TPP, cơ hội và thách thức

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hoàn tất khâu đàm phán, mở ra cơ hội cũng như những thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Một trong những điều khoản của TPP, các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài, các tập đoàn bán lẻ quốc tế sẽ tham gia vào thị trường của nhau. Điều đó cũng có nghĩa, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt về thị phần khi hàng hóa từ nhiều quốc gia tràn vào, cũng như thích nghi với các điều kiện gắt gao khi xuất khẩu hàng hóa.


Thử làm phép so sánh, có thể thấy rõ thế mạnh của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài là vốn, công nghệ, kinh nghiệm kinh doanh. Còn với doanh nghiệp Việt Nam, thế mạnh là họ hiểu rõ thị trường cũng như nhu cầu, thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng trong nước. Thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, các doanh nghiệp trong nước ý thức rõ cần có sự kết nối giữa sản xuất, cung ứng dịch vụ, đối tác, thị trường. Không những thế, các doanh nghiệp nội địa còn có sự ủng hộ của người tiêu dùng cũng như của các cơ quan, tổ chức trong nước. Ở cấp vĩ mô, đã có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước nắm bắt cơ hội phát triển. Nhiều chương trình kích cầu bước đầu đã phát huy hiệu quả, như cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu… đã và đang tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước. Những chính sách, chương trình hành động, công cụ kích cầu của Nhà nước thời gian qua cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách, phát triển thương hiệu của mình.

Khách quan mà nói, thì bên cạnh thách thức, việc đầu tư của các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam ở chừng mực nào đó cũng mang lại một số lợi ích: Người tiêu dùng trong nước có nhiều lựa chọn hơn; các nhà bán lẻ Việt Nam có cơ hội để học hỏi, phấn đấu sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt hòng chiếm lĩnh thị trường mới. Còn với các nhà quản lý, thì họ có điều kiện để hoàn thiện các chính sách cho thị trường, tiếp cận các kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, phát triển dịch vụ, quảng bá thương hiệu, chăm sóc khách hàng... Vấn đề đặt ra, muốn không bị lép vế và bị thâu tóm thị phần, các doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị kỹ càng và đồng bộ hơn. Ngay từ khâu sản xuất, cần có quy hoạch chi tiết trong tổng thể chuỗi giá trị chung và nâng cao tính định hướng đối với các thực thể sản xuất kinh doanh. Mặt khác, sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung hơn ở đầu nguồn và thượng tầng trong chuỗi giá trị, thay vì chỉ ở khâu sản xuất gia công, đầu tư công nghiệp hỗ trợ cũng cần có tương xứng hơn.

Hiện người tiêu dùng có thể ủng hộ hàng Việt thông qua cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhưng bản chất của vấn đề là phải sản xuất hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh, nguồn cung ổn định thì mới cạnh tranh bền vững với hàng ngoại nhập. Trong những năm gần đây, các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, giày dép, quần áo, thủ công mỹ nghệ, thủy hải sản... của Việt Nam đã thâm nhập vào thị trường nhiều nước với chất lượng ngày càng tăng. Tuy vậy, có gần 90% hàng Việt Nam vào thị trường thế giới thông qua trung gian dưới dạng thô, hoặc gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Đây là một sự yếu kém đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có lượng sản phẩm lớn xuất khẩu cần sớm có giải pháp khắc phục. Thực tế cho thấy, có rất nhiều sản phẩm - thị trường nội địa vẫn hết sức tiềm năng. Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải biết cách khai thác và chiếm lĩnh được thị phần.

Do vậy, ngoài việc liên kết trong sản xuất, các doanh nghiệp trong nước cần mở rộng hệ thống phân phối, đưa hàng hóa đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước, nhằm khẳng được chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh với các nhãn hàng ngập ngoại.
Yến Nhi
Bà Hillary Clinton phản đối TPP
Bà Hillary Clinton phản đối TPP

Ứng cử viên tiềm năng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, bà Hillary Clinton đã đưa ra quan điểm không ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN