Trở thành tỷ phú trẻ nhờ trồng cam sành

Anh Phan Văn Chung (sinh năm 1973) ở ấp Phạm Thị Mến, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn được người dân nơi đây xem là tỷ phú trẻ của địa phương cũng nhờ cây cam sành, mỗi năm vườn cam của anh cho thu nhập đến vài tỷ đồng.

Anh Phan Văn Chung đang chăm sóc vườn cam cho ra trái nghịch vụ. Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN

Cam sành là loại cây ăn quả đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm qua, nhiều nông dân của tỉnh Vĩnh Long đã quyết tâm chinh phục loại cây được mệnh danh là “cây nhà giàu” này để làm giàu cho gia đình.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam đang phát triển xanh tốt, anh Chung kể, trước đây, gia đình trồng lúa và nhiều loại cây ăn trái khác, nhưng từ năm 1990 thấy trồng cây cam sành có lợi nhiều hơn nên quyết định chuyển đổi 10.000 m2 đất trồng lúa, cây ăn trái kém hiệu quả của gia đình sang trồng loại cây này.

Do ban đầu chưa có nhiều kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc cây có múi, nhất là đối với cây cam sành, ngoài ra xã Trà Côn lúc bấy cũng không có nhiều người trồng cam nên việc trao đổi, học hỏi kỹ thuật dường như không có, lứa cam đầu tiên vì đó mà không cho năng suất như mong đợi. Ngoài ra, đầu ra cho trái cam sành cũng rất khó khăn, thương lái không đến vườn mua nên vợ chồng anh phải vận chuyển hàng cây số để đem ra chợ bán.

Không nản chí, anh Chung dành nhiều thời gian tìm đến những vườn cam cho năng cao suất cao trong và ngoài tỉnh để trực tiếp học tập kinh nghiệm của nhà vườn về kỹ thuật bảo vệ, chăm sóc cây. Bên cạnh đó, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về sản xuất nông nghiệp được tổ chức tại địa phương và tham khảo trên sách, báo để chọn lọc những kiến thức bổ ích áp dụng vào vườn cam của mình. Theo anh Chung, mỗi vùng đất khác nhau cây cam cần có chế độ chăm sóc khác nhau, tuy nhiên nếu muốn vườn cam có hiệu quả phải cần rất nhiều yếu tố. Theo đó, điều quan trọng là phải chọn giống cam tốt và sạch bệnh, lựa chọn được vùng đất phù hợp để cây cam phát triển, sử dụng phân bón, thuốc đúng quy trình, kỹ thuật và chăm sóc vườn thường xuyên.

Sau nhiều vụ mùa đạt hiệu quả, anh chuyển đổi toàn bộ diện tích 22.000 m2 đất gia đình sang trồng cam. Đến năm 2014, anh tiếp tục thuê thêm 12 ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả của người dân xung quanh để mở rộng vườn trồng cam sành. Hiện tại, vườn cam của anh đã mở rộng đến 14 ha với hơn 60.000 gốc cam.

Anh Chung chia sẻ, nhiều nhà vườn trồng cam hiện nay muốn có nguồn lợi nhanh nên trồng cam với mật độ rất dầy, trung bình khoảng 5.000 cây/ha, cây này cách cây kia chỉ 1m. Cam trồng sau hơn 1 năm là đã cho trái và 2 - 3 năm là đốn bỏ vì năng suất giảm. Anh cho biết, thay vì để mật độ quá dày như thế, vườn cam của anh trồng thưa hơn, cây không bị che nắng nên phát triển tốt, vườn cam vì thế có thời gian thu hoạch lên đến 5 - 6 năm. Ngoài ra, nhiều nhà vườn để đến 100 trái/cây để thu hoạch nhiều hơn, riêng anh chỉ để khoảng 60 trái/cây. Nhờ vậy, vườn cam của anh Chung luôn cho trái to và đẹp, thương lái cũng tìm đến tận vườn để mua với giá cao hơn.

Theo anh Chung, trồng cam sành không dễ như nhiều ngưỡi vẫn nghĩ. Cây cam sành đòi hỏi vốn đầu tư và chi phí lao động lớn, người trồng cây cam bên cạnh kinh nghiệm và ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật để cho năng suất cao, còn phải nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, tình hình giá cả thị trường để có được lợi nhuận. Anh Chung cũng cho rằng, muốn đạt thu nhập cao thì phải xử lý cho trái vụ nghịch để tránh cảnh thu hoạch rộ rớt giá. Nói về kinh nghiệm xử lý cho trái vụ nghịch, anh Chung cho biết, muốn xử lý ra hoa vụ nghịch nhà vườn cần vệ sinh vườn sạch sẽ, bón vôi để diệt khuẩn và côn trùng gây hại, rãi phân để cây tạo mầm, sử dụng thuốc đúng quy trình, liều lượng để cây ra hoa, giữ trái cho đến khi thu hoạch.

Chí thú làm ăn, chịu khó học hỏi, kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp anh Chung xây dựng cho mình mô hình kinh tế khá vững. Với giá bán trung bình từ 20.000- 25.000 đồng/kg cam sành nghịch vụ, doanh thu vườn cam mỗi năm của anh Chung khoảng 13 tỷ đồng, lợi nhuận trên 6,5 tỷ đồng. Đây là mức thu nhập rất cao đối với hộ nhà vườn. Hiện tại, vườn cam của anh lúc nào cũng có khoảng 20 lao động địa phương để phụ giúp, những lúc cao điểm có gần 70 người làm việc tại vườn. Từ hiệu quả mang lại của vườn cam, một số hộ dân trong xã Trà Côn đã chủ động tìm đến học hỏi kinh nghiệm để áp dụng làm theo. Cùng với việc ngày ngày chăm sóc vườn cam, anh Chung còn dành thời gian giúp đỡ nhiều người trong xóm, thậm chí sang tỉnh khác hướng dẫn kỹ thuật trồng cam.

Ông Ngô Văn Hiểu- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Côn, huyện Trà Ôn cho biết, anh Phan Văn Chung là một nông dân chí thú làm ăn, biết lựa chọn cây trồng phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với hướng đi này, anh Chung và một số hộ dân nơi đây đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Năm 2015, anh Chung được nhận Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long vì có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2010- 2015. Anh Chung cũng là đại diện duy nhất của tỉnh Vĩnh Long được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016”.

Phạm Minh Tuấn (TTXVN)
Thoát nghèo nhờ biết chăn nuôi
Thoát nghèo nhờ biết chăn nuôi

Qua giới thiệu của lãnh đạo Hội Nông dân xã, chúng tôi tìm đến nhà ông Tủa Lừu A Tủa ở bản Sín Chải, huyện Phong Thổ (Lai Châu) là một trong những hộ điển hình phát triển kinh tế của xã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN