Từ chuyện viên dầu cá

“Kinh hoàng…”, “Bàng hoàng…”, “Hãi hùng…”, “Giật mình…”, “Phát hoảng…”… là những từ được một số báo giật lên tít trong mấy ngày qua để nói về việc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Quảng Ngãi tiếp nhận phản ánh của người dân và thử nghiệm thì thấy viên dầu cá do người tiêu dùng cung cấp ăn mòn tấm xốp dày 5cm.

Thông tin lan truyền rất nhanh theo cấp số nhân, nhất là trên báo mạng và mạng xã hội khiến không ít người tiêu dùng hoang mang và cơ sở sản xuất, kinh doanh lo lắng.

Rất may, sau khi biết được thông tin này, ngay trong đêm 6/1/2016, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia đã tiến hành thử nghiệm đối với các loại dầu cá có nguồn gốc khác nhau như: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Việt Nam thì cho thấy, tất cả các loại dầu cá đều ăn mòn xốp. Đồng thời, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia tiến hành phân tích trên máy các thành phần của dầu cá và đến sáng ngày 7/1 đưa ra kết luận: Chưa phát hiện bất thường về ATTP đối với các sản phẩm dầu cá nói trên.

Theo lý giải của cơ quan chức năng và các nhà khoa học, việc viên dầu cá ăn mòn xốp là một hiện tượng bình thường của phản ứng hóa học giữa chất béo ester hóa (trong viên dầu cá) và polystyrene (thành phần của xốp). Điều đó đã kịp thời trấn an dư luận và tránh cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh viên dầu cá không bị rơi vào cuộc “khủng hoảng truyền thông”. Tuy nhiên, qua câu chuyện này cũng có những điều đáng để suy nghĩ, nhất là trong lĩnh vực truyền thông.

Trước đây, đã xảy ra không ít vụ các phương tiện truyền thông không kiểm chứng thông tin, đưa tin vội vàng gây hoang mang trong xã hội và thiệt hại nặng nề cho người sản xuất, trong đó có chuyện trứng gà giả, cá rô đầu vuông độc hại, mắm tôm làm lây lan dịch tả… Trở lại câu chuyện viên dầu cá, việc báo chí thông tin về phản ánh của người dân là cần thiết và chính đáng. Tuy nhiên, khi chưa rõ bản chất sự việc, chưa có cơ sở khoa học mà đã vội vàng dùng các từ “Kinh hoàng…”, “Bàng hoàng…”, “Hãi hùng…”, “Giật mình…”, “Phát hoảng…” để nói về một hiện tượng có liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là đã gián tiếp “kết tội” một sản phẩm, thậm chí là cả một dòng sản phẩm.

Trong khoa học pháp lý có nguyên tắc “suy đoán vô tội”; theo đó, một người chỉ có thể bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Cũng như vậy, một sản phẩm chỉ có thể được coi là độc hại khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng. Tiếc thay, trong quá khứ đã từng xảy ra tình trạng không ít nhà báo và cơ quan báo chí… làm thay cơ quan pháp luật, cơ quan chức năng để “kết tội” một con người, một sản phẩm và đã có những trường hợp “kết tội oan” gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là trả giá bằng sinh mạng con người.

Thông tin, nhất là trong thời đại thế giới phẳng và bùng nổ của công nghệ hiện nay cần nhanh. Nhưng nhanh không đồng nghĩa với việc suy đoán để đưa ra những kết luận vội vàng thay cho tòa án và các cơ quan chức năng, nhất là đối với những sự việc liên quan đến sinh mạng chính trị của con người hay sự sống còn của một cộng đồng, địa phương, doanh nghiệp.

Người xưa có câu: Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Truyền thông, nhất là trong thời đại ngày nay có sự ảnh hưởng rất lớn và lan truyền rất nhanh lại càng cần phải cẩn trọng trước thông tin mình đưa ra. Điều đó không những là đạo đức nghề nghiệp mà còn là sự tuân thủ pháp luật. Vì, thông tin không chính xác có thể giết chết một con người, một doanh nghiệp… theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Bùi Văn Doanh
Cần liều thuốc đặc trị
Cần liều thuốc đặc trị

Năm nào cũng vậy, cứ cận Tết Nguyên đán, số vụ kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn được phát hiện lại gia tăng, khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Thực ra, câu chuyện thực phẩm “bẩn” đã được dư luận cảnh báo từ nhiều năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN