Vị đắng của “cà phê pin”

Với việc đưa ra thị trường các thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn, những người sản xuất vô lương tâm đã không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo làm người, bởi lẽ đã đầu độc sức khỏe của hàng loạt đồng loại.


Tại Đắk Nông, một tỉnh Tây Nguyên, nơi “thủ phủ” cà phê của cả nước, lực lượng chức năng khi kiểm tra một cơ sở chế biến cà phê bột đã phát hiện hàng chục tấn cà phê "bẩn" được trộn lẫn với đất, bột đá và 12 tấn phế phẩm hạt cà phê trộn với bột đen trong pin Con ó chuẩn bị đem đi tiêu thụ. 

Những chậu "nguyên liệu cà phê" được phát hiện trong vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở chế biến. Ảnh: Nguyễn Ngọc Minh - TTXVN phát

Thông tin trên không chỉ gây chấn động trong những người nghiền cà phê, mà còn khiến tất cả những người tiêu dùng rùng mình. Cà phê trộn lẫn với chì than trong pin? Ngưỡng chịu đựng của khách hàng xem ra đã vượt quá giới hạn.

Theo các chuyên gia y tế, loại “cà phê” này, bên cạnh khả năng gây ngộ độc thực phẩm tức thì cho người sử dụng, còn có thể tấn công dữ dội vào chức gan, thận, hệ tiêu hoá, xương, răng và phá huỷ cơ quan tạo máu của con người. Thực phẩm bẩn có thể tàn phá ngay lập tức và lâu dài đến sức khoẻ và thậm chí cả tính mạng của người tiêu dùng.

Không khó để xác định lý do khiến chủ cơ sở sản xuất cà phê trộn bột pin có thể “sáng tạo” nên công thức pha chế khủng khiếp này. Điểm lại những vụ việc trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm từ trước tới nay như tiêm thuốc an thần vào lợn, ngâm măng trong chất vàng ô, dùng chất tẩy huỳnh quang tẩy bún, phở…thì thấy rằng mức độ nghiêm trọng của các vi phạm đã ngày một tăng lên. Có những chủ cơ sở sản suất thanh minh rằng không ý thức được mức độ độc hại của việc pha trộn các chất cấm, nhưng đó chỉ là những lời biện bạch. Xuất phát từ lòng tham không đáy, các chủ cơ sở sản xuất vô lương tâm đã dẫm đạp lên sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng, miễn sao thu được lợi nhuận cao nhất. Hậu quả của các hành vi bất lương này không chỉ khiến xã hội dày thêm gánh nặng bệnh tật, mà còn ngày càng khiến cho niềm tin vào các sản phẩm trong nước bị xói mòn. 

Trong ngành cà phê, lâu nay, xã hội đôi lúc có vẻ đã “bão hoà” với thông tin cà phê sản xuất từ bột bắp, bột đậu nành, hương liệu, thậm chí cả phẩm màu. Bão hòa đến mức, người ta có thể chấp nhận một dòng sản phẩm cà phê nào đó, miễn là hợp khẩu vị, dù biết là có thể đã bị pha trộn rất nhiều. Việc làm giả, pha trộn còn được coi như đương nhiên, khi cũng trong ngành cà phê, có những cơ sở sản xuất lớn, dù dán nhãn “100% nguyên chất” nhưng chỉ có rất ít hàm lượng caffeine, thậm chí không có caffeine. Họ cũng đã “sáng tạo” khi cho nguyên liệu, hương liệu hóa chất vào khiến thành phần và tỉ lệ cà phê trong sản phẩm cà phê của Việt Nam bị thay đổi. Hành vi này so với vụ “trộn pin” thì có thể chưa gây độc hại trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dùng, nhưng uy tín và thương hiệu của cà phê Việt ở cả trong nước và thị trường quốc tế thì chắc chắn bị ảnh hưởng. Và cũng không loại trừ, việc ngang nhiên “sáng tạo”  nên công thức “cà phê pin” độc hại ngày hôm nay, cũng chính là bước “phát triển” của những hành vi pha trộn cà phê không theo  một quy chuẩn nào trước đó.

 Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến phẫn nộ đòi hỏi cơ quan chức năng phải xử thật nặng, thật nghiêm những trường hợp cố tình đầu độc người tiêu dùng thông qua sản xuất các sản phẩm độc hại. Chỉ có nghiêm trị, không chỉ là phạt hành chính để rồi cơ sở này đóng cửa, cơ sở sản xuất độc hại khác lại mọc lên ở địa chỉ khác;  mà cần thì tùy mức độ có thể xử lý hình sự, bởi hành vi này không khác gì “giết người hàng loạt”. Có như vậy mới hy vọng đủ sức răn đe đối với những cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang có ý định “làm liều”.

Song song, cần cơ chế giám sát chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa để ngăn chặn những hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất cả cơ sở kinh doanh, sản xuất cà phê nói riêng và thực phẩm nói chung, bên cạnh việc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân sự…, thì còn phải được kiểm tra thường xuyên, nghiêm túc hơn nữa về việc tuân thủ các quy trình sản xuất. Mỗi địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong việc giám sát các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Mỗi người dân, cũng là những người tiêu dùng, cần nâng cao hơn nữa ý thức về việc tiêu thụ sản phẩm “sạch”, quyết liệt tẩy chay những cơ sở sản xuất, nhãn hàng… có “vết đen”, hoặc những sản phẩm đáng ngờ về mặt chất lượng. Các hiệp hội, ngành nghề, nhất là các ngành nghề chế biến thực phẩm, trong đó có ngành cà phê cần nhanh chóng xây dựng một bộ khung quy chuẩn trong chế biến và yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm, từ đó có căn cứ cho hoạt động kinh doanh, cũng như tiêu dùng của xã hội.

Áp dụng đồng thời các giải pháp và huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng, mới mong không còn nữa vị đắng khủng khiếp trong các sản phẩm thực phẩm bẩn và độc hại như ly “cà phê pin”.

Thùy Hương
Xử lý nghiêm vụ trộn hóa chất 'bẩn' vào phế phẩm cà phê
Xử lý nghiêm vụ trộn hóa chất 'bẩn' vào phế phẩm cà phê

Liên quan đến sự việc trộn phế phẩm cà phê (vỏ cà phê, hạt cà phê loại thải xay nát) với đá xay, sau đó nhuộm đen bằng hóa chất hòa với bột than từ lõi pin tại Đắk Nông vừa bị các đơn vị chức năng tỉnh phát hiện bắt giữ, ngày 18/4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, cần phải xử nghiêm khắc hành vi này để tạo sức răn đe, không để tái diễn các vụ việc tương tự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN