Vì nền hành chính minh bạch, hiệu quả

Cuộc sát hạch công chức vừa được tỉnh Đồng Tháp công bố với kết quả thật bất ngờ: Trong số 1.200 công chức được sát hạch, có tới 240 công chức cấp xã (20%) không đạt yêu cầu. Đáng lưu ý, có những cán bộ còn không thuần thục các kỹ năng cơ bản như đóng dấu, soạn thảo văn bản…

Còn kết quả khảo sát của Bộ Nội vụ gần đây cũng không mấy khả quan: Trong bộ máy hành chính chỉ có 40% công chức đủ chuẩn, 40% thiếu một vài tiêu chuẩn, 20% thiếu chuẩn trầm trọng và không thể giao việc.

Những con số vừa nêu đã cho thấy công tác tuyển dụng cũng như chất lượng công chức đang có vấn đề. Câu hỏi được đặt ra, vậy còn bao nhiêu công chức không biết đóng dấu nếu thực hiện một cuộc khảo sát trên phạm vi cả nước? Nhiều ý kiến cho rằng, chuyện ở Đồng Tháp là một thực tại đáng buồn và đáng báo động. Nhưng dẫu sao, địa phương này đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, không lấp liếm, che đậy… Điều này không phải địa phương nào cũng làm được.

Cách đây chưa lâu, khi đề cập đến cải cách thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: Trong bộ máy hành chính có tới 30% công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào. Do vậy, muốn nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, phục vụ cho việc xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả; thì không còn cách nào khác là phải nhanh chóng loại bỏ những công chức kiểu như vậy.

Lâu nay, dư luận thường phàn nàn, thậm chí thể hiện thái độ gay gắt về thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ trong bộ máy công quyền nhũng nhiễu, gây phiền hà, ứng xử thiếu nhã nhặn... Có lẽ cũng xuất phát từ bố trí việc làm cho công chức thiếu chính xác. Những biểu hiện vừa nêu, không chỉ là những hạt sạn trong bộ máy hành chính Nhà nước, mà còn trở thành vật cản lớn trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền. Nguyên nhân là do việc đánh giá chất lượng cán bộ còn thiên vị, cào bằng; cơ chế tuyển dụng, bố trí không đúng người, đúng việc; kỷ luật còn mang tính hình thức; khen thưởng, bình bầu thi đua không công bằng...

Gần đây, cả nước đã áp dụng phương pháp xác định vị trí việc làm để tìm ra những công chức cần sử dụng cho phù hợp, chính xác. Phương pháp này tuy mới triển khai thực hiện, nhưng là bước chuẩn bị cần thiết cho lộ trình chuẩn hóa công chức. Vấn đề đặt ra, quá trình tổ chức thực hiện phải thật sự dân chủ, quy trình chặt chẽ, phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung của cấp ủy đảng, sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể và vai trò của người đứng đầu. Có như vậy việc xác định vị trí việc làm mới khả thi và phát huy hiệu quả trong thực tế. Đây cũng là cơ sở để giám sát, đánh giá cụ thể những người làm được việc, người nào không hoàn thành nhiệm vụ để loại khỏi biên chế.

Vấn đề đặt ra, việc xây dựng vị trí việc làm là đòi hỏi cấp bách từ thực tế, nhưng mức độ thành công đến đâu còn tùy thuộc vào sự chuyển biến thực chất trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, ngành và của từng cán bộ, công chức, viên chức. Hay nói cách khác, bộ máy hành chính chỉ thực sự gọn nhẹ, hiệu quả khi nó được xây dựng trên nền tảng của nhận thức, trách nhiệm và hành động của từng cán bộ, công chức. Hơn nữa, chỉ khi có sự sàng lọc kỹ càng, sự đánh giá minh bạch, khách quan, công bằng thì mới mong chất lượng nền hành chính công vụ được cải thiện.
Yến Nhi
Ý thức không từ trên trời
Ý thức không từ trên trời

1. Mỗi khi nói đến tai nạn và ùn tắc giao thông, ngoài các yếu tố như phương tiện nhiều, chất lượng kém, đường sá không phát triển kịp so với sự gia tăng của phương tiện… thì hầu hết mọi người đều cho rằng, nguyên nhân chính là do ý thức của người tham gia giao thông. Vậy, ý thức ấy từ đâu mà có?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN