Đằng sau thương hiệu mứt chuối phồng Phước Thạnh

Ít ai biết rằng thành công của thương hiệu mứt chuối phồng Phước Thạnh là biết bao nghị lực vươn lên của người cựu chiến binh chiến trường Tây Nam năm xưa.

Ông Võ Phước Thạnh sinh năm 1952, trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; cha là liệt sỹ Võ Văn Be, hy sinh năm 1969 tại tỉnh Tiền Giang.

Năm 1978, người thanh niên Võ Phước Thạnh vừa tròn 18 tuổi đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, đem sức trẻ bảo vệ Tổ quốc khi nạn diệt chủng Pôn-pốt đang hoành hành trên biên giới Tây Nam. 

Hơn 3 năm ròng, ông kề vai cùng đồng đội tác chiến đẩy lùi quân địch, nhưng trong một lần đối đầu, ông bị địch bắn. Đến năm 1981, ông xuất ngũ trở về địa phương với vết thương ở hạ sườn phải, được giám định thương tật mất sức lao động 36%, thuộc diện thương binh 4/4. Năm 1982, ông lập gia đình cùng bà Nguyễn Thị Nhỏ (sinh 1950), quê quán tại xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Trở về cuộc sống thường nhật với hai bàn tay trắng, đất đai ruộng vườn không có, bệnh tật liên miên, gia đình của đôi vợ chồng người lính trẻ rơi vào diện hộ nghèo của địa phương, phải làm đủ nghề để lo toan cho cuộc sống, đặc biệt là khi gia đình đón những đứa trẻ chào đời.

Năm 1990, được người dì cho hơn 4.000 m2 đất vườn tạp, cựu chiến binh Võ Phước Thạnh cải tạo trồng quýt hồng, nhưng do thiếu vốn và không có kỹ thuật nên thất bại không thu hoạch được.

Năm 1996, ông cải tạo trồng nhãn Tiêu da bò, cuộc sống gia đình có giảm phần khó khăn hơn, nhưng chỉ tạm đủ trang trải cho cuộc sống và nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, chứ chưa dám nghĩ đến việc sửa chữa, chỉnh trang lại căn nhà mặc dù đã xiêu vẹo, trống trước hở sau.

Năm 2008, gia đình được Hội Cựu chiến binh xã cho mượn 5 triệu đồng từ nguồn vốn xoay vòng. Với số vốn đó, ông bắt tay vào làm mứt chuối phồng. Đây là sự cách tân so với mứt chuối (hay còn gọi kẹo chuối), một những sản phẩm truyền thống không thể thiếu trong những ngày đầu năm của người dân miền Tây. Mứt chuối phồng hương vị vừa lạ vừa ngon, kết hợp hài hòa giữa độ béo và độ giòn của bánh phồng.

Sản phẩm lạ, ngon và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên thương hiệu mứt chuối phồng Phước Thạnh nổi tiếng gần xa. Sản lượng ước đạt từ 5 - 6 tấn/năm. Với giá 120.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí, mang lại thu nhập cho gia đình cựu chiến binh Võ Phước Thạnh gần 390 triệu đồng/năm.

Là người thường xuyên đặt mua sản phẩm để gửi cho thân nhân ở nước ngoài, chị Nguyễn Thị Hồng, ngụ cùng xã cho biết: Sản phẩm mứt chuối phồng Phước Thạnh có chất lượng, hợp khẩu vị và giữ được truyền thống quê hương nên ai cũng thích.

Khi cuộc sống gia đình ổn định, cựu chiến binh Võ Phước Thạnh không quên những tháng ngày cực nhọc được mọi người hỗ trợ vốn ban đầu. Đến nay, qua 8 năm, ông vẫn đều đặn tham gia tổ hùn vốn giúp các hội viên khác có số vốn ban đầu an tâm sản xuất. Nhiều trường hợp cần vốn nhưng chưa đến lượt, ông cũng sẵn sàng cho mượn tạm để vượt qua khó khăn và không hề tính lãi.

Ngoài ra, cựu chiến binh Võ Phước Thạnh còn tận tình hỗ trợ mọi người, anh em đồng đội về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất nghề làm mứt chuối phồng. "Món này cũng dễ làm, chịu khó là làm được. Chỉ mong là họ thoát nghèo cho đỡ cực. Với lại, bà con làm nhiều thì khi liên kết lại sẽ đáp ứng được nhu cầu lớn của thị trường, qua đó cũng khẳng định thương hiệu sản phẩm của quê hương", cựu chiến binh Võ Phước Thạnh chia sẻ chân thành.

Không chỉ vậy, những lúc nhàn rỗi, ông còn cùng đồng đội đi xây cầu, đắp đường, sửa lại mái nhà cho bà con nghèo, vợ ông thì tranh thủ may chăn, gối để tặng những hoàn cảnh khó khăn. Những năm qua, nhiều cây cầu liên ấp, liên xã được bê tông hóa, nhiều tuyến đường sạch đẹp trong xã Tân Hòa đều có sự chung tay của người cựu chiến binh Võ Phước Thạnh. 

Gần đây nhất, ông tham gia cùng Hội Cựu chiến binh xã hoàn thành hai chiếc cầu nối liền xã Tân Hòa - Vĩnh Thới, Tân Hòa - Long Thắng, trị giá hơn 1,2 tỷ đồng và 4 tuyến đường với chiều dài hơn 4,5 km (mỗi tuyến đường dài hơn 1 km), trị giá gần 600 triệu đồng, đem lại niềm vui, sự phấn khởi của bà con.

Ông Võ Phước Thạnh nói, còn khỏe giúp được bà con được thì giúp, xem như là thể dục chân tay, góp chút công cho con em đến trường, bà con lưu thông hàng hóa được thuận tiện dễ dàng hơn.

Ông Lê Minh Điện, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Hòa không tiếc lời khen ngợi nói: Đây là một cá nhân tiêu biểu về sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, góp phần làm giàu cho gia đình, quê hương, trên bước đường xây dựng nông thôn mới. Cả gia đình cựu chiến binh là một tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tương trợ, giúp đỡ bà con, đặc biệt là đồng đội, đồng chí; tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương những lúc nông nhàn.

Dù ở tuổi lục tuần, nhưng với tinh thần cần cù, năng động, sáng tạo, chịu khó, cựu chiến binh Võ Phước Thạnh đã xây dựng được một cuộc sống bền vững, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, trở thành tấm gương cựu chiến binh làm kinh tế giỏi để mọi người học tập, noi theo.

Theo đó, mô hình làm mứt chuối phồng của ông được xem là một trong những mô hình hay, cần được nhân rộng trong phong trào "Cựu chiến binh xây dựng cuộc sống ấm no, bền vững" tại tỉnh Đồng Tháp.

Chương Đài (TTXVN)
Cựu chiến binh làm giàu bằng ý chí, nghị lực
Cựu chiến binh làm giàu bằng ý chí, nghị lực

Không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ, bằng nghị lực được tôi rèn và ý chí sắt đá, cựu chiến binh (CCB) Hoàng Văn Lại (ảnh), ở thôn Poọng, xã vùng cao Giao Thiện, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đã trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN