05:09 30/05/2011

Gregor MacGregor và cú lừa mang tên “Vương quốc Poyais” - Kỳ 1: Âm mưu hoàn hảo

Vào một sáng tháng 1/1823 lạnh giá, một nhóm người Xcốtlen nhổ neo đến đất nước Poyais - một vùng đất ở Trung Mỹ mà họ nghe kể là thiên đường, nơi vàng và kim cương nhiều như sỏi đá còn lúa thì tự mọc. Khi đến nơi, cái mà họ nhìn thấy chỉ là một hòn đảo lầy lội, hoang vu.

Vào một sáng tháng 1/1823 lạnh giá, một nhóm người Xcốtlen nhổ neo đến đất nước Poyais - một vùng đất ở Trung Mỹ mà họ nghe kể là thiên đường, nơi vàng và kim cương nhiều như sỏi đá còn lúa thì tự mọc. Khi đến nơi, cái mà họ nhìn thấy chỉ là một hòn đảo lầy lội, hoang vu. Những người cả tin này đã trở thành nạn nhân của một trong những âm mưu lừa đảo tinh vi nhất lịch sử. Mảnh đất họ bỏ tiền đầu tư thực ra không hề tồn tại mà chỉ có trong miệng của Gregor MacGregor - kẻ chủ mưu tự xưng là Vua Poyais.

Chân dung ông vua Poyais tự xưng Gregor MacGregor.


Với dáng vẻ cao ráo, bộ râu rậm rạp, Gregor MacGregor - một quân nhân Xcốtlen - có vẻ ngoài rất ấn tượng trong bộ quân phục bảnh bao khi anh ta đi thuyền vào nước Anh. Bên cạnh anh ta là người vợ xinh đẹp, cháu gái của lãnh tụ phong trào giải phóng Mỹ Latinh nổi tiếng Simon Bolivar. Đi cùng nhau, có lẽ họ là một trong những cặp vợ chồng danh giá nhất trong xã hội thượng lưu. Tuy nhiên, Gregor MacGregor không muốn chỉ dừng lại ở đó.
MacGregor sinh vào đúng đêm Giáng sinh năm 1786 tại Edinburgh, Xcốtlen. Bố là đại úy Daniel MacGregor, còn mẹ là Ann Austin. Năm 1803, anh ta gia nhập Hải quân Hoàng gia. Hai năm sau, MacGregor kết hôn với một phụ nữ tên là Marie Bowater nhưng chẳng bao lâu đã góa vợ. MacGregor có một thời gian phục vụ trong quân đội Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, sau quay về Edinburgh.

Tuy nhiên, Xcốtlen không thể giữ chân một con người tham vọng như MacGregor được lâu. Năm 1811, anh ta rời châu Âu đến Nam Mỹ. Tại đây, anh ta gặp gỡ nhà cách mạng Mỹ Latinh Simon Bolivar và gây được ấn tượng mạnh với nhà cách mạng này nhờ sự nhiệt huyết, lòng dũng cảm và có tài lãnh đạo quân đội. MacGregor về sau còn được phép cưới cô cháu gái xinh đẹp của ông Bolivar, đó là Josefa Andrea Lovera.

Trong vai trò một tướng lĩnh xuất sắc, MacGregor đã lập được nhiều chiến công chói lọi khiến công chúng Xcốtlen nói riêng và nước Anh nói chung rất mến mộ và tin tưởng.

Cuốn sách hướng dẫn liệt kê chi tiết vị trí địa lý và nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của Vương quốc Poyais.


Tuy nhiên, trong trường hợp của MacGregor, danh tiếng không mang lại cho anh ta sự giàu có, tiền bạc. Thế giới của những người giàu ngày càng cuốn hút MacGregor một cách mạnh mẽ.

Từ năm 1817 đến năm 1820, MacGregor hoạt động như một tên cướp biển, chuyên tấn công thành trì của quân Tây Ban Nha ở vùng biển Caribê và bờ biển Florida - vùng đất lúc đó còn nằm trong tay người Tây Ban Nha. Anh ta đã lập được một số thành tích như chiếm được đảo Amelia ngoài khơi Florida năm 1817.

MacGregor định bán đảo Amelia cho Mỹ rồi sau đó xâm chiến phần còn lại của Florida. Tuy nhiên, kế hoạch bất thành, anh ta buộc phải bán hòn đảo cho một tay cướp biển khác rồi lại tiếp tục rong ruổi ở Caribê. Dù vậy, MacGregor không hề nản chí. Năm 1820, anh ta nảy ra một ý tưởng mang lại cho bản thân danh tiếng và tiền bạc nhưng kết cục lại là sự khinh rẻ và nguyền rủa của người đời.

MacGregor cùng một đoàn tùy tùng hoàng gia giong buồm đến bờ biển Mosquito - một vùng đầm lầy của Trung Mỹ. Tại đây, MacGregor kết thân với George Frederic Augustus - người được coi là vua của vùng đất này. Trong một cuộc gặp hồi tháng 4/1820, MacGregor chuốc cho Augustus say mèm bằng rượu whisky và rum rồi dụ ông ta ký một thỏa thuận bất bình thường.

Theo thỏa thuận đó, MacGregor được cấp vĩnh viễn hơn 3.200.000 ha đất dọc bờ biển và sâu trong đất liền. Khi tỉnh rượu, Augustus muốn rút lại những gì đã ký kết nhưng “bút đã sa”. Ông ta đành ngậm ngùi chia đất cho MacGregor.

Có trong tay một vùng đất rộng lớn, MacGregor và vợ ngay lập tức khởi hành về Anh. Tại thủ đô Luân Đôn, anh ta tự tổ chức một bữa tiệc hoành tráng để công bố mình trở thành Vua Gregor Đệ Nhất của Vương quốc Poyais - cái tên mà anh ta chọn để đặt cho vùng đất vừa cuỗm được.

Thời đó, nước Anh vừa trải qua chiến tranh châu Âu thành công nhưng cũng bị sa sút về kinh tế. Lối sống thắt lưng buộc bụng thời hậu chiến khiến một bộ phận người Anh ham mê đánh bạc. Tầng lớp trung lưu ở Anh lúc đó cũng có thú đầu tư vào chứng khoán, săn cổ phiếu, cổ phần trong mọi loại dự án nước ngoài. Chính môi trường đó đã giúp MacGregor hốt bạc trong mưu đồ làm giàu bất chính ở Xcốtlen và Anh.

Kế hoạch lừa đảo của anh ta là kiếm tiền từ vùng đất gọi là Vương quốc Poyais. Một mặt, anh ta gây một số vốn khoảng 200.000 bảng Anh (khoảng hàng triệu bảng theo thời giá hiện nay) bằng cách phát hành 2.000 trái phiếu mệnh giá 100 bảng. Mặt khác, anh ta bán đất ở Poyais.

Để thực hiện được âm mưu này, MacGregor đã cho tiến hành một chiến dịch tiếp thị tinh vi và trơ tráo nhằm quảng cáo về “Vương quốc Poyais”. Anh ta vẽ ra một vùng đất màu mỡ, trù phú với khí hậu trong lành và những thành phố văn minh, xinh đẹp. Poyais được quảng cáo là có nhiều nhà thờ tráng lệ, nhiều tòa nhà nguy nga, nhiều cảnh đẹp không thể tưởng tượng nổi. Thủ đô St Joseph thì được tô vẽ không tiếc lời. Theo lời MacGregor, Poyais là nơi mà vàng bạc, kim cương, ngọc trai “nhiều như sỏi đá” và lúa tự mọc mà không cần gieo hạt. MacGregor thậm chí còn in sách, tài liệu, bản đồ giới thiệu về Poyais.

Chiến dịch quảng bá thành công rực rỡ. Dân chúng Anh như phát điên lên với Poyais và đổ xô đầu tư vào vùng đất có sức hấp dẫn không thể cưỡng nổi này.

Thùy Dương

Đón đọc kỳ 2: Nạn nhân của “Vương quốc Poyais”