Cụ bà nghèo tình nguyện hiến đất xây dựng nông thôn mới

Đã 72 tuổi, đau ốm liên miên, sống đơn thân trong nghèo khó, cuộc sống hiện tại chỉ nhờ vào hơn một sào lúa và 360.000 đồng/tháng tiền trợ cấp người tàn tật của nhà nước; nhưng cụ Triệu Thị Bỉnh, ở thôn 13, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, vẫn tự nguyện hiến hàng trăm m2 đất để xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Cụ Triệu Thị Bỉnh, ở xã Minh Xuân, Lục Yên, Yên Bái.



Không mấy khó khăn để chúng tôi tìm được nhà cụ Bỉnh. Nằm thọt lỏm giữa những cây cọ lâu năm, tán lá lòe xòe, khiến cho căn nhà của cụ Bỉnh càng trở nên nhỏ bé. Gọi là nhà, nhưng thực chất chỉ như một túp lều tạm của những người làm nương dựng lên để lấy chỗ ngủ trưa. Cột nhà cũng chỉ là những cây gỗ tạp to bằng cổ chân, còn chiều cao của cửa vào nhà thì không quá 1,5m, khách muốn vào nhà phải cúi người nếu không muốn đầu chạm phải mái cọ.

Trong ngôi nhà rộng chưa đầy 20 m2, tài sản lớn nhất chỉ là chiếc giường cũ kỹ với đống chăn màn đã ngả màu thời gian. Vậy mà, trong suốt 20 năm qua, kể từ ngày 6 người con của cụ lớn khôn, xây dựng gia đình và ra ở riêng, cụ Bỉnh vẫn lủi thủi một mình sống trong căn nhà này.

Già yếu, nghèo khó là vậy nhưng cụ vẫn có những việc làm đầy ý nghĩa, cao cả, khiến nhiều người phải suy nghĩ, khâm phục. Năm 2012, thôn 13, xã Minh Xuân có kế hoạch xây dựng nhà văn hóa, nhưng lại không có quỹ đất cho việc này. Cụ Bỉnh đã quyết định hiến tặng cho thôn hơn 300 m2 đất thổ cư, trị giá gần 80 triệu đồng. 

Sống trong cảnh nghèo khó nhưng cụ Bỉnh sẵn sàng hiến đất làm nhà văn hóa.


Quyết định của cụ bị con cháu trong dòng họ phản đối quyết liệt, vì nếu bán diện tích đất trên đi thì số tiền thu được sẽ đủ để xây ngôi nhà, cụ không còn phải chịu cảnh nhà tranh vách nứa. Thế nhưng, sau khi nghe cụ giải thích rằng: “Đóng góp cho tập thể, cho Nhà nước chính là đóng góp cho bản thân, cho con cháu và những thế hệ tương lai của mình”, thì các con, cháu của cụ lại nhiệt tình ủng hộ và lấy đó là niềm tự hào về người mẹ, người bà của mình. Ông Nguyễn Văn Hợi, hàng xóm của cụ khẳng định: “Nếu không có việc làm của cụ Bỉnh thì việc xây dựng nhà văn hóa thôn sẽ trở nên rất khó khăn. Dân làng chúng tôi ai cũng biết ơn và tự hào về việc làm của cụ”.

Năm 2014, nhà văn hóa thôn 13 hoàn thành. Nhìn công trình rộng rãi, khang trang, ai ai cũng vui mừng, phấn khởi thầm cảm ơn cụ bởi người dân có nơi hội họp, trẻ con trong thôn lại có nơi để sinh hoạt, múa hát. Kể từ đó đến nay, mỗi tuần hai buổi, cụ lại sang nhà văn hóa để quét dọn, trông nom, mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Nhả miếng bã trầu, cụ phấn khởi tâm sự: “Từ ngày có nhà văn hóa thôn, tôi thấy như khỏe hẳn ra. Tôi nghĩ làm đẹp cho nhà văn hóa chính là làm đẹp cho thôn và cho chính mình, nên tôi chẳng đòi hỏi gì cả và thấy rất vui vì đã làm được những việc có ý nghĩa”.

Ông Hoàng Văn Viện, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Xuân nhận xét: “Cụ Bỉnh không chỉ là tấm gương sáng của thôn 13 mà còn là gương sáng của cả xã, của cả huyện này. Không chỉ hiến đất làm nhà văn hóa, cũng năm 2012, cụ Bỉnh còn hiến tặng hơn 60 m2 đất trồng lúa để mở rộng con đường liên thôn. Chúng tôi luôn cố gắng nhân rộng nhiều tấm gương như thế để nhà nhà, người người lấy đó mà học tập, làm thật nhiều việc tốt, đóng góp cho sự phát triển của địa phương, nhanh chóng thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.”


Trung Kiên
Hiến đất mở đường, tạo hướng thông thương
Hiến đất mở đường, tạo hướng thông thương

Đó là chia sẻ của ông Bàn Văn Lạc, thôn Trì Thượng 2, xã Trì Quang, huyên Bảo Thắng (Lào Cai), người đã hiến hơn 2.000 m2 đất rừng mỡ đang đến tuổi thu hoạch để mở đường giao thông vào thôn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN