Người 'đánh thức' đàn đá cổ xưa của Kon Tum

Nghệ nhân A Huynh, dân tộc Gia rai, tỉnh Kon Tum là một trong số rất ít người sưu tầm, tạo và  sử dụng đàn đá ở Việt Nam. Năm 2010, A Huynh đã được trao giải “Sưu tầm và gìn giữ nhạc cụ dân gian đàn đá” của tỉnh Kon Tum.

Sinh năm 1982, từ bé, A Huynh đã theo ông và cha lên rẫy của gia đình, dưới chân núi Chư Tan K’ra. Theo A Huynh, khu rẫy nhà anh có từ thời ông cố nội A Nới của mình và cố nội thừa hưởng kinh nghiệm của các đời trước, tìm những thanh đá biết kêu dọc suối Ia Lăh ghép lại, rồi dùng sức nước chảy cho đá va vào nhau vang thành tiếng để đuổi muông thú vào phá rẫy.

Cha anh học từ ông nội sắp đặt 3 thanh tạo nên giai điệu như tiếng goong (3 chiếc chiêng có núm trong một bộ chiêng). Tình yêu với những âm thanh của thiên nhiên, của nhạc cụ truyền thống đã được A Huynh thừa hưởng và tiếp thu rất tự nhiên như thế.

Nghệ nhân A Huynh.


Từ năm 2002 - 2004, A Huynh tham gia quân ngũ và đây cũng là cơ duyên để  A Huynh biết chơi đàn ghita và nghe thông tin về “Goong pơ tâu” (đàn đá).

Khoảng năm 2008, một mình cùng với những “Goong pơ tâu” ở rẫy mỗi khi rảnh rỗi, bằng cách lấy đá gõ đá, A Huynh chọn được hàng chục viên đá phát ra âm thanh tốt, xếp ngang bờ suối gõ… cho vui. “Goong pơ tâu” trở thành người bạn của A Huynh cùng đám trai làng sau một ngày lao động mệt nhọc. Sau này, A Huynh xếp các viên đá theo các nốt nhạc cơ bản và bắt đầu tập gõ theo làn điệu dân ca Giarai.

Mày mò và không ngừng khám phá, mới đầu là mô phỏng âm thanh của suối, gió, sau khi tập nhuần nhuyễn các bài dân ca truyền thống dân tộc Giarai, A Huynh tập gõ đá theo cường điệu hòa âm của các bộ cồng chiêng đánh trong các lễ hội của buôn. Kiên nhẫn và khả năng thẩm âm tốt, A Huynh đã làm chủ để hòn đá “biết nói”. Anh cũng chia sẻ niềm đam mê này của mình cho lớp trẻ ở buôn làng mình trong những dịp lễ hội, nhưng khi rảnh rỗi. Ngoài đàn đá, ghita, A Huynh còn biết thổi điêng-pút (hay gọi là ống vỗ), chơi đàn tingning, đàn tơrưng và diễn tấu cồng chiêng. 

Những làn điệu dân ca Giarai của dân tộc Giarai lần đầu tiên được thể hiện với đàn đá do A Huynh thực hiện, đã làm sống lại một loại nhạc cụ độc đáo tưởng đã thất truyền từ hàng ngàn năm. A Huynh là người có vai trò quan trọng - người phát hiện, “đánh thức” đàn đá của Kon Tum.


Bài và ảnh: Thu Loan


Người giữ hồn nhạc cụ dân tộc
Người giữ hồn nhạc cụ dân tộc

Nghệ nhân Rchâm Tih có tài trời phú khi vừa có thể chơi thành thạo, chế tác nhiều loại nhạc cụ truyền thống từ những cây tre, cây nứa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN