Chuyện về một 'thuyền trưởng' tài ba

Là người đưa ra những quyết định táo bạo, đưa mọi hoạt động của trường về giá trị thực, là người gieo mầm tri thức và truyền lửa tình yêu biển, đảo quê hương cho nhiều thế hệ giảng viên, sinh viên - đó là Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Thầy giáo Lương Công Nhớ giảng dạy cho sinh viên. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Ông là 1 trong 18 cá nhân được vinh danh tại chương trình "Vinh quang Việt Nam 2017 - Dấu ấn 30 năm đổi mới" tới đây.

Từng là sinh viên của trường và sau này là giảng viên Khoa Máy tàu biển rồi làm công tác quản lý nên Giáo sư, Tiến sĩ Lương Công Nhớ thấu hiểu từng phần việc nhỏ, kể cả những khi thăng trầm của ngành hàng hải... Chính sự trải nghiệm quý báu từ thực tiễn đó đã giúp ông và cộng sự tìm ra hướng đi chiến lược bền vững cho một trường Đại học trọng điểm quốc gia với mô hình quản lý mới có khả năng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tương lai và phục vụ "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" .

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam được công nhận là thành viên chính thức của Hiệp hội các trường Đại học Hàng hải khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (AMETIAP) nay là Hiệp hội Đào tạo và Huấn luyện Hàng hải toàn cầu (GlobalMET) năm 2002.

Đặc biệt, tháng 8/2004, trường trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các trường Đại học Hàng hải Quốc tế (IAMU). Đại học Hàng hải Việt Nam là trường đầu tiên áp dụng chuẩn quốc tế giáo viên, trường đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn ISO trong đào tạo và là một trong số ít trường đại học Việt Nam đầu tiên áp dụng chuẩn quốc tế cho sinh viên tốt nghiệp.

Trường hiện có 800 giảng viên, trong đó có 43 Giáo sư, Phó Giáo sư; 130 Tiến sĩ khoa học và Tiến sĩ; 680 Thạc sĩ. Trường đang đào tạo gần 40 chuyên ngành Đại học, 12 chuyên ngành Cao đẳng, 11 chuyên ngành Thạc sĩ và 8 chuyên ngành Tiến sĩ. Chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của nhà trường ổn định ở mức trên 3.600 sinh viên/năm học.

Trường đã liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với trên 30 trường đại học, học viện danh tiếng khu vực và thế giới như: Đại học Liege Vương quốc Bỉ, Đại học Hàng hải quốc gia Hàn Quốc, Đại học Hàng hải và Công nghệ Tokyo, Đại học Hàng hải Kobe, Đại học Hàng hải California...

Giờ thực hành của sinh viên Khoa Máy tàu biển, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Khi được hỏi điều gì tạo nên sự đổi mới đột phá, khác biệt ở Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Lương Công Nhớ chia sẻ: Tạo đột phá bằng quyết định táo bạo, thay đổi cách thức quản trị trường theo tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng, về tổ chức, nhân sự, tuyển dụng, tài chính; đưa mọi hoạt động của trường về giá trị thực; quốc tế hóa đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Cùng với đó là tạo sự đột phá trong sự đồng thuận cao, hướng đến tạo điều kiện cho mọi người có khả năng cống hiến hết mình, đãi ngộ tương xứng, tạo lập đội ngũ cán bộ trẻ có khát vọng; minh bạch hóa, công khai hóa mọi hoạt động; xây dựng môi trường làm việc "Trí tuệ - Sáng tạo - Trách nhiệm - Nhân văn".

Không chỉ là một nhà quản lý giỏi, Giáo sư, Tiến sĩ Lương Công Nhớ còn là chuyên gia đầu ngành và hiện là Chủ tịch Hội đồng thi Sĩ quan hàng hải quốc gia. Ông đã chủ trì đổi mới chương trình đào tạo ngành Hàng hải của Việt Nam đáp ứng yêu cầu công ước quốc tế về đào tạo STCW78/95, sửa đổi 2010. Kết quả là bằng cấp đào tạo hàng hải của Việt Nam được thế giới công nhận.

Ông cũng đã thực hiện 1 đề tài cấp Nhà nước, 6 đề tài cấp bộ, 15 đề tài cấp trường, đăng gần 80 bài báo khoa học trong nước và quốc tế; chủ trì nhiều hội nghị trong nước, quốc tế về hàng hải, và đã viết 8 giáo trình, sách chuyên khảo... Ông cũng đóng góp không nhỏ đưa số giải thưởng quốc gia, quốc tế của trường Đại học Hàng hải Việt Nam tính đến thời điểm này đạt trên 800 giải, trong đó giáo viên là trên 200, sinh viên là trên 500.

Giáo sư, Tiến sĩ Lương Công Nhớ còn nhận sứ mạng tiên phong thực hiện hàng trăm công trình nghiên cứu ở các lĩnh vực như: sử dụng nhiên liệu mới cho tàu thủy, chế tạo sản phẩm nội địa dùng trong công nghiệp tàu thủy, khai thác, bảo trì tàu thủy có giá trị, qua đó thực hiện tiết kiệm trên 700 triệu USD và thu về trên 500 triệu USD. Đặc biệt, là phát triển ngành, thực hiện thành công chủ trương của Chính phủ về nội địa hóa sản phẩm đóng tàu; giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật cho Hải quân...

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tiếp tục vươn xa, trở thành trung tâm hàng đầu khu vực và tiến tới tầm châu lục về định hướng, phát triển, triển khai, thực nghiệm các công nghệ mới trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển... Những bước đi vững chãi của trường Đại học Hàng hải Việt Nam đều có bóng dáng của vị "thuyền trưởng" tài ba - Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Lương Công Nhớ.

Đoàn Minh Huệ (TTXVN)
 300 đơn vị tham gia triển lãm hàng hải quốc tế
300 đơn vị tham gia triển lãm hàng hải quốc tế

Ban tổ chức triển lãm hàng hải Quốc tế lần 6 (INMEX) cho biết, sẽ có 300 đơn vị, thương hiệu đến các quốc gia trên thế giới cùng tham dự triển lãm hàng hải quốc tế tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 29 - 31/3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN