Vết trượt…

Dư luận những ngày qua râm ran chuyện cầu thủ của Sông Lam Nghệ An (SLNA), cựu tuyển thủ quốc gia Huy Hoàng liên quan đến vụ tai nạn giao thông ở Thanh Hóa. Clip phát tán trên mạng ghi lại hình ảnh trung vệ này có những biểu hiện lạ: Chân tay múa may, miệng lẩm nhẩm - những biểu hiện nghi là bị "phê thuốc". Theo kết luận của Công an Thanh Hóa thì Huy Hoàng không “phê thuốc”, mà chỉ là “quá chén” khi điều khiển phương tiện giao thông và gây tai nạn. Song, dù thế nào thì người hâm mộ cũng không còn giữ được thiện cảm với Huy Hoàng, một thời được ví như “lá chắn thép” của đội tuyển quốc gia.


Chắc chắn sau sự việc trên, đã có một bản án lương tâm cho Huy Hoàng khi cầu thủ này tự xóa đi một biểu tượng mà anh đã dày công gây dựng trong người hâm mộ bóng đá nước nhà. Hơn thế, từ sự việc của Huy Hoàng và một loạt cầu thủ từng liên quan đến ma túy trong thời gian gần đây, dư luận đang đặt dấu hỏi về khả năng kiểm soát chất gây nghiện của các nhà quản lý bóng đá Việt Nam?


Thật ra, chuyện cầu thủ sử dụng chất kích thích không còn xa lạ với bóng đá Việt Nam. Cách đây vài mùa giải, Molina, cầu thủ khi còn khoác áo CLB Bình Dương đã chết khi dùng ma túy quá liều trong ngày nghỉ. Hai ngoại binh của SLNA là Kankam và Gordon đã có phản ứng dương tính với chất gây nghiện. Rồi hàng loạt cầu thủ trẻ ở Nghệ An cũng có phản ứng với chất gây nghiện trong một cuộc kiểm tra bất ngờ. Ở cấp độ cao hơn là đội tuyển quốc gia, Sỹ Mạnh từng bị công an bắt quả tang khi cùng một nhóm cầu thủ sử dụng thuốc lắc tại một sàn nhảy ở TP Hồ Chí Minh... Còn nhớ, những năm 1995-1998, SLNA có tiền vệ cực kỳ xuất sắc là Phan Thanh Tuấn. Khi được triệu tập vào đội tuyển quốc gia, chỉ được vài ngày, cầu thủ này đã nằng nặc xin về. Sau này người ta mới biết được nguyên nhân đích thực là Thanh Tuấn nghiện ma túy. Danh sách các “đàn em” bước theo vết xe đổ của Thanh Tuấn cũng không phải là ít. Đa số họ sau khi dính vào ma túy đều “thân tàn ma dại” và phải vĩnh viễn chia tay sự nghiệp sân cỏ. Chỉ một số ít khi trót sa chân vào “cái chết trắng” là đủ bản lĩnh để vượt qua cám dỗ làm lại cuộc đời (như tiền vệ Hồng Việt).


Không khó để nhận ra một cầu thủ có biểu hiện sử dụng ma túy, chất gây nghiện. Tuy nhiên, từ trước tới nay, chưa thấy câu lạc bộ nào lên tiếng nhờ cơ quan chuyên môn hỗ trợ kiểm tra. Mặc dù việc kiểm tra chất gây nghiện đã được đưa vào điều lệ giải, nhưng không phải lúc nào các cầu thủ, câu lạc bộ cũng sẵn sàng hợp tác, phối hợp với cơ quan chức năng để thực hiện.


Thậm chí, không loại trừ khả năng, câu lạc bộ khi phát hiện cầu thủ của mình vi phạm, là giấu nhẹm đi. Điều này khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi về công tác quản lý, giáo dục đạo đức cho các cầu thủ ở các câu lạc bộ khi tình trạng “đóng cửa bảo nhau” hay “ném chuột sợ vỡ bình” vẫn khá phổ biến. Từ thực tế trên cho thấy, công tác kiểm tra doping, chất gây nghiện ở các cầu thủ tại Việt Nam vẫn đang bị xem nhẹ.


Trở lại trường hợp của Huy Hoàng, hành vi của cầu thủ này không thể nói là không nghiêm trọng, ở chỗ, hành vi đó bắt đầu gây ảnh hưởng xấu ra bên ngoài sân cỏ, hay nói cách khác nó đã gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội. Sự việc trên nếu như tiếp tục được xuê xoa, không được xử lý đến nơi đến chốn, thì vết trượt đạo đức của cầu thủ sẽ thật khó lường.

 

Yến Nhi

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN