Lão nông nghèo dân tộc Tày hiến đất xây dựng nhà văn hóa

“Lão nông xây dựng” hay “lão nông hiến đất” là tên gọi thân mật của người dân xã Côn Lôn dành cho ông Nguyễn Quảng Cang, 65 tuổi, dân tộc Tày ở thôn Đon Thài, xã Côn Lôn, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Mặc dù, gia đình thuộc hộ nghèo nhưng ông Cang đã mạnh dạn hiến 800m2 đất sản xuất để xây dựng nhà văn hóa thôn, giúp người dân trong thôn có nơi sinh hoạt văn hóa thuận tiện.

Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp ông Nguyễn Quảng Cang, thôn Đon Thài, người đi đầu trong phong trào hiến đất xây dựng nhà văn hóa thôn, bản ở xã Côn Lôn. Khi được hỏi lý do gia đình ông tự nguyện hiến một diện tích đất lớn như vậy để xây dựng nhà văn hóa thôn, ông Cang bộc bạch: "Những năm qua, là gia đình thuộc hộ nghèo nên gia đình tôi được Nhà nước đã hỗ trợ rất nhiều. Nay thôn, xã cần đất để xây dựng nhà văn hóa tôi nhận thấy mình cũng cần có trách nhiệm trong xây dựng quê hương. Bên cạnh đó, tôi nghĩ có nhà văn hóa khang trang không chỉ người dân trong thôn được hưởng lợi mà gia đình tôi, các thế hệ con cháu tôi sau này cũng sẽ được hưởng lợi".

Hiện nay, nhà văn hóa thôn Đon Thài đã được xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Nhà văn hóa được xây dựng bằng bê tông giả gỗ theo mô hình nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày và được thiết kế theo hướng đa chức năng gồm có: nhà văn hóa, khu vệ sinh khép kín, khuôn viên thể thao.

Bản thân gia đình ông Nguyễn Quảng Cang là hộ nghèo có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng vẫn tự nguyện hiến đất để xây dựng nhà văn hóa thôn Đon Thài.

Anh Nguyễn Quảng Dư, Trưởng thôn Đon Thài, xã Côn Lôn cho biết, trước đây do không có nhà văn hóa nên mỗi khi có việc hội, họp người dân trong thôn phải mượn tạm nhà dân vừa chật chội, vừa bất tiện. Mong muốn có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng, hội họp, phổ biến kiến thức về kỹ thuật sản xuất, cũng là nơi vui chơi cho các cháu nhỏ thế nhưng kinh phí không có để xây dựng.

Năm 2016, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, thôn Đon Thài được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng nhà văn hóa, số còn lại do người dân trong thôn đóng góp. Tuy nhiên, khi triển khai thôn gặp khó khăn về vấn đề mặt bằng, bởi diện tích đất trong thôn chủ yếu là đất đồi, núi, quỹ đất xây dựng rất ít.

Vì vậy, gia đình ông Nguyễn Quảng Cang đã quyết định hiến toàn bộ đất sản xuất của gia đình cho thôn làm mặt bằng xây dựng nhà văn hóa. Sự mạnh dạn hiến đất xây nhà văn hóa của ông Cang không chỉ góp phần giúp người dân thôn Đon Thài có nơi sinh hoạt cộng đồng thuận tiện mà còn tạo được sức lan tỏa khiến nhiều người trong thôn học tập và làm theo.

Ông Nguyễn Quảng Cang (bên trái), bên nhà văn hóa thôn Đon Thài mới xây dựng.

Anh Nguyễn Văn Chỉ, thôn Đon Thài cho biết, từ khi có nhà văn hóa khang trang người dân trong thôn rất vui mừng, phấn khởi, bởi từ nay thôn đã có nơi để hội, họp, tổ chức các lớp tập huấn về khoa học, kỹ thuật sản xuất cho bà con… Đặc biệt, từ khi có nhà văn hóa mới, phong trào văn hóa, thể dục thể thao trong thôn phát triển mạnh. Người dân trong thôn có nơi để vui chơi, tập thể thao. Học tập gia đình ông Cang, gia đình anh cũng tự nguyện hiến 400 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn.


Anh Nguyễn Quảng Dư, Trưởng thôn Đon Thài cho hay, ông Cang là tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Đon Thài. Ngoài hiến đất xây dựng nhà văn hóa, gia đình ông Cang còn tích cực tham gia đóng góp kinh phí, ngày công lao động để làm đường bê tông nông thôn. Tinh thần tự nguyện hiến đất của ông Cang đã được nhiều hộ dân trong thôn học tập và làm theo.

Để hoàn thành chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, trong thôn đã có 25 gia đình tự nguyện hiến đất làm đường. Với sự chung sức đồng lòng của các cấp chính quyền và người dân trong thôn, các tuyến đường nội thôn đã được bê tông hóa vượt chỉ tiêu đề ra. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, đưa máy móc vào đến ruộng để phát triển sản xuất.

Nhờ hành động và suy nghĩ tiến bộ của người nông dân nghèo Nguyễn Quảng Cang, người dân thôn Đon Thài nói riêng, xã Côn Lôn nói chung đã hoàn thành chương trình nông thôn mới. Từ một xã thuộc diện 135, sau năm năm xây dựng nông thôn mới Côn Lôn đã hoàn thành chương trình nông thôn mới. "Hiện tượng" xã 135 đạt chuẩn nông thôn mới thực sự đã chứng minh vai trò của việc đoàn kết, phát huy sức dân.

Bài & ảnh: Nguyễn Văn Tý (TTXVN)
Cựu chiến binh hiến đất xây dựng nông thôn mới
Cựu chiến binh hiến đất xây dựng nông thôn mới

Cựu chiến binh Thạch Ni ở Ấp Tha La, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú (Trà Vinh) luôn lấy tấm gương đạo đức và tác phong khiêm tốn, giản dị của Bác Hồ để nói chuyện và trao đổi với mọi người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN