Văn minh đô thị Hà Nội

Hà Nội đang trong những tháng cuối của “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014”. Ba nhiệm vụ chính được Hà Nội xác định ngay từ đầu năm là thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường để thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp; tăng cường trật tự an toàn giao thông, bảo đảm đường thông, hè thoáng và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Chắc chắn, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ có cuộc tổng kết để nhìn nhận lại những mặt được và chưa được sau một năm qua. Nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận, dù các cấp chính quyền của Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, nhưng kết quả mang lại chưa đáp ứng được kỳ vọng là tạo sự chuyển mới, thực chất trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và của từng người dân Thủ đô về trật tự và văn minh đô thị.

Đối chiếu với nhiệm vụ được đặt ra, sẽ không khó để nhìn ra những hạn chế, bất cập của đô thị Hà Nội sau gần một năm nỗ lực của các cấp chính quyền thành phố. Đó là hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều chỗ, nhiều nơi còn nhếch nhác, lộn xộn; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, trông giữ xe trái phép, không phép diễn ra trên tất cả các tuyến phố. Nhiều nơi đường chưa thông, hè chưa thoáng, lòng đường, vỉa hè bị lấn chiếm, tình hình vi phạm pháp luật về an toàn giao thông diễn ra phổ biến. Tình trạng ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng, ý thức chấp hành các quy định về nếp sống văn hóa, văn minh thương mại, du lịch, công sở, giữ gìn vệ sinh môi trường của một số tổ chức, cá nhân có nhiều lúc, nhiều nơi thực hiện không nghiêm, đã làm xấu đi hình ảnh của Thủ đô văn hiến, nét thanh lịch của người Hà Nội.

Các nhà quản lý đô thị đã ví kiến trúc là bộ mặt, văn hóa là tâm hồn, còn hè, đường là mạch máu của đô thị. Một thành phố được gọi là văn minh, phát triển thì bộ mặt phải gọn ghẽ, tâm hồn phải sáng sủa và mạch máu phải thông thoáng. Thế nhưng, có một thực tế là "mạch máu" của thành phố ta lâu luôn tồn tại những bất cập đến phi lý. Đơn cử, tại rất nhiều tuyến phố lớn ở Thủ đô, tình trạng vỉa hè, lòng đường bị khai thác triệt để làm điểm trông giữ xe, nhất là trong bối cảnh Hà Nội phải căng sức để chống ùn tắc giao thông. Chưa kể, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự buông lỏng quản lý để thu phí vô tội vạ, bắt chẹt người dân, gây bức xúc dư luận. Đặc biệt, việc các điểm trông giữ xe trái phép mọc lên như nấm, cùng với tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh trái phép, không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, mà còn tạo ra những hệ lụy xấu, như cán bộ thoái hóa, biến chất, “phép vua thua lệ làng”, “trên bảo dưới không nghe”...

Đấy là chuyện trên vỉa hè. Còn dưới lòng đường, tuy được cải tạo thường xuyên, nhưng khi trải lớp mới, đơn vị thi công làm ẩu, ăn bớt công đoạn, không thực hiện đúng quy định là phải bóc lớp nhựa cũ trước khi trải lớp mới. Nhiều lần phớt lờ và thiếu kiểm tra, giám sát, thế nên nhiều tuyến phố ở Thủ đô, mặt đường cao hơn vỉa hè, nền nhà dân. Hậu quả, hễ cứ mưa xuống, nước mặt không thoát kịp, vỉa hè bị ngập và "phố hóa thành sông", gây ngập úng cục bộ và ùn tắc giao thông.

Xây dựng một Hà Nội đẹp hơn trong mắt người dân và bạn bè quốc tế về văn minh đô thị, xem chừng vẫn là mong muốn xa vời...

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN