Hành trình gian nan của hai ông lão Bắc Ninh 'khui' hàng nghìn hồ sơ thương binh giả

Với quyết tâm chống tiêu cực, tham nhũng, ông Nguyễn Công Uẩn (xã Ngũ Thái) và ông Nguyễn Tiến Lãng (xã Gia Đông) cùng ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã dũng cảm đấu tranh, đưa ra ánh sáng hàng loạt sai phạm về làm hồ sơ thương binh giả trong suốt 15 năm.

Thu thập tài liệu chống tiêu cực


Vào những năm 2002 - 2003, tình trạng "chạy" thương binh giả trong huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) diễn ra công khai. Người thực sự có công với tổ quốc thì vì một số lí do không được ghi nhận, còn có người chạy máy tuốt lúa bị cụt tay, hay tai nạn ngã xuống ao, lại trở thành “thương binh”. Trước nghịch cảnh trên, ông Uẩn và ông Lãng đã bàn nhau cùng thu thập tài liệu chống tiêu cực.


Ông Nguyễn Tiến Lãng chia sẻ: “Chúng tôi cũng sợ bị trả thù, nhưng chẳng lẽ thấy nghịch cảnh trên mà không làm gì nên chúng tôi âm thầm thu thập tài liệu đấu tranh về nạn làm hồ sơ thương binh giả".

Ông Nguyễn Công Uẩn và tập hồ sơ tố cáo thương binh giả.

Kể về quá trình đấu tranh chống tiêu cực trong làm hồ sơ thương binh giả, ông Uẩn tâm sự: "Không ngờ đầy gian nan, mồ hồi, nước mắt và cả máu như vậy".


Phát hiện ra những dấu hiệu tiêu cực trong việc làm hồ sơ chứng nhận thương binh từ năm 2003, nhưng phải đến năm 2010, ông Uẩn và ông Lãng mới chính thức gửi đơn tố cáo tới Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).


Ông Nguyễn Tiến Lãng cho biết: "Chúng tôi thu thập suốt thời gian gần 7 năm với đầy đủ chứng cứ rồi mới quyết định làm đơn tố cáo. Ngay sau khi đơn tố cáo được gửi đi, những tháng ngày "thấp thỏng" vì bị trả thù cũng bắt đầu.

Ông Nguyễn Tiến Lãng.

Vườn nhãn hơn 2 sào nhà ông Uẩn là tài sản đầu tiên bị những kẻ tham nhũng phá hoại. Chỉ gốc nhãn trơ khấc trong vườn, ông Uẩn kể: “Họ cho người phá vườn nhãn gắn bó với gia đình gần 40 năm. Cùng với thiệt hai về kinh tế, những kẻ bị tố cáo còn đe dọa đâm xe, gây thương tích cho gia đình tôi”.


Chỉ vào vết sẹo trên trán và chiếc răng đã lung lay, ông Uẩn kể: “Bọn họ xông vào nhà đe dọa, đánh hội đồng. Cùng với đó là vô số những cuộc gọi nặc danh đe dọa khiến tôi chỉ biết lặng lẽ rút dây điện thoại mà thầm mong trời phật phù hộ”.


Bà Nguyễn Thị Thơm, vợ ông Uẩn kể: “Đấu tranh chống tiêu cực ai ngờ khổ thế. Tết gia đình người ta sum vầy thì chồng tôi lại xách tay nải lên đường đi lánh nạn vì bị hăm dọa. Tôi cũng đã khuyên can đủ điều nhưng vẫn không nghe".

Vợ ông Uẩn kể về quãng thời gian khó khăn của gia đình khi bị kẻ xấu đe dọa.

Tình trạng của ông Lãng cũng tương tự, ngày nào cũng có những kẻ lạ mặt liên tục ném đồ xú uế vào nhà, đang đi ngoài đường cũng có kẻ dùng mũ bảo hiểm chặn đánh…. Vợ con ông Lãng ra sức can ngăn, phản đối vì bị gây sức ép từ nhiều phía.


Công lý được thực thi


Từ đơn tố cáo về hồ sơ thương binh giả của ông Nguyễn Công Uẩn và ông Nguyễn Tiến Lãng, Cục Người có công và Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vào cuộc xác minh. Bộ LĐTBXH đã xác minh nội dung tố cáo với 10 trường hợp ngẫu nhiên trong số hàng trăm đối tượng bị tố cáo và nhận thấy đều có dấu hiệu sai phạm trong hồ sơ thương binh.


Kết quả giám định thương tật các đối tượng trên cho thấy không đúng với tình trạng sức khoẻ, các hồ sơ này bị tẩy tên và thay tên người khác. Kết quả trưng cầu giám định tài liệu cho thấy toàn bộ phần chữ viết bằng tay trên các giấy chứng nhận bị thương của các đối tượng trên... đều do cùng một người viết ra.

Gốc nhãn bị kẻ xấu chặt phá.

Từ kết quả xác minh nội dung tố cáo một số đối tượng tại (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), Bộ LĐTBXH đã chuyển các hồ sơ trên cho tỉnh Bắc Ninh và Bộ Quốc phòng thu hồi giấy chứng nhận thương binh và phối hợp tiếp tục xác minh, làm rõ các trường hợp bị tố cáo liên quan.



Sau khi điều tra theo nội dung tố cáo, ngày 14/6/2013, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định khởi tố 5 bị can gồm: Nguyễn Bá Bi, Nguyễn Bá Trình, Nguyễn Gia Khu, Nguyễn Đức Nhâm và Nguyễn Đắc Ngưng, cư trú tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời mở rộng điều tra vụ án. Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 cũng tiến hành khởi tố điều tra về việc làm giả hồ sơ hưởng chế độ thương binh.


Kết quả sau điều tra, số đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ phải kiến nghị đình chỉ trợ cấp lên tới 2.745 người, 24 người bị xử lý hình sự, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 150 tỷ đồng, đồng thời giảm chi ngân sách nhà nước 20 tỷ đồng mỗi năm do chi sai đối tượng người có công.


Nói về việc đề xuất khen thưởng, ông Uẩn cho rằng: "Chúng tôi chỉ muốn biết đã làm đúng và đủ điều kiện để xem xét khen thưởng hay không? Nếu vụ việc được Bộ LĐTBXH khen thưởng thì sẽ thúc đẩy phong trào chống tiêu cực, tham nhũng ở nhiều nơi khác".


Còn ông Lãng cũng bày tỏ: “Từ khi thu thập tài liệu đến lúc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, chúng tôi luôn tâm niệm đấu tranh vì Đảng vì Nhà nước. Nếu được nhà nước công nhận và trao tặng bằng khen thì đây là món quà có ý nghĩa với với quá trình đấu tranh gian khổ suốt suốt 15 năm qua".


Hành trình tìm kiếm sự công bằng của hai ông lão Bắc Ninh đã được xã hội ghi nhận nên không còn sự kỳ thị, đe dọa và cô lập như trước. Bộ LĐTBXH cũng đang hoàn tất hồ sơ tặng bằng khen của Bộ LĐTBXH với ông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn vì có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng, góp phần tích cực trong việc phát hiện, xử lý hành vi khai man, giả mạo hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công 


XC - Khánh Linh
Khui ra 2.745 hồ sơ thương binh giả, hai lão nông Bắc Ninh vẫn chưa được khen thưởng
Khui ra 2.745 hồ sơ thương binh giả, hai lão nông Bắc Ninh vẫn chưa được khen thưởng

Chiều ngày 11/5, trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Lưu Hồng Sơn, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) cho biết: “Văn phòng Bộ đã liên lạc với UBND tỉnh Bắc Ninh về việc khen thưởng 2 ông Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn (Thuận Thành, Bắc Ninh) tố cáo gần 3.000 hồ sơ thương binh giả. Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh hứa sang tuần sẽ có trả lời chính thức”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN