08:06 11/08/2014

Gửi di chúc trực tuyến qua “Hộp đen cuộc sống”

Khi còn sống, bạn gửi hàng nghìn, thậm chí hàng triệu tin nhắn trực tuyến. Nhưng nếu bạn chỉ có thể gửi thêm một tin nhắn nữa thì sao? Bạn có thể nhờ đến dịch vụ “Hộp đen cuộc sống” để gửi tin nhắn này sau khi bạn không còn trên cõi đời này nữa.

Khi còn sống, bạn gửi hàng nghìn, thậm chí hàng triệu tin nhắn trực tuyến. Nhưng nếu bạn chỉ có thể gửi thêm một tin nhắn nữa thì sao? Bạn có thể nhờ đến dịch vụ “Hộp đen cuộc sống” để gửi tin nhắn này sau khi bạn không còn trên cõi đời này nữa.


Từ “Hộp đen cuộc sống”...


Ý tưởng của “Hộp đen cuộc sống” trên một trang web của Trung Quốc thực ra rất đơn giản: Bạn đăng ký làm thành viên và tải lên bất kỳ thứ gì bạn muốn, có thể là một bức ảnh bí mật, một suy nghĩ bất chợt, các tài liệu nhạy cảm hay chỉ đơn giản là lời vĩnh biệt. Khi bạn chết, trang web sẽ gửi dữ liệu bạn tải lên đến những người bạn muốn.

 

Người Trung Quốc cầu nguyện cho hành khách trên chuyến bay MH370. Ảnh: CNN


Li Jia, người sáng lập “Hộp đen cuộc sống” cho biết anh nảy ra ý tưởng này năm 2010 khi đang đi trên một chuyến máy bay gặp nhiều sự cố. Anh tâm sự: “Tôi vừa mới ly dị và tôi nhận thấy tôi có rất nhiều điều muốn nói với vợ cũ, con trai và bố mẹ”.


“Hộp đen cuộc sống” đã trở thành một chủ đề được bàn luận sôi nổi trên các phương tiện xã hội Trung Quốc, đặc biệt là sau sự việc chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích bí ẩn và máy bay MH17 bị bắn rơi ở miền đông Ukraine.


Một thành viên mạng nói: “Sự cố của Hãng Hàng không Malaysia Airlines khiến chúng ta nhận ra rằng cuộc sống rất quý giá. Nếu một ngày nào đó, cuộc sống của bạn đột ngột chấm hết, bạn có điều gì hối tiếc không? Chúng ta nên tạo các di chúc trực tuyến vì chúng có ý nghĩa về mặt tình cảm”. Trong khi đó, một số khác cho biết vụ tấn công khủng bố ở nhà ga tàu hỏa Côn Minh và các vụ tấn công bằng dao gần đây đã khiến họ nghĩ đến việc đăng ký làm thành viên của “Hộp đen cuộc sống”.


Trang web của Li Jia đang có 360.000 người đăng ký sử dụng. Nhiều người trong số đó làm những công việc nguy hiểm hoặc đòi hỏi phải thường xuyên đi lại. Đa số ở độ tuổi 30 và 40. Kể từ vụ mất tích chuyến bay MH370 của Malaysia, hơn 28.000 di chúc trực tuyến đã được lập ra chỉ ở riêng tỉnh Giang Tô - nơi sinh sống của 14 hành khách đi trên chuyến bay này. 31 người có mặt trên chuyến bay đó có tên trùng với tên những người đã đăng ký sử dụng “Hộp đen cuộc sống”. Tuy nhiên, trang web chưa xác nhận mối liên hệ nào vì nhiều người Trung Quốc có tên giống nhau.


... đến mộ ảo


“Hộp đen cuộc sống” không phải là trang web Trung Quốc duy nhất có chủ đề về cái chết. Một trang web khác tên là Waheaven có hơn 3 triệu người sử dụng đã cho phép họ tạo mộ phần trực tuyến. Người sử dụng chỉ cần tải ảnh của người đã mất lên và sau đó có thể tưởng nhớ người thân quá cố bằng cách thắp hương ảo hay đặt hoa ảo lên mộ.


Một trang web khác thậm chí còn tự tuyên bố là “ngôi nhà ảo” cho những linh hồn đã chết. Vào đây, người dùng có thể tưởng nhớ bất kỳ ai đã không còn trên cõi đời, từ Công nương Diana ở nước Anh cho đến Thành Cát Tư Hãn ở Mông Cổ.


Tuy nhiên, trang web tang tóc nhất phải kể đến là trang web của một người sử dụng mạng xã hội tên Lin Dongping. Từ năm 2011, tài khoản tiểu blog của Lin mang tên “Thông điệp cuối” đã rất phổ biến. Anh dùng nó để đăng lại những tin nhắn, thông điệp cuối cùng mà những người bình thường viết ra trên mạng xã hội trước khi chết. Đến nay, Lin đã sưu tập được những mảnh đời của hơn 1.500 người đã khuất. Sau mỗi câu chuyện được đăng lên, hàng ngàn người đã để lại những bình luận, lời chúc, cầu nguyện cho nhân vật.


Một phóng viên 30 tuổi đang hấp hối vì bệnh ung thư đã viết đoạn tweet cuối cùng: “Ca phẫu thuật đã kết thúc... Tôi thậm chí không ăn nổi cháo trong suốt sáu ngày qua... Đây là một trong những đòn tra tấn khổ sở nhất mà tôi từng trải qua”. Một người định tự tử đã viết: “Tôi chán nản nên tôi chỉ còn cách chết mà thôi. Không có lý do gì to tát cả. Đừng quan tâm nhiều quá. Vĩnh biệt”.


Lin cho biết mục đích của anh là trân trọng ký ức của người đã khuất, cho dù họ có chết vì lý do gì đi chăng nữa. Lin nói: “Khi người ta chết đi, thông tin kỹ thuật số là di sản của họ. Tôi chỉ đang làm công việc của một nhà sư là thực hiện nghi thức tang lễ cho họ”.


Xét cho cùng, những dịch vụ kiểu như “Hộp đen cuộc sống”, Weheaven hay “Thông điệp cuối” muốn nhắn nhủ đến chúng ta rằng, chúng ta sẽ không cô đơn ngay cả khi đã chết.


Thùy Dương