Mai một trang phục dân tộc

Huyện Định Hóa (Thái Nguyên) có 8 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Tày chiếm tỷ lệ gần 50% dân số. Tuy nhiên, trang phục truyền thống của dân tộc thì hầu như đã vắng bóng trong bản làng.

Cụ Đào Thị Chữ (80 tuổi, dân tộc Tày), thôn Thẩm Rộc, xã Bình Yên cho biết, từ mấy chục năm nay, ở thôn Thẩm Rộc không còn ai mặc trang phục dân tộc nữa. Nhiều người cao tuổi như cụ hiện cũng không giữ được trang phục truyền thống của dân tộc mình. Ngày thường cũng như trong các dịp lễ, Tết, hiếu, hỉ… bà con đều mặc quần áo như người miền xuôi. “Ngày về đây làm dâu, tôi có mang theo một bộ trang phục dân tộc Tày, nhưng cũng ít khi mặc đến. Về sau, bộ trang phục bị gián cắn thủng lỗ chỗ, thế là phải bỏ. Giờ thì tôi không còn bộ trang phục dân tộc nào nữa. Ở vùng này, cũng không còn gia đình nào biết dệt vải, nhuộm chàm để may trang phục dân tộc nữa”.

Cụ Đào Thị Chữ kiểm tra lại các bộ trang phục dân tộc cũ của mình.

Không chỉ ở Thẩm Rộc, mà tại hầu hết các thôn, xóm của người Tày ở các xã vùng sâu, vùng xa như Đồng Thịnh, Phượng Tiến, Điềm Mặc, Bình Yên, Phú Đình…, đều vắng bóng trang phục dân tộc. Tại thôn Ru Nghệ 2, một thôn đi đầu trong phong trào văn hóa, văn nghệ của xã Đồng Thịnh, cũng không một ai còn giữ được trang phục truyền thống của dân tộc mình. “Mỗi khi trong thôn tổ chức lễ hội hay biểu diễn văn nghệ, bà con lại chạy ra thị trấn Chợ Chu thuê trang phục, biểu diễn xong thì trả ngay! Một số hộ gia đình kinh tế khá giả khi tổ chức cưới hỏi cho con thì cũng chỉ thuê áo dài để mặc chứ không ai mặc quần áo dân tộc nữa”, ông Ma Văn Cười, Trưởng thôn Ru Nghệ 2, cho biết.

Theo bà Lộc Kim Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, huyện đang tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu được những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, từ đó có ý thức tự bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của dân tộc như: Mặc trang phục dân tộc trong những dịp lễ, Tết, những sự kiện chính trị, các ngày hội văn hóa thể thao, trong lễ hội Lồng tồng ATK, trong các sự kiện lớn của địa phương và của huyện, từ đó để các thế hệ trẻ cũng có ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc tốt hơn.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Bảo tồn trang phục dân tộc truyền thống: Vai trò quan trọng của cộng đồng
Bảo tồn trang phục dân tộc truyền thống: Vai trò quan trọng của cộng đồng

Loạt bài "Bảo tồn trang phục dân tộc truyền thống" đăng trên báo Tin Tức số ra từ ngày 23-25/12/2013 đã nhận được sự quan tâm và đóng góp ý kiến của nhiều độc giả, bao gồm các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và cả những đồng bào là người dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN