Nghị lực của người cựu chiến binh thành cổ Quảng Trị

Sau những trận đánh ác liệt giữ Thành Cổ Quảng Trị năm xưa, trở về quê hương với tỷ lệ thương tật suy giảm 81% sức khỏe, nhưng người cựu chiến binh Đỗ Huy Thấn (thôn Thượng Đáp, xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) đã nỗ lực vượt qua nỗi đau do vết thương chiến tranh, là tấm gương sáng hăng hái lao động sản xuất, xây dựng quê hương.

Bác Đỗ Huy Thấn đang ôn lại kỷ niệm thời chiến trẻ.

Tháng 7 hàng năm, cứ gần đến ngày thương binh liệt sĩ, ông Thấn lại bồi hồi nhớ về quãng thời gian tham gia quân ngũ của mình. Sinh năm 1934, học hết phổ thông, anh thanh niên Đỗ Huy Thấn đỗ vào trường trung cấp sư phạm. Năm 1958 thì tốt nghiệp, về làm thầy giáo làng. Dạy học đến năm 1966, thì tiếp tục học lên đại học và ra trường năm 1970.


Theo tiếng gọi lên đường, miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, ngay sau khi vừa tốt nghiệp đại học, năm 1971, người thanh niên Đỗ Huy Thấn cùng nhiều thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ và được phân về sư đoàn 308, trung đoàn 88 và làm Trung đội trưởng.


Người cựu binh già vẫn nhớ như in: “Tôi từng tham gia chiến đấu ở khắp chiến trường Quảng Trị, trong đó có chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ. Ác liệt nhất là trận ngày 4/9/1972. Cũng như bao đồng chí, đồng đội, chúng tôi đã dũng cảm chiến đấu trong nội thành. Nhiều đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh. Bản thân tôi bị thương nặng và sau đó phải chuyển về tuyến sau điều trị”.


Quá trình điều trị của ông kéo dài nhiều năm liền. Vết thương nặng, nên sau trận đánh ngày 4/9/1972 ấy, ông Thấn được đưa đến Trại điều dưỡng thương binh nặng số 2 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để chăm sóc. Năm 1992, các bác sĩ nhận thấy sức khỏe ông có biến chuyển tích cực, cho phép ông trở về địa phương với 4 mảnh đạn còn găm trong đầu, không thể lấy ra.


Ngày trở về, niềm vinh dự và tự hào khi được xã đón long trọng như người hùng trôi qua rất nhanh, người thương binh nặng đối mặt với gia cảnh khó khăn, thiếu thốn khi vợ là cô giáo trường làng với đồng lương ít ỏi, các con bữa no bữa đói, trong khi đó điều kiện sức khỏe không cho phép ông lao động nặng nhọc. Nhiều đêm liền, ông đã mất ngủ lo nghĩ không biết phải làm gì để trang trải cuộc sống sắp tới.

Bác Đỗ Huy Thấn luôn là tấm gương trong xây dựng nông thôn mới.

“Bản thân tôi luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy: Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Thấn chia sẻ. Lời Bác dạy như kim chỉ nam để giúp ông nỗ lực vươn lên. Cái khó ló cái khôn. Thời điểm đó, biết tin trại thương binh có thanh lý máy xay xát, ông Thấn đã lóe lên ý nghĩ mua máy xay xát về để làm dịch vụ xay xát ở làng phục vụ bà con. 


Từ việc lấy công làm lãi, cơ sở xay xát của gia đình ông ngày càng được nhân dân trong xã biết đến, tin tưởng, làm ăn ngày càng thuận lợi. Sức khỏe bản thân không đảm đương được việc nặng nhọc nên ông thuê một người làng để trực tiếp đứng máy. Việc sản xuất kinh doanh có lãi, gia đình dần có bát ăn bát để, ông Thấn tiếp tục đầu tư chăn nuôi. Tận dụng đất vườn rộng, ông khoanh chuồng nuôi gà. Ông chọn nuôi những giống gà đặc sản như gà chọi, gà Đông Tảo và bán gà giống, gà thịt. Trong chuồng lúc nào cũng duy trì hàng trăm con gà giống.


Mấy năm gần đây, phần vì càng thêm tuổi, sức chống chịu với các thương tật càng giảm, phần vì con cái lo lắng, muốn bố được nghỉ ngơi nên việc chăn nuôi hầu như chỉ vợ ông quán xuyến, việc xay xát cũng đã dừng hẳn. Tuy nhiên, vốn là người yêu lao động sản xuất, ông vẫn không ngơi tay, lúc vác cuốc ra vườn vun gốc sắn, lúc cắt tỉa cây cảnh và chiết cây hoa. Nhờ vậy, ngôi nhà của người cựu chiến binh già nằm ngay cạnh trục đường chính của xã tuy đơn sơ nhưng mát mẻ, vườn trước, vườn sau xanh mướt.


Hơn 45 năm tuổi Đảng, người cựu chiến binh Đỗ Huy Thấn còn là gương sáng trong tham gia xây dựng Nông thôn mới. Năm 2015, xã có chủ trương mở rộng và nâng cấp đường để góp phần thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới, ông Thấn là người đi đầu trong việc hiến đất làm đường. 


“Mảnh đất này là đất hương hỏa, tấc đất tấc vàng nhưng tôi xác định việc làm đường là vì lợi ích của toàn dân, vì cái chung nên không hề đắn đo, quyết định hiến gần 100m2 đất vườn để mở đường. Trong lúc nhân dân trong thôn, xã còn nhiều ý kiến chưa đồng tình, hai vợ chồng tôi đã tự tay đập vỡ tường để hưởng ứng việc hiến đất”, ông Thấn kể. 


Việc làm tiên phong của người cựu chiến binh bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm xưa đã thay đổi nhận thức của nhiều hộ nhân dân về việc hưởng ứng xây dựng đường giao thông nông thôn. Nam Hồng đã trở thành một trong những xã nhanh chóng đạt chuẩn nông thôn mới.


Là một trong 100 gương hội viên cựu chiến binh điển hình được Hội Cựu chiến binh tỉnh Hải Dương gặp mặt, tôn vinh trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ, ông Thấn rưng rưng: “Những sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể làm tôi rất cảm động, giúp tôi thêm động lực để sống có ích cho xã hội. Tôi cũng tự nhủ luôn phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, là người đảng viên tiên phong, làm những việc tử tế dù là nhỏ bé nhất để góp sức mình vào công cuộc xây dựng quê hương đổi mới”.


PV/Báo Tin Tức
Sâu nặng ân tình đồng đội
Sâu nặng ân tình đồng đội

Một hoạt động ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ này của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương là ký kết tài trợ 7,5 tỷ đồng cho chương trình xác định danh tính liệt sĩ của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam; đồng hành cùng chương trình “Trả lại tên cho Anh”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN