Trách nhiệm với dân

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy, khi đề cập một số vấn đề của Luật Tiếp công dân chính thức có hiệu lực từ 1/7/2014. Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng, tiếp công dân là công việc hệ trọng. Cán bộ tiếp dân phải tận tụy, có trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Phải biết dân vận, chia sẻ, trọng dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân.

 

Có thể nói, việc tiếp dân là cầu nối để người lãnh đạo gần và sát dân hơn. Đây cũng là cơ hội để cán bộ lãnh đạo nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và những băn khoăn, trăn trở của nhân dân, từ đó có biện pháp giải quyết hợp tình hợp lý, tạo được niềm tin trong nhân dân, góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp. Đây cũng là thể hiện bản chất của nhà nước ta, một nhà nước của dân, do dân và vì dân.


Thực tế, thời gian qua, công tác tiếp dân chưa được các cấp các ngành, địa phương làm hết trách nhiệm. Một số địa phương chưa thực hiện tiếp công dân theo quy định; công tác tiếp dân còn mang nặng tính hình thức, thủ tục rườm rà, sai hẹn; nhiều vụ việc giải quyết còn chậm, chưa dứt điểm, thiếu công khai, minh bạch, còn đùn đẩy, né tránh. Theo Thanh tra Chính phủ, thông qua công tác tiếp công dân, có gần 30% vụ việc chưa được các cấp, các ngành giải quyết. Nguyên nhân là do cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác tiếp dân nên chưa quan tâm đúng mức đến công việc này. Thực tế chứng minh rằng, ở đâu cán bộ tiếp dân tâm huyết, trách nhiệm, ứng xử với dân có văn hóa, thì ở đó không có đơn, thư vượt cấp, khiếu kiện kéo dài.


Yêu cầu của cán bộ tiếp dân là phải có trách nhiệm với công việc được giao, tận tụy với dân, hiểu biết pháp luật, đặc biệt là phải đặt mình vào vị trí của người dân để kiên trì, chia sẻ, trân trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân... Tuy nhiên, ở một số nơi, cán bộ tiếp dân chỉ làm nhiệm vụ như văn thư cao cấp, bởi một phần chế tài không đầy đủ, cán bộ tiếp dân không chuyên nghiệp. Tại không ít địa phương, cơ sở, bố trí cán bộ tiếp dân là những người có trình độ, năng lực hạn chế, trách nhiệm thấp.


Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu Quốc hội thời gian gần đây cho thấy, một trong những vấn được cử tri hết sức quan tâm, đó là chất lượng, hiệu quả hoạt động, đặc biệt là cung cách ứng xử của cán bộ tiếp dân tại các phòng tiếp dân. Bên cạnh những cán bộ tiếp dân có trình độ, trách nhiệm, có phương pháp ứng xử văn hóa, thuyết phục, vẫn còn không ít những cán bộ chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri. Nhiều cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân lại thiếu hiểu biết về pháp luật, không nắm chắc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó dẫn đến thiếu tự tin, nóng nảy khi xử lý công việc. Đáng lo ngại, trong bộ máy công quyền hiện nay, vẫn còn những cán bộ quen thói quan liêu, nhũng nhiễu, hạch sách, nạt nộ dân... Đó là những biểu hiện xa lạ và hết sức nguy hiểm bởi nó làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ. Kinh nghiệm ở một số địa phương cho thấy, để công tác tiếp dân đạt được kết quả như mong đợi, đòi hỏi mỗi cán bộ làm công tác này, nhất là lãnh đạo chính quyền các cấp phải tận tụy, sát sao với công việc, vì lợi ích chung, không vì lợi ích cục bộ, thiểu số. Cán bộ thực thi nhiệm vụ, nhất là cán bộ lãnh đạo phải sâu sát, lắng nghe, đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hướng dẫn người dân, đôn đốc kiểm tra kết quả giải quyết những khiếu nại, tố cáo của dân, đề xuất giải quyết những bất cập. Chỉ khi nào người dân tin tưởng ở cán bộ tiếp dân và hoạt động của các phòng tiếp dân, thì khi đó mới chấm dứt được tình trạng đơn, thư vượt cấp, khiếu kiện kéo dài.


Hy vọng, khi Luật Tiếp công dân chính thức có hiệu lực, công tác tiếp dân sẽ có bước chuyển biến thực sự về chất.


Y.N

Đề nghị xử lý các lãnh đạo không tiếp công dân
Đề nghị xử lý các lãnh đạo không tiếp công dân

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị cần có qui định xử lý trường hợp người đứng đầu khi không thực hiện việc tiếp công dân, chứ không chỉ qui định trách nhiệm tiếp công dân của họ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN