Cam Tân Mộc và câu chuyện của người phụ nữ dám "phá bỏ cây trồng truyền thống"

Chị Nguyễn Thị Chiếm (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) vinh dự được chọn là một trong 100 phụ nữ tiêu biểu được tôn vinh trong chương trình “Tự hào Phụ nữ Việt Nam” ngày 7/3 tới tại Hà Nội.

Không chỉ đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, chị Nguyễn Thị Chiếm (sinh năm 1964, ở thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) còn cho hàng trăm chị em khó khăn vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật để cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.


Quyết tâm tìm hướng đi mới


Được coi là tỷ phú có nhiều đất và cam nhất vùng nhưng chị Chiếm luôn giản dị, thể hiện chất mộc mạc của người nông dân miền núi. Vừa hướng dẫn công nhân cách chăm sóc cây, chị Chiếm chia sẻ: “Bao năm làm vườn quen tay rồi, giờ ngồi không thấy bức bí lắm”.

Chị Nguyễn Thị Chiếm (áo đen) thu hoạch cam tại trang trại của gia đình. Ảnh: TTXVN

Kể với chúng tôi về con đường dẫn đến thành công, chị Chiếm cho biết đã trải qua rất nhiều gian khó, nhất là áp lực tâm lý khi “dám” bỏ cây vải là cây truyền thống của địa phương để trồng cam, bưởi…Đó là vào năm 2009, cả xã Tân Mộc nhà nào cũng có một vườn vải. Tuy nhiên, cây trồng chủ lực của địa phương ngày càng giảm sản lượng, giá cả bấp bênh, lúc lên lúc xuống không ổn định. Chồng chị lúc ấy đang là Chủ tịch UBND xã Tân Mộc nên cũng luôn đau đáu tìm hướng nâng cao chất lượng và giá trị của cây vải, giúp bà con ổn định kinh tế.


Trăn trở cùng chồng nhưng chị Chiếm lại chọn hướng đi khác. Sau khi đi khắp nơi tìm hiểu, trồng thử nghiệm, chị Chiếm nhận ra cây cam rất hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Chị đã đưa ra một quyết định rất “táo bạo”, đó là phá bỏ toàn bộ 2 ha vải của gia đình (lúc ấy đang cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm) để trồng cam. Nói là làm, chị thuê xe đi Hưng Yên mua gần 2.000 cây cam giống về trồng thay thế cây vải.


Cách làm này của chị bị bà con trong làng không ủng hộ, thậm chí các cụ cao tuổi còn vào tận UBND xã gặp chồng chị để kiến nghị vì “Vợ của Chủ tịch mà lại phá đám, bỏ cây trồng truyền thống bao đời của địa phương để trồng một loại cây chưa biết hiệu quả ra sao”. Là một kỹ sư nông nghiệp, tin vào sự lựa chọn của vợ nhưng trên cương vị Chủ tịch UBND xã, anh vẫn lúng túng khi giải thích với dân làng vì khi chưa nhìn thấy hiệu quả trên thực tế .


Không phụ lòng tin của chồng, nỗ lực chứng minh cho bà con thấy hướng đi của mình là đúng đắn, chị Chiếm ngày đêm lăn lộn trên đồi cam, mời chuyên gia nông nghiệp về hướng dẫn, tư vấn…Cuối cùng, đất không phụ công người, ngay năm đầu tiên trồng thử nghiệm, đồi cam nhà chị đã có lãi gần 400 triệu đồng, gấp 4 lần so với trồng vải. Bà con trong xã dần dần đã thay đổi suy nghĩ, một số người đã đến hỏi kinh nghiệm để làm theo.


Thừa thắng xông lên, chị Chiếm dùng tiền lãi tiếp tục đầu tư mua thêm đất đồi mở rộng diện tích. Hợp đất và khí hậu, cây cam năm nào cũng tươi tốt và được mùa... Đến nay, gia đình chị có khoảng 7,5 ha cây ăn quả các loại, trong đó có 2 ha cam vinh, 1,5 ha cam đường canh và 4 ha bưởi da xanh, mỗi năm cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng.


Chứng kiến những thành công của chị, bà con trong làng đã dần tin tưởng và làm theo. Đến nay, toàn xã có tới 70% hộ trồng cam, nhiều gia đình giàu lên. Chồng chị dù không còn làm lãnh đạo xã nhưng đi đâu, anh cũng “mát mặt” với mọi người. Cái tên của chị được bà con nhắc đến với lòng ngưỡng mộ, nể phục.


Chủ tịch UBND xã Tân Mộc Vũ Duy Giáp cho biết: Cả xã hiện có khoảng hơn 400 ha cam và bưởi da xanh. Đời sống của người dân đã cải thiện rõ rệt, nhiều gia đình đã xây nhà lầu, mua xe hơi…Thành quả đó có sự đóng góp công sức chị Chiếm với vai trò tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cấu cây trồng của địa phương. Từ hiệu quả này, xã sẽ xây dựng Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng có quy mô, tiến tới mở rộng diện tích trồng cam trên toàn xã.


Giúp đỡ chị em cùng phát triển


Chị Nguyễn Thùy Linh, ở thôn Nam Điện, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam đang ra chồi non mơn mởn, báo hiệu một vụ mùa bội thu. Chị Linh có 1 ha với hơn 1.000 gốc cam, sản lượng cho gần 40 tấn. Theo giá thị trường 25.000 đồng/kg, năm ngoái, gia đình chị thu về hơn 600 triệu đồng.


Chị Linh cho biết, “cơ ngơi” này có được là sự giúp đỡ tận tình của chị Chiếm từ những ngày đầu. “Cách đây mấy năm, tôi được chị Chiếm thuê về để làm vườn, chăm sóc cam. Thấy hoàn cảnh khó khăn, chị Chiếm đã cho vay vốn mua đất đồi, hỗ trợ cây giống. Cả gia đình ngày đêm ăn ngủ với vườn cam. Có lãi, gia đình tiếp tục đầu tư thêm diện tích cho vụ sau, dần dần cũng đã thành công. Đến nay, gia đình tôi đã ổn định về kinh tế, con cái học hành đàng hoàng. Thực sự cảm ơn chị Chiếm rất nhiều”, chị Linh tâm sự.


Không chỉ gia đình chị Linh, nhiều gia đình ở xã Tân Mộc coi chị Chiếm là “ân nhân”. Theo nhận xét của chính quyền và Hội Phụ nữ địa phương, chị Chiếm sản xuất kinh doanh giỏi, mà còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội phụ nữ giúp phụ nữ thoát nghèo; tích cực tuyên truyền vận động, hướng dẫn hội viên thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế. 


Gia đình chị Chiếm đã giúp đỡ trên 100 chị khó khăn thiếu vốn sản xuất với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng không lấy lãi. Trang trại của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động/năm với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động vào mùa thu hoạch. Chị Chiếm bộc bạch: Nếu mình chỉ biết làm giàu cho cá nhân và gia đình mà không giúp đỡ người khác cùng phát triển, sự thành công đó cũng không có ý nghĩa.


Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Mộc Nguyễn Thị Nụ đánh giá, chị Chiếm không chỉ năng động, nhạy bén trong việc phát triển kinh tế, mà còn là một phụ nữ có tấm lòng bao dung. Đó là tấm gương sáng về tình đoàn kết cho chị em trong xã học tập, noi theo.


Với những thành công đó, chị Nguyễn Thị Chiếm được nhiều nông dân các trong và ngoài tỉnh tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Chị vinh dự nhận được tặng thưởng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.


Đỗ Bình (TTXVN)
Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Từ một anh bộ đội cụ Hồ về quê dựng nghiệp với hai bàn tay trắng và chưa có kinh nghiệm trồng trọt, sản xuất, ông Ngô Văn Cưng đã trở thành một nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi của vùng chuyên canh sầu riêng nổi tiếng tỉnh Tiền Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN