi thêm chim bồ câu, gà, vịt, ngan...

Đàn gà trong trang trại của anh Dũng.

Nhờ sự quyết tâm, nỗ lực, cộng với niềm đam mê làm nông nghiệp, cuối cùng anh cũng gặt gái được thành công. Trang trại của anh hiện đã mở rộng ra 1,5ha, với 7.000m2 đinh lăng, trên 1.000 con bồ câu, 200 con thỏ thịt…Trừ mọi chi phí, anh thu lãi hơn 900 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, với mô hình này, anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Hàng năm, gia đình anh cũng giúp đỡ, hướng dẫn cho 15 hộ chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn về giống, phương pháp, kỹ thuật trồng cây gấc và đinh lăng, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức vườn chuồng khép kín. Qua đó, góp phần giúp một số hộ nghèo, gia đình khó khăn trên địa bàn vươn lên thành hộ khá, giàu.

Bà Cao Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên cho biết: Không chỉ tâm huyết với nghề nông, làm giàu cho bản thân, anh còn tích cực hỗ trợ nông dân khó khăn về giống và kỹ thuật, phát triển hệ thống nông nghiệp kiểu mới, góp phần giảm hộ nghèo trong toàn tỉnh.

Anh Dũng chia sẻ sắp tới sẽ mở rộng trang trại thêm 1ha để trồng cây dược liệu quý, nuôi những con vật có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, anh phát triển hệ thống nuôi trồng theo mô hình nông nghiệp sạch tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng hệ thống chuỗi cửa hàng nông sản để hỗ trợ phát triển nông nghiệp trong tỉnh.

Với sức trẻ, tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu, anh Phạm Anh Dũng đã được Hội Nông dân tỉnh Điện Biên trao tặng nhiều Bằng khen về sản xuất nông nghiệp giỏi. Mới đây, anh vinh dự được trao tặng Bằng khen Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc năm 2016.

Bài và ảnh: Võ Văn Dũng (TTXVN)
Nuôi bồ câu gà, thu nhập cao
Nuôi bồ câu gà, thu nhập cao

Đến ấp 6A, xã An Trường, huyện Càng Long (Trà Vinh) hỏi ai cũng biết anh Sơn Ngọc Mẫn, người đầu tiên nuôi bồ câu gà đạt hiệu quả kinh tế cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN